Ít sinh viên quốc tế sẽ ghi danh vào năm 2020-2021

Sinh viên quốc tế không muốn đi và gia đình cũng không muốn gửi con ra nước ngoài vì sự không chắc chắn về tương lai và nguy cơ về đợt bùng phát dịch tiếp theo vào mùa thu năm 2020.

Studyportals - nền tảng lựa chọn cơ sở giáo dục toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan - đã công bố khảo sát về các sinh viên du học tiềm năng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Kết quả cho thấy, 83% số người được hỏi tin rằng kế hoạch di chuyển trong tương lai của họ sẽ bị hạn chế, và 63% tin rằng tài chính gia đình sẽ giảm vì dịch bệnh.

Du học sinh Trung Quốc dự lễ tốt nghiệp tại Đại học Columbia, New York, Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã

Điển hình, hơn một triệu sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ trong học kỳ mùa xuân năm 2020 đã trở về nước và không biết có bao nhiêu người sẽ trở lại vào học kỳ mùa thu. Trong một nghiên cứu thực hiện tại 234 trường đại học Mỹ hồi tháng 3/2020 bởi Viện Giáo dục quốc tế (Mỹ), 3/4 cơ sở cho biết dịch COVID-19 buộc họ phải hủy bỏ các sự kiện tiếp cận và tuyển sinh tại Trung Quốc, quốc gia đóng góp lượng sinh viên quốc tế lớn nhất ở Mỹ.

Thêm vào mối quan tâm về sức khỏe, các trường đại học và cao đẳng Mỹ có mức học phí cao nhất thế giới, với quy trình xử lý visa liên bang khó khăn cũng khiến số lượng sinh viên quốc tế giảm dần từ trước khi xảy ra đại dịch. Năm 2018, số sinh viên quốc tế mới ở Mỹ giảm 6,3% trong các chương trình đại học và 5,5% trong các chương trình cấp bằng sau đại học.

Các gia đình Trung Quốc quay lưng với trào lưu du học

Một loạt vấn đề liên quan đến đại dịch, bao gồm sự không chắc chắn về thu nhập trong tương lai, rủi ro sức khỏe khi sống ở nước ngoài và hình ảnh xấu đi của Trung Quốc trong mắt phương Tây, đã buộc tầng lớp giàu có Trung Quốc phải xem xét lại, hoặc từ bỏ kế hoạch gửi con đến trường ở Mỹ, Anh, hoặc đầu tư mua tài sản tại Canada, Úc để định cư.

Alice Tan - chủ sở hữu công ty kinh doanh trà ở Quảng Châu cho biết, ý tưởng về việc gửi con đi du học từ nhỏ đã bị “thất sủng”. Cô Alice là thành viên nhóm trò chuyện gồm hơn 300 người trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat, được thành lập để chia sẻ thông tin về học tập và đầu tư ra nước ngoài - kế hoạch chung cho các gia đình giàu có Trung Quốc trước đại dịch. Đối với các thành viên nhóm, mong muốn được sống ở nước ngoài trở nên kém hấp dẫn trong những tháng gần đây. 

Theo thống kê, hơn 660.000 sinh viên Trung Quốc du học trong năm 2019, tăng 8,8% so với năm trước đó. Trước đây, mong muốn có một ngôi nhà hoặc bằng tốt nghiệp nước ngoài mạnh mẽ đến mức các trường tư thục chuyên chuẩn bị cho sinh viên Trung Quốc du học và cơ quan môi giới di cư trở thành ngành dịch vụ bùng nổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch đã dẫn đến một loạt vụ phá sản. Bill Liu - người môi giới tại Quảng Châu chuyên giúp công dân Trung Quốc di cư và mua bất động sản ở nước ngoài - đang gặp rắc rối lớn; hồi năm 2019, anh đã giúp khoảng 30 gia đình di cư và đầu tư ra nước ngoài, nhưng năm nay, theo anh “con số có thể chưa đến 10”.

Cha mẹ Trung Quốc gửi con đi du học cũng ngày càng lo lắng về sự kỳ thị. Gou Hua - một cư dân Thâm Quyến có con trai dự định đến học đại học ở California vào mùa thu 2020, chia sẻ: “So với vài năm trước đây, tôi không thể không lo lắng về việc liệu con trai tôi có bị phân biệt đối xử ở trường nước ngoài hay không”. 

Theo phunuonline