Một lớp học dành riêng cho học sinh học nghề Việt Nam ở Dehoga Thüringen

Do ngày càng có ít bạn trẻ ở bang Thüringen muốn học nghề nấu ăn, trong khi đầu bếp chuyên nghiệp rất thiếu, nên ông Dirk Ellinger, Chủ tịch Dehoga Thüringen muốn tìm kiếm học sinh học nghề nước ngoài vào học ngành này, vì nhiều người Đức chỉ muốn học đại học chứ không muốn học nghề và nhiều người sợ thời gian làm việc không thuận lợi trong ngành nhà hàng ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình.

Thông qua Karin Mikulcak, người đứng đầu „iasisst24“, một công ty môi giới nhân sự quốc tế, ông nảy ra ý nghĩ tuyển học sinh học nghề nấu ăn ở nước ngoài. Đặc biệt, Dehoga rất tích cực tìm người ở Việt Nam.

Dehoga đã lập ra những lớp riêng cho học sinh học nghề nước ngoài. Ông Ellinger cho biết, các lớp này tập trung vào việc dạy tiếng Đức, vì trình độ B2 là cần thiết để hiểu được nội dung giảng dạy. Hiện tại có hai học sinh Việt Nam đang học năm thứ hai ngành nấu ăn và đã thi giữa khóa học với kết quả tốt.

Ông Ellinger rất tự hào, vì có riêng một lớp dành cho học sinh Việt Nam đang được đào tạo thành đầu bếp, chuyên gia nhà hàng hoặc chuyên gia khách sạn.

Nhưng không chỉ có học sinh học nghề Việt Nam đang theo học ở trường này, mà cũng có một số bạn trẻ Tây Ban Nha đang theo học một số chương trình cơ bản để sau đó có thể học nghề.

Ông Ellinger cho biết, làn sóng người tị nạn cũng tác động tới việc tuyển sinh học nghề. Vui vẻ và thân thiện với khách là điểm đặc trưng của ngành khách sạn, nhà hàng và ngành này rất quan tâm tới những người tị nạn.

Ông cho rằng chính giới phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các bạn trẻ nước ngoài có thể học nghề ở đây, vì nhiều người rất muốn được làm việc. Tuy nhiên, việc biết tiếng Đức là điều kiện bắt buộc để có thể học nghề.

Ngoài ra, việc gặp gỡ giữa những nền văn hóa khác nhau thỉnh thoảng cũng dẫn tới bất đồng. Nhưng trong luật đào tạo nghề có những quy định phải tôn trọng. Vì vậy, hầu như không thể nấu ăn kiêng theo quy định của Do Thái giáo hoặc Hồi giáo, hoặc nấu ăn mà không có rượu, cũng bởi vì theo Luật bảo vệ thú vật ở Đức thì việc cắt tiết gia súc, gia cầm là bị cấm. Trong khi đó, trong các tôn giáo nói trên, người theo đạo bị cấm ăn tiết, nên họ phải cắt tiết gia súc, gia cầm cho hết máu.

Doanh nghiệp này cũng có nhiều phụ nữ ở vị trí lãnh đạo, nên không thể chấp nhận thái độ thù địch hoặc coi thường phụ nữ như trong thiên niên kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, ngành này cũng đánh giá cao việc trao đổi văn hóa và những kinh nghiệm mới cho cả hai bên. Các doanh nghiệp cũng có thể học thêm ở những học sinh hoc nghề nước ngoài. Trong trường hợp dạy nấu ăn thì đây thường là những món ăn mới, liên quan tới ẩm thực châu Á mà các học viên Việt Nam sẵn sàng truyền bá. Ông Ellinger nói thêm: "Những món ăn như Sushi và bánh phồng tôm ngày càng được thực khách ưa thích".

Ông Ellinger nhấn mạnh: "Học viên và doanh nghiệp cũng phải cởi mở và sẵn sáng thử những điều mới. Dù sao các học viên Việt Nam cũng sẵn sàng chế biến món salat khoai tây mà chẳng có vấn đề gì"./.

                                                                                                               Theo VOV.VN