leftcenterrightdel
Năm 2022, Đài Loan dẫn đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn. 

Đài Loan đang đẩy mạnh thu hút sinh viên, nhà nghiên cứu nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Xu hướng này phù hợp với bối cảnh các quốc gia chạy đua nghiên cứu chất bán dẫn.

Tình trạng thiếu nhân tạo là thách thức chính của ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Đài Loan, Trung Quốc, do số lượng sinh viên giảm vì tỷ lệ sinh thấp. Trong khi đó, Đài Loan đặt mục tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực chất bán dẫn với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh như Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản...

Để phát triển ngành công nghệ chất bán dẫn, các trường đại học Đài Loan thông báo họ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng sinh viên nước ngoài trong năm 2024, đặc biệt là nhân tài lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Văn phòng Giáo dục Đài Loan đặt mục tiêu thu hút 320 nghìn sinh viên quốc tế vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với số lượng sinh viên quốc tế cao nhất từng ghi nhận là gần 130 nghìn người. Mục tiêu thứ 2 là giữ chân ít nhất 210 nghìn sinh viên quốc tế ở lại làm việc.

Dựa trên mục tiêu này, Đài Loan sẽ thành lập 10 văn phòng tư vấn du học ở nước ngoài vào năm 2024 để hỗ trợ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học. Các văn phòng tư vấn sẽ tổ chức dạy tiếng Trung cho sinh viên dự bị trước khi du học. Đài Loan cũng tăng cường quỹ học bổng dành cho sinh viên cũng như tăng chế độ đãi ngộ đối với giảng viên đến từ các nước châu Á.

Ông Juin-Haw Lee, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU), chia sẻ: “Kế hoạch sẽ hỗ trợ các trường đại học rất nhiều vì nó thu hút sinh viên, giảng viên nước ngoài chất lượng cao đến Đài Loan. Giảng viên có thể trở thành cầu nối và khuyến khích sinh viên đến Đài Loan du học”.

Chuyên gia này lưu ý rằng, Đài Loan là một trong những điểm đến du học ngành chip bán dẫn được sinh viên quốc tế ưu chuộng vì ngành công nghiệp này đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí đứng hàng đầu thế giới.

Khi sinh viên quốc tế đến Đài Loan, họ được trau dồi kiến thức. Chương trình đào tạo về chip bán dẫn tại Đài Loan cũng do các cơ sở giáo dục tự thiết kế, không trùng lặp và mang giá trị riêng.

Bên cạnh đó, sinh viên có cơ hội làm việc trong những nhà máy sản xuất chip bán dẫn tốp đầu. Ông Lee lấy ví dụ nhiều doanh nghiệp, nhà máy đang hợp tác chặt chẽ với các trường đại học.

Ngoài ra, như nhiều nơi khác tại châu Á Đài Loan đã nới lỏng quy định về việc làm và yêu cầu tuyển dụng cho sinh viên quốc tế nhằm khuyến khích nhóm này gia nhập lực lượng lao động ngành chip bán dẫn.

Trước đó, năm 2022, Hàn Quốc công bố lộ trình 10 năm đào tạo 150 nghìn cử nhân ngành bán dẫn cho các cơ sở giáo dục đại học. Theo kế hoạch, các trường đại học Hàn Quốc được phép nâng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành liên quan đến bán dẫn, miễn là phân bổ đủ giảng viên.

Ở chiều ngược lại, du học ngành bán dẫn tại Đài Loan được nhiều sinh viên quốc tế quan tâm, lựa chọn. Khảo sát hơn 2.000 sinh viên quốc tế tại Đài Loan cho biết 86% số người được hỏi sẵn sàng ở lại Đài Loan làm việc theo chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Theo giaoducthoidai