Nhân vật Raya được truyền cảm hứng một phần từ Hai Bà Trưng, hình ảnh non nước xanh ngắt, chiếc bánh chưng, rừng tre... đều khá đặc trưng Việt Nam

Trong Raya và rồng thần cuối cùng, vùng đất Kumandra được ví như một con rồng thần với 5 xứ, mỗi xứ mang tên một bộ phận của rồng thần. Rồng là loài vật linh thiêng ở các quốc gia Đông Nam Á, mang ý nghĩa cao đẹp về sự sống, sự hình thành. Rồng trong Raya gắn với nước là khởi nguồn của sự sống.

Biểu tượng rồng cũng rất ý nghĩa với người dân Việt Nam nói riêng bởi chúng ta có truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên".

Dấu ấn Việt Nam và Đông Nam Á đậm đà

Đó là Long Tâm ở vùng trái tim rồng, vùng đồng bằng trù phú tươi đẹp với dòng sông cuộn chảy, chính là sông Mekong chảy qua hầu hết quốc gia Đông Nam Á và Việt Nam. Là Long Vĩ ở vùng sa mạc khô cằn, và Long Trảo với chợ nổi và chợ đêm đặc trưng. Đó là Long Cốt với rừng tre trúc khổng lồ - Hollywood Reporter nhấn mạnh tre là loài cây đặc trưng của Việt Nam. Và Long Nha - xứ sở của thành quách, đền đài cổ kính được truyền cảm hứng từ Angkor Wat.

Long Tâm, quê nhà của công chúa Raya, được lấy cảm hứng từ các vùng châu thổ ven sông Mekong và vịnh Hạ Long của Việt Nam trong hình hài núi non, sông nước. Không chỉ Long Tâm, hình ảnh sông nước trải dài khắp các xứ của Kumandra chính là hình tượng của nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á. Vua cha được Raya gọi là "ba", từ quen thuộc trong tiếng Việt.

Về hình tượng Raya - nàng công chúa chiến binh, nhân vật chính của bộ phim - bộ đôi biên kịch Qui Nguyen và Adele Lim cho biết nguồn cảm hứng đến từ những nữ chiến binh uy dũng trong lịch sử và huyền sử Đông Nam Á, trong đó có Hai Bà Trưng của Việt Nam. 

"Trong văn hóa Việt Nam có câu chuyện nổi tiếng về Hai Bà Trưng. Họ là những anh hùng nổi tiếng của Việt Nam mà tôi nghĩ đến khi viết kịch bản" - biên kịch gốc Việt Qui Nguyen nói.

Bộ phim cũng được ca ngợi vì những chi tiết nhỏ, tinh tế khi mô tả phong tục, lối sống của người Đông Nam Á. Khi bước vào không gian linh thiêng, họ đều bỏ giày dép để thể hiện sự tôn kính với thần linh, tổ tiên.

Khi Raya đi tìm rồng thần Sisu, cô bày ra những món đồ cúng trong đó có bánh chưng của Việt Nam. Trên hành trình ấy, Raya tự nuôi sống mình bằng món mít sấy phổ biến với người Việt, Đông Nam Á. Các loại trái cây như sầu riêng, thanh long, mít xuất hiện trong phim như món quà hào sảng của xứ sở nhiệt đới.

Võ công của các nhân vật cũng được chăm chút rất kỹ lưỡng theo kỹ thuật của pencak silat (Indonesia), muay Thai (Thái Lan) và vovinam (Việt Nam).

Rời "cái tôi" để hướng đến "cái ta" rất Á

Một điểm nổi bật của Raya và rồng thần cuối cùng, khiến bộ phim không chỉ tốt mà còn sâu sắc và khác biệt với những bộ phim Disney khác, chính là tinh thần hướng đến "cái ta" rõ nét.

Trong những bộ phim Disney và Hollywood trước đây, chủ nghĩa cá nhân và cái tôi được tô đậm. Nhân vật chính thường chiến thắng nhờ tin vào chính mình, chứng tỏ được sức mạnh ưu việt và chiến thắng kẻ thù, lấn lướt cả đồng minh và luôn là số 1. Họ cũng thường một mình cứu thế giới và được tung hô một mình.

Còn trong Raya và rồng thần cuối cùng, chúng ta chứng kiến chiến thắng ấm áp của "cái ta", của niềm tin dành cho những người xung quanh và tinh thần cộng đồng.

Do đó, thông điệp của Raya rất ý nghĩa, rất Á Đông và cũng rất thời sự trong một thế giới đầy chia rẽ như hiện nay. Nếu không tin tưởng và đoàn kết, 5 xứ sở Long Tâm, Long Vĩ, Long Trảo, Long Cốt, Long Nha rất dễ rơi vào con đường diệt vong. Chỉ khi đoàn kết lại, nắm lấy tay nhau và tha thứ cho nhau, họ mới tìm thấy con đường để phát triển bền vững trong hòa bình và thịnh vượng.

Cách làm của Raya không chỉ là lắp ghép những yếu tố bề mặt của Đông Nam Á vào phim một cách khô cứng. Bộ phim thực sự đã đào sâu xuống những tầng vỉa về văn hóa, tâm linh, trang phục, lối sống, tính cách và con người Đông Nam Á cũng như giữ được nét mặt Đông Nam Á của các nhân vật chứ không hề "Âu hóa". Phim là một bước tiến lớn trên hành trình đưa diện mạo khu vực này trở nên rõ nét trong điện ảnh phương Tây.

Theo tuoitre