Hình ảnh trong các phim Bố già (ảnh trái), Chị chị em em- Ảnh: ĐPCC
Sau khi tổ chức thảo luận điện ảnh từ góc độ khuôn mẫu giới, nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận định:
"Trong một xã hội vẫn nặng tính "nam trị", các quý ông trên phim Việt lại khá èo uột, vô dụng, bất đắc chí, gia trưởng, ích kỷ, hèn, hãm, thất bại, ăn chơi hoặc nhạt nhẽo, lông bông". Anh đặt câu hỏi: "Tại sao có tình trạng này? Phim ảnh phản ảnh hiện thực hay đang bôi đen hiện thực?".
Thất bại vĩ đại của nam tính
Xem Chị chị em em - một bộ phim rất điển hình về khuôn mẫu giới, cây bút điện ảnh Lucas Luân Nguyễn nhận định vai trò "người chồng" thực sự trong gia đình của Kim (Thanh Hằng) và Huy (Lãnh Thanh) lại chính là người vợ Kim.
Kim sở hữu toàn bộ tài sản, là trụ cột về cả tài chính lẫn tinh thần của ngôi nhà. Khi "gia đình mất chức năng" của họ có người thứ ba (Chi Pu) xen vào, sự tấn công về tình cảm là nhắm vào Kim chứ không phải Huy.
Loạt Gái già lắm chiêu tạo dựng hình ảnh phụ nữ trẻ hiện đại, sẵn sàng đi tìm người đàn ông - Ảnh: ĐPCC
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm nhận xét: "Khảo sát lại một loạt phim Việt từ xưa đến nay, trừ giai đoạn điện ảnh cách mạng với hình ảnh người lính được xây dựng rất đẹp, còn khi trở về với cuộc sống đời thường sau này, đặc biệt là từ giai đoạn Đổi mới đến nay, hình ảnh đàn ông Việt trên phim méo mó hẳn đi". Anh gọi đây là "sự thất bại vĩ đại của nam tính trong phim Việt".
Điều đó thể hiện qua việc phụ nữ có vai trò chủ đạo, đậm nét trong các bộ phim nghệ thuật xuất sắc từ thập niên 1990 đến nay như: Mùi đu đủ xanh (Trần Anh Hùng), Trăng nơi đáy giếng (Nguyễn Vinh Sơn), Thị xã trong tầm tay hay Cô gái trên sông (Đặng Nhật Minh), Bi đừng sợ, Cha và con và... (Phan Đăng Di).
Hình ảnh trong phim Bố già - Ảnh: ĐPCC
Theo quan sát của Tuổi Trẻ, các phim thương mại Việt nổi tiếng gần đây hầu hết đều có nhân vật chính là nữ, phản ảnh tâm tư tình cảm của nữ giới, phản ảnh hình ảnh người nữ giàu cảm xúc, mạnh mẽ, chủ động, dám sống, dám yêu...
Đó là Hai Phượng, Em chưa 18, Chị chị em em, Cô Ba Sài Gòn, 4 phần Gái già lắm chiêu, 2 phần Chị Mười Ba, Tiệc trăng máu (đa dạng các vấn đề giới, nhưng nữ giới đậm nét nhất), Chị trợ lý của anh, Vu quy đại náo, Tháng năm rực rỡ, Em là bà nội của anh, Cô gái đến từ hôm qua, Nắng, Mẹ chồng...
Trong số này có nhiều phim trăm tỉ hoặc hàng chục tỉ đồng, cho thấy nữ giới là đề tài chủ đạo và ăn khách của điện ảnh Việt. Sắp tới, ngay trong năm nay là một loạt phim nữ giới được ra mắt như Song song, Kiều, 1990, Bẫy ngọt ngào, Thiên thần hộ mệnh, Thanh Sói và xa hơn là Hương Ga 2, Trưng Vương...
Chủ đề nữ giới "thịnh" không chỉ nhờ các nhà làm phim nữ như Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Thu Trang, Hồng Ánh, Thanh Hằng, Minh Hằng... mà chính các nhà làm phim nam giới cũng rất hào hứng, tâm huyết với thiên tính nữ như: Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh, Bảo Nhân - Nam Cito, Nhất Trung...
Hai Phượng xây dựng hình ảnh người mẹ mạnh mẽ, giỏi võ, kiên cường tìm con - Ảnh: ĐPCC
Không khuôn mẫu nào là chuẩn
Bố già, Chàng vợ của em, Siêu sao siêu ngố, Anh trai yêu quái, Ròm, Mắt biếc, loạt phim Lật mặt, Song lang, Người bất tử, Lôi Báo hay trước đây là Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Thiên mệnh anh hùng, Lửa Phật, Siêu nhân X... là những phim ít ỏi đáng chú ý về nam giới. Chưa xét chất lượng tốt hay không, nhưng trong đó có những phim thất bại nặng nề so với mức kinh phí khổng lồ.
Bố già đạt 340 tỉ đồng tính đến nay, thành công nhất về doanh thu và là trường hợp hiếm dám nhìn vào mặt trái của nam tính, và cũng vượt khỏi khuôn mẫu giới ép đàn ông phải thành công, mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. Chàng vợ của em có người đàn ông đảm đang sẵn sàng đóng vai trò "chàng vợ", gặp được người phụ nữ mạnh mẽ, có tham vọng sự nghiệp.
Họ hòa hợp với nhau và là màn phá vỡ khuôn mẫu giới thành công của điện ảnh Việt.
Ở Mắt biếc, dù là từ góc nhìn của nhân vật nam giới Ngạn, tính nữ vẫn rất rõ ràng. Lôi Báo, Người bất tử, Dòng máu anh hùng rất nam tính nhưng không chiến thắng tại phòng vé do nội dung hoặc thời thế.
Thế nhưng, việc điện ảnh Việt "đang phản ảnh hay bôi đen hiện thực" về nam giới cần được suy xét thấu đáo.
Hình ảnh trong phim Chị chị em em - Ảnh: ĐPCC
Trả lời phỏng vấn người viết về hình tượng "đàn ông hèn" trong phim của ông, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng nói: "Ngoài đời tôi gặp rất nhiều người đàn ông như thế, đầy rẫy nên tôi đưa vào phim, truyện chứ tôi chẳng có ý miệt thị đàn ông".
Nhiều nhà làm phim tài năng như Đặng Nhật Minh đã đưa vào phim ảnh những hình tượng họ gặp ngoài đời, xây dựng thành nhân vật gây ấn tượng khó quên mà vẫn rất thật, rất đời.
Nhưng điều đáng ngại là những nhà làm phim non nghề, không có ý thức cao độ về khuôn mẫu giới nên đã vô tình tạo ra những hình tượng rập khuôn, cũ kỹ về đàn ông tệ hại, yếu đuối. Và ngược lại, những bộ phim ca ngợi, đòi hỏi đàn ông luôn phải anh hùng, cao đẹp, chính trực... cũng tạo ra khuôn mẫu giới mà không phải ai cũng đồng cảm được.
Chàng vợ của em tạo nên khuôn mẫu mới mẻ: đàn ông nội trợ, phụ nữ lo sự nghiệp - Ảnh: ĐPCC
Ông Lê Quang Bình, giám đốc tổ chức ECUE kiêm điều phối dự án VGEM - nơi nghiên cứu về khuôn mẫu giới (trong đó có khía cạnh "khuôn mẫu giới trong điện ảnh" do nhà phê bình Lê Hồng Lâm thực hiện), nói với Tuổi Trẻ: "Chúng tôi muốn nói lên rằng không có khuôn mẫu nào là chuẩn". Ông Bình cũng nhấn mạnh: "Đàn ông mạnh mẽ, nhút nhát đều là "khuôn" cả. Nếu đòi hỏi ai cũng mạnh mẽ thì người nhút nhát sẽ bị loại ra".
Việc nhìn thẳng vào thực tế "âm thịnh dương suy trong điện ảnh" cũng có thể mang lại động lực cho các nhà làm phim để phá vỡ khuôn mẫu giới, mang lại những nhân vật thật hơn, đời hơn và gần gũi với người xem hơn.
Theo tuoitre