leftcenterrightdel
 GS Michael Thaddeus là người tố cáo Đại học Columbia sử dụng dữ liệu không chính xác. Ảnh: David Payr.

US News & World Report luôn tự hào nói rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khi đưa ra xếp hạng đại học hàng năm. Tuy nhiên, xếp hạng này lại rơi vào loạt nghi vấn khi hạ bậc của Đại học Columbia từ hạng 2 xuống hạng 18 vào hôm 12/9 - sau hơn một tháng tranh cãi về việc liệu trường này có làm sai số liệu hay không.

Việc hạ hơn 10 bậc của Đại học Columbia cho thấy thứ hạng của các trường có sức ảnh hưởng lớn đến các phụ huynh, học sinh và việc tuyển sinh đại học. Điều này cũng phơi bày vấn đề xếp hạng đại học dễ dàng bị thao túng vì chúng phụ thuộc nhiều vào dữ liệu do các trường trực tiếp gửi lên.

Xếp hạng mất uy tín

Trong xếp hạng đại học Mỹ năm 2022 do US News & World Report bình chọn, Đại học Columbia đứng thứ 2, đồng hạng với Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts.

Vị trí của Đại học Columbia không bị nghi ngờ cho đến khi ông Michael Thaddeus - một giáo sư Toán học trong trường - đăng bài viết cáo buộc nhà trường đã gửi số liệu thống kê "không chính xác, đáng ngờ hoặc rất dễ gây hiểu lầm".

Trong tuyên bố hôm 9/9, khoảng 3 tháng sau khi bị GS Michael Thaddeus tố cáo, Đại học Columbia lên tiếng thừa nhận nhà trường đã gửi những báo cáo dữ liệu "bị lỗi" cho xếp hạng đại học của US News & World Report.

Hiệu trưởng Mary Boyce của Đại học Columbia cho biết nhà trường đã áp dụng những phương pháp luận "lỗi thời và thiếu chính xác" để thống kê quy mô lớp học và trình độ giảng viên. Hiện, nhà trường đang thay đổi các phương pháp để gửi lại dữ liệu mới chính xác hơn.

"Chúng tôi rất hối hận về những sai sót trong báo cáo trước đây. Chúng tôi cam kết sau này sẽ làm việc cẩn thận hơn", bà Mary Boyce nói.

Vụ việc đáng xấu hổ của Đại học Columbia đã đặt ra nhiều câu hỏi cho phụ huynh và các nhà hoạch định chính sách giáo dục: Liệu chất lượng của một trường đại học có thể xếp hạng theo một dữ liệu duy nhất như các các nhà phê bình đánh giá phim ảnh và các ngôi sao? Sinh viên nên lựa chọn trường đại học dựa trên những yếu tố nào để đảm bảo độ uy tín?

Sau vụ lùm xùm, GS Michael Thaddeus cho biết dù Đại học Columbia xếp hạng 2 hay hạng 18, ông cũng không đưa ra kết luận đánh giá về chất lượng giáo dục của trường.

Ông nói rằng bài học sâu sắc hơn được rút ra từ vụ việc này là US News & World Report đã cho thấy tổ chức đang hoạt động kém hiệu quả đến mức việc xếp hạng trở nên vô nghĩa.

"Nếu tổ chức hạ bậc của trường đại học từ hạng 2 xuống hạng 18 chỉ trong một năm, điều đó chỉ khiến toàn bộ hoạt động xếp hạng trở nên mất uy tín", GS Thaddeus nói với New York Times.

Vì sao các trường vẫn "đâm đầu" vào xếp hạng?

Một số chuyên gia nói rằng các hệ thống xếp hạng cung cấp thông tin và tạo sự hài lòng, nhưng nó cũng phóng đại sự khác biệt giữa các trường và làm "lu mờ" những cân nhắc đa dạng hơn.

Ví dụ, thông thường, học sinh cân nhắc việc trường đại học có thế mạnh trong một số lĩnh vực nhất định, nhà trường có hệ thống hỗ trợ sinh viên hay không. Khi xếp hạng được tung ra, học sinh lại có có xu hướng bỏ qua mối quan tâm ban đầu và đổ xô nộp đơn vào những trường tốp đầu theo xếp hạng.

Lý giải cho điều này, những học sinh nộp đơn vào trường tốp đầu theo xếp hạng thường nghĩ rằng danh tiếng nhà trường sẽ giúp các em có được bước tiến mới trong cuộc sống và tìm được công việc như ý nhờ nó.

leftcenterrightdel
Các trường đại học phải hợp tác với các xếp hạng vì lo ngại nhiều bất lợi cho trường. Ảnh: Hiroko Masuike. 

Ông Colin Diver, cựu Chủ tịch của Đại học Reed (Mỹ), nhận định không chỉ riêng US News & World Report, nhiều tổ chức xếp hạng đại học khác như Wall Street JournalForbes và Washington Monthly cũng có khả năng "thổi phồng" mọi con số, nhưng không đến mức phi lý.

Việc này xuất phát từ tâm lý của nhiều học sinh, các em cho rằng khi học trường danh tiếng, các em sẽ dễ kiếm được việc làm, được chú ý và có nhiều mối quan hệ tốt hơn.

Về phía các trường đại học, ông Diver cho rằng các trường có mối quan hệ "vừa yêu vừa hận" với xếp hạng đại học của US News & World Report. Họ miễn cưỡng khi nói về sự yêu thích với bảng xếp hạng. Nhưng khi thứ bậc của trường tăng lên, nhà trường lại có xu hướng khoe khoang những điều nhận được.

Trong một khảo sát với các hiệu trưởng và lãnh đạo khoa, nhiều người chỉ trích chỉ trích bảng xếp hạng rất rắc rối bởi những hoạt động tự đánh giá. Họ cho rằng không trường nào có thể nắm rõ thông tin trên hàng trăm tổ chức xếp hạng để từ đó đưa ra bản tự đánh giá chính xác nhất.

Tuy nhiên, các trường vẫn phải tiếp tục hợp tác với những tổ chức xếp hạng đại học. Lý do là họ lo ngại nếu không tự gửi số liệu, những tổ chức xếp hạng (ví dụ US News & World Report) sẽ sử dụng dữ liệu từ nguồn khác và gây bất lợi cho nhà trường.

Ông Mushtaq Gunja, cựu quan chức Bộ Giáo dục Mỹ làm việc dưới thời ông Obama, cho biết bộ từng tạo ra bảng điểm để so sánh các cơ sở giáo dục đại học. Bảng điểm này không dùng để xếp hạng các trường, mà để cung cấp những thông tin quan trọng như ngành học, tỷ lệ tốt nghiệp, mức lương sau khi tốt nghiệp...

Ông Gunja hiểu US News & World Report đang cố tổng hợp mọi thông tin thành một con số đơn giản để học sinh và phụ huynh dễ nắm bắt. Tuy nhiên, ông cho rằng học sinh sẽ không thể tìm được câu trả lời mong muốn từ những con số của tổ chức này đưa ra.

Tại Mỹ, không chỉ riêng, Đại học Columbia, một số trường khác cũng từng dính bê bối "khai khống" số liệu cho xếp hạng đại học.

Năm 2021, cựu hiệu trưởng của trường Kinh doanh thuộc Đại học Temple (bang Pennsylvania) bị kết tội gian lận dữ liệu từ năm 2014 đến năm 2018 để cải thiện thứ hạng của trường. Khoảng thời gian đó, chương trình đào tạo MBA trực tuyến của trường này được đánh giá tốt nhất tại Mỹ.

Tương tự, Đại học Southern California cũng phải tự rút khỏi các bảng xếp hạng do bê bối sử dụng sai dữ liệu cho bảng xếp hạng 5 năm trước, theo New York Times.

Theo zingnews