|
|
Học sinh Hàn Quốc làm bài thi đại học (Ảnh: Reuters). |
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, 96 trong tổng số 331 trường đại học khắp cả nước đã quyết định cắt 16.197 chỉ tiêu tuyển sinh cho đến năm 2025. Đây là một phần trong kế hoạch cải cách đại học do Chính phủ Hàn Quốc dẫn đầu. Số chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị cắt giảm tương đương với việc đóng cửa bốn đến năm trường đại học.
Hơn 20 trường đại học ở Seoul và các thành thị khác, gồm nhiều trường nổi tiếng như Đại học Hàn Quốc, Đại học Kookmin, Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul Hàn Quốc, 74 đại học cấp tỉnh khác cũng tham kế hoạch này. Ngoài các hỗ trợ thường niên khác, những trường tham gia còn nhận được 140 tỉ KRW (hơn 2.500 tỉ đồng) hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chương trình cải cách bắt buộc trong các năm 2015 và 2018 nhằm giảm tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, chủ yếu nhắm đến các trường ở vùng sâu vùng xa vốn không thể đạt được chỉ tiêu này. Đây là lần đầu tiên các trường đại học danh tiếng ở Seoul tham gia chương trình.
Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục ở Hàn Quốc
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục 0,78 vào năm 2022, mức thấp nhất thế giới. Tỷ lệ sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 0,61 trong một vài năm tiếp theo. Đây là một xu hướng đáng báo động vì tỉ lệ sinh cần thiết để duy trì dân số ổn định là 2,1. Tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao đang biến Hàn Quốc trở thành quốc gia có số dân già nhanh nhất thế giới. Nếu tỉ lệ sinh tiếp tục giảm, dân số Hàn Quốc có thể giảm từ 51 triệu dân xuống còn 34 triệu dân vào năm 2067.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm. Nguyên nhân thứ nhất là do tuổi kết hôn tăng cao do thời gian học và cam kết làm việc với cơ quan. Tuổi phụ nữ sinh con đầu lòng ở Hàn Quốc ở mức trung bình 33,5 vào năm 2022. Nguyên nhân thứ hai là càng ngày càng ít người muốn kết hôn vì lý do tài chính hay công việc ổn định.
|
|
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Yonhap). |
Thứ ba, người dân Hàn Quốc ai cũng biết về quá trình học và thi gian khổ và áp lực phải đạt thành tích giỏi ở trường cũng như hậu quả nếu không đạt được thành tích nên nhiều người không muốn có con. Nguyên nhân thứ tư là do chi phí giáo dục quá cao. Gần 80% học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi học thêm. Trung bình hàng tháng phụ huynh ở Hàn Quốc cũng chi gần 9,5 triệu đồng vào việc học cho mỗi đứa con. Nhà nào càng giàu càng chi nhiều.
Nguyên nhân thứ năm là do chủ nghĩa bi quan về tương lai. Người ta sẽ dễ muốn có con hơn nếu nhìn thấy một tương lai tươi sáng. Thế nhưng người Hàn cho rằng phải giàu có thì mới thành công và giáo dục, đặc biệt là tấm bằng của các trường danh tiếng, là chìa khóa dẫn đến thành công nhưng muốn có chìa khóa thì phải tốn rất nhiều tiền. Đa số sinh viên theo học tại các trường danh tiếng đến từ các gia đình khá giả do họ có tiền theo học gia sư hay nơi học thêm tốt.
Nguyên nhân cuối cùng là cho nhiều người đã thay đổi quan niệm về việc có con. Nhiều người trẻ cho rằng có con đồng nghĩa với quá bận rộn và căng thẳng và họ không muốn gánh nặng tài chính do phải lập gia đình. Họ muốn có thời gian cho bản thân, dành thời gian với người yêu hoặc bạn bè, tập trung vào sự nghiệp và được độc lập và tự do.
Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ hàng tỉ đô la kể từ đầu năm 2020 để kéo lại tỉ lệ sinh đáng báo động này bằng các khoản trợ cấp sinh con. Một biện pháp khác là cải cách hệ thống giáo dục. Cha mẹ không cần phải chi quá nhiều cho gia sư hay chỗ học thêm. Trẻ em nên có thời gian để chơi và hoạt động ngoại khóa. Trẻ em đến từ các gia đình chưa khá giả nên có nhiều cơ hội tiến vào các trường danh tiếng hơn nữa.
Xu hướng học nghề trỗi dậy
Tại đất nước gần như ám ảnh với thành tích học tập, Jang Dong-hae lại làm điều nhiều phụ huynh Hàn Quốc lo sợ: bỏ học đại học tài chính sau một năm để học điều dưỡng. Thế nhưng sau 5 năm, Jang và cả bố mẹ đều vui vẻ do tiền đồ tốt.
“Bố mẹ tôi rất thích và ủng hộ tôi vì tỉ lệ việc làm cao hơn nhiều các ngành khác”, Jang cho biết.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc đã khiến nhiều người thay đổi cái nhìn về cuộc sống. Jang chỉ là một trong số nhiều người trẻ tuổi từ bỏ con đường vào đại học danh tiếng để học nghề hoặc đi làm luôn. Vào năm 2015, tỉ lệ học sinh cấp ba vào đại học giảm xuống còn 70,8%.
“Tham vọng của cha mẹ muốn cho con vào đại học tốt đã lên đến đỉnh điểm và đang hạ nhiệt dần. Dần dần, người ta cho rằng không phải ai cũng nên vào đại học”, Son Jong-chil, giáo viên kinh tế tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk cho biết.
Nhu cầu chăm sóc, điều dưỡng ở Hàn Quốc đang cao do dân số già. Theo Hội đồng Giáo dục Đại học Cao đẳng Hàn Quốc, số học sinh học nghề ở Hàn Quốc đã tăng lên 1.379 vào năm 2015, một con số quá nhỏ so với số học sinh thi vào đại học, cao đẳng vốn là 356.000 và 214.000. Tuy nhiên, đây là minh chứng cho thấy thay đổi trong tư duy của giới trẻ.
|
Theo thoidai