Các tân cử nhân, thạc sỹ của trương VGU trong niềm vui hân hoan cùng các thầy cô
tại lễ tốt nghiệp
Sự phát triển của VGU thành trường đại học Việt Nam kiểu mẫu trong 10 năm đầu tiên hình thành thật sự rất ấn tượng. Là trường đại học công lập đầu tiên của Việt Nam, được thành lập năm 2008, trên cơ sở hợp tác với một đối tác quốc tế, VGU đã nhận được quyền tự chủ sâu rộng theo hình mẫu của Đại học Kỹ thuật Darmstadt, CHLB Đức. Hiện nay, VGU được xem là một dự án hàng đầu với diện mạo độc đáo.
Với hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của 150 cán bộ giảng dạy và hành chính, cùng gần 1.300 sinh viên, hiện nay VGU đang đào tạo 11 chương trình bậc đại học và cao học thuộc khối ngành kỹ thuật và kinh tế. Cho đến nay, 7 thế hệ sinh viên của Trường đã tốt nghiệp ra trường; tổng số sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp tại VGU đã lên tới hơn 600 sinh viên.
Hệ thống giáo dục Việt Nam cũng được hưởng lợi từ VGU. Năm 2012, lần đầu tiên, Luật Giáo dục đào tạo của Việt Nam có sự tham khảo nội dung quy chế của VGU đã được thông qua. Từ năm 2016, các trường đại học Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn để cấp kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu của mình. Tạo nên diện mạo đặc trưng của VGU còn bao gồm sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếng tăm của Đức như Messer AG, B.Braun Melsungen AG, SAP, HELABA, HDI, Bosch, Adidas, Pepperl+Fuchs… đều hỗ trợ cho dự án VGU thông qua việc cấp học bổng và cung cấp các vị trí thực tập cho sinh viên VGU. Hầu như tất cả các chương trình đào tạo của VGU đều có quan hệ đối tác với doanh nghiệp. Với tỷ lệ có việc làm đạt khoảng 98%, VGU là trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 6 tháng tìm được việc làm cao nhất Việt Nam.
Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức đã tài trợ cho VGU từ năm 2008 với mức kinh phí 1,5 triệu Euro mỗi năm. Bang Hessen tham gia tài trợ cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý của VGU, cho vị trí nhân sự Hiệu trưởng người Đức cũng như Phó Hiệu trưởng và hai chương trình đào tạo do các trường đại học của bang Hessen triển khai tại VGU.
Ngoài ra, với khoảng vay tín dụng trị giá 180 triệu USD của Ngân hàng Thế giới và 20 triệu USD vốn đối ứng của ngân sách của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang hỗ trợ kinh phí xây dựng khuôn viên của VGU cho quy mô đào tạo 5.000 sinh viên thuộc 23 chuyên ngành. Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội các trường đại học Đức trong khuôn khổ phát triển học thuật tại VGU cũng như Tổ chức Hộ trợ đại học Đức (WUS) hỗ trợ công tác xây dựng đội ngũ quản lý của VGU.
Khuôn viên tạm thời của VGU hiện nay đặt tại Thành phố mới Bình Dương, cách TP. Hồ Chí Minh 40km về phía Bắc. Đến năm 2020, khuôn viên mới của Trường sẽ được hoàn thiện. Hiện tại, VGU đã có các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy cho phù hợp quá trình xây dựng khuôn viên mới.
Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật Boris Rhein và Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo GS.TS. Phùng Xuân Nhạ đều nhất trí cho rằng: “Với tầm nhìn của một trường đại học nghiên cứu hai quốc gia, chúng tôi đã thiết lập các nguyên tắc tiêu chuẩn. Chúng tôi sẽ cùng nhau viết tiếp câu chuyện thành công của VGU. Trên nền tảng của tình hữu nghị rất đặc biệt giữa Việt Nam và bang Hessen, VGU sẽ tiếp tục phát triển thành đòn bẩy tạo động lực cho sự hợp tác khoa học và quan hệ kinh tế giữa hai bên".
Theo Thế giới và Việt Nam