|
|
Tiến sĩ Deborah Saucier, Chủ tịch kiêm Phó hiệu trưởng ĐH Vancouver Island (Canada), phát biểu tại hội thảo |
Kêu gọi hợp tác giữa Canada và ASEAN
Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO RETRAC) phối hợp với Hội đồng giáo dục quốc tế British Columbia (BCCIE), Cục Giáo dục quốc tế Canada (CBIE), Hiệp hội các trường CĐ và học viện Canada (CICan) tổ chức hội thảo quốc tế về lãnh đạo và quản lý giáo dục ĐH năm 2024 hôm 15.10, quy tụ khoảng 70 học giả dự và báo cáo.
Tại sự kiện, Chủ tịch kiêm Phó hiệu trưởng ĐH Vancouver Island Deborah Saucier, cho hay trong năm học 2010-2011, chỉ có 7,2% sinh viên quốc tế trên tổng số sinh viên ở Canada. Đến năm học 2019-2020, tỷ lệ này tăng đến 17,8%. Du học sinh đến Canada tập trung nhiều nhất ở các ngành STEM, ngoài ra còn học kinh doanh, sức khỏe, nghệ thuật...
Trong khuôn khổ hội thảo, tiến sĩ Saucier cũng kêu gọi các trường ASEAN và Canada tăng cường hợp tác quốc tế để mở ra các chương trình liên kết đào tạo hay trao đổi sinh viên. Bởi lẽ, sinh viên thời nay không còn như lúc trước Covid-19 và điều này tương tự với các trường. "Đã đến lúc chúng ta phải sáng tạo con đường giáo dục mới cho sinh viên", bà Saucier nhấn mạnh.
|
|
Các học giả, chuyên gia, lãnh đạo ĐH từ các nước có mặt tại sự kiện |
Bà Saucier thông tin thêm rằng tỉnh bang British Columbia, nơi ĐH Vancouver Island tọa lạc, định hướng phát triển 1 triệu việc làm trong thập kỷ tới. Điều này tạo cơ hội cho du học sinh của mọi ngành với mục tiêu biến British Columbia thành "địa điểm được sinh viên ASEAN tin tưởng".
"Thành công của một người lãnh đạo ĐH như tôi không được tính bởi số sinh viên nhập học, mà được đo bằng số lượng sinh viên đạt được mục tiêu và có cuộc sống thành công sau tốt nghiệp", bà Saucier nhận định.
Cách phát triển ĐH theo hướng quốc tế hóa
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về việc quốc tế hóa cơ sở giáo dục ĐH. Như tại Philippines, phó giáo sư Paul Anthony Balagtas (ĐH Quốc gia ở TP.Clark), nhận định rằng một số ĐH tư thục nước này triển khai quốc tế hóa với mục tiêu cốt lõi là cải thiện chất lượng đào tạo chứ không nhằm thương mại hóa. Ngoài ra, việc này còn giúp bảo tồn, phát huy văn hóa ASEAN. "Đây là yêu cầu quan trọng với khu vực Đông Nam Á trong quá trình hội nhập quốc tế", ông Balagtas chia sẻ.
Cũng theo phó giáo sư Balagtas, biểu hiện của quốc tế hóa là các trường tập trung phát triển chương trình đa ngành và toàn diện, có trường còn thiết lập cơ chế chuyển đổi tín chỉ. Các khoa thu hút sinh viên quốc tế bằng các chương trình cấp bằng và chương trình trao đổi văn hóa. Ngoài ra, các ĐH còn hợp tác với doanh nghiệp trong khu vực ASEAN, các quốc gia châu Á khác để tạo cơ hội trao đổi quốc tế.
Tiến sĩ Christopher Busch (ĐH Windsor, Canada) nhận định các trường còn đối mặt với những rào cản nhất định để xây dựng môi trường hội nhập quốc tế. "Tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa mà trong trường có thể xảy ra mâu thuẫn, liên quan đến ưu tiên nội bộ của trường, sự thiếu hiểu biết chung về quá trình này giữa các cơ quan trong trường và sự thiếu định hướng của nhà lãnh đạo", ông Busch cho hay.
|
|
Từ trái qua: phó giáo sư Paul Anthony Balagtas (ĐH Quốc gia ở TP.Clark, Philippines) và tiến sĩ Christopher Busch (ĐH Windsor, Canada) |
Tiến sĩ Busch lưu ý để thực sự phát triển theo hướng quốc tế hóa, trường ĐH cần khuyến khích các phân khoa tham gia vào các hoạt động giáo dục quốc tế nhiều hơn. "Nhà lãnh đạo phải giúp nhân viên tin rằng họ là thành tố quan trọng của tổ chức. Sự thay đổi bắt đầu từ những sáng kiến của nhà lãnh đạo, theo sau là sự phân bổ nguồn lực để các phân khoa có thể thực hiện", ông Busch khuyên.
Bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc SEAMEO RETRAC, phân tích rằng lãnh đạo ở giáo dục ĐH không còn chỉ là quản lý các tổ chức mà là khơi dậy sự đổi mới, thúc đẩy khả năng bao quát, chuẩn bị cho sinh viên của mình kỹ năng tư duy phản biện, sự thích ứng và tinh thần công dân toàn cầu. Đây là cách chuẩn bị cho thế hệ tương lai đạt được thành công khi thế giới ngày càng phức tạp và kết nối toàn cầu ngày càng chặt chẽ.
Theo Thanh niên