Thấy tôi chơi cờ với đám nhỏ hàng xóm và hay “gáy” khi được nước thì ba tôi kể chuyện Nam Cung Trường Vạn đánh cờ trong Đông Chu liệt quốc. Dặn dò các con “chớ thấy việc tốt nhỏ mà không làm” và “chớ thấy việc ác nhỏ mà làm”, ông thường dẫn chuyện Lưu Bị gửi đứa con mồ côi cho Khổng Minh và những lời trối dành cho Lưu Thiện trong Tam quốc diễn nghĩa

Ông hay dẫn trong Cổ học tinh hoa những bài học ý nhị, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Để động viên mọi người không hoang mang khi gặp rủi ro, ông hay kể chuyện Tái ông thất mã; phê bình những người cãi nhau không đâu vào đâu và cậy mình hiểu biết hơn người thì ông kể chuyện Giáp Ất tranh luận; khi tôi ra trường đi làm, ít về nhà, ông kể chuyện Cái được cái mất của người làm quan… 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz


Hay khi phê phán những người mê tín dị đoan, ông hay kể chuyện ông nội tôi nói cột nhà “bị yếm” khi dùng búa chẻ thì “nháng lửa”, rồi bình luận rằng: chẳng qua trong cây cột có đinh, nên búa chạm vào thì tóe lửa chứ có sao đâu!

Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cách dẫn chuyện để nói lên điều mình nghĩ đến việc thực hành các câu chuyện đó. Câu chuyện sau đây cha tôi kể nhiều lần và tôi rất tâm đắc: “Một ông nọ có khách. Chủ nhà tỏ vẻ quý khách nên nói chuyện rất nhiều; người khách chăm chú nghe và luôn tỏ ra tán đồng với ý kiến của chủ nhà. Khi người khách ra về, chủ nhà phấn khởi nói với người giúp việc: Ông ấy thật là người biết nói chuyện! Người giúp việc ngạc nhiên hỏi:

Ủa, con có thấy ông khách nói gì nhiều đâu mà ông bảo ông ấy biết nói chuyện?”…

Kể ra, trong gia đình, tôi được mọi người cho là biết nói chuyện. Ba mẹ tôi đi đâu xa thường muốn đi với tôi vì tôi thường biết cách thăm hỏi, dẫn dắt câu chuyện, biết tạo không khí để câu chuyện luôn sinh động… bởi ông bà thường tự nhận mình ít lời, vụng về, sợ nói ra làm người khác phật lòng…

Thực ra, vì nghề nghiệp, tôi đi nhiều, giao tiếp nhiều nên có chút kỹ năng đó chứ không phải tôi là người khéo léo; hơn nữa, trong nhiều cuộc chuyện trò, người trò chuyện đã ít nhiều biết đến tôi (nhất là trong họ hàng), tự họ đã “thiên vị” tôi rồi, nên các câu chuyện vì thế trở nên dễ trao đổi hơn.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK


Nhưng chuyện sau đây thì đúng là tôi đã học được từ một trong các chuyện kể của ba. Lần nọ, tôi đến thăm và chúc tết một bác sĩ trong bệnh viện huyện, là người đã tận tình chữa trị và giúp đỡ ba tôi trong thời gian ông điều trị ở đây.

Hôm ấy bà bác sĩ không có nhà, người chồng tiếp tôi. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp mặt. Nhưng chỉ sau vài câu, ông ấy kể quá chừng chuyện, mỗi chuyện tôi đều tham gia trong hiểu biết của mình, hoặc hỏi thêm vài chi tiết (cái này do thói quen nghề nghiệp!) nên ông ấy rất phấn khởi kể tiếp nối nhau.

Có lẽ chưa người nào từng gợi chuyện để ông kể nhiều như vậy. Nên nói dông dài, mãi đến trưa tôi mới dám xin phép về. Về nhà, kể cho ba nghe chuyện đó, ông cười bảo: Chắc thế nào ổng cũng khen con là người biết nói chuyện!

Tôi cũng học ba dẫn dắt các cuộc chuyện trò hoặc chia sẻ ý kiến bằng các câu chuyện, có khi là chuyện kể đâu đó hoặc chuyện của chính tôi. Khi có người “hoài cổ” khen xã hội trước đây rất tốt đẹp mà chê xã hội hiện tại đầy rẫy suy đồi, tệ nạn, tôi không phản bác mà gửi cho họ câu chuyện Đôi giày hạnh phúc trong Truyện cổ Andersen, để khẳng định rằng “thời đại chúng ta chưa hoàn hảo lắm, nhưng vẫn hơn nhiều thời đại đã qua”.

Khi giảng về đạo đức của người làm báo, tôi đem chuyện người thầy luôn giữ kín bí mật về người cha của một đứa trẻ thực ra đang ở tù chứ không phải đi làm ăn ở châu Mỹ như nó vẫn nghĩ trong cuốn Tâm hồn cao thượng. Khi chia sẻ suy nghĩ phải luôn học tập ở người khác về mọi điều, tôi thích kể lại chuyện đại văn hào Goethe khi còn trẻ đã chu du khắp nơi và đến đâu ông cũng hỏi thăm về những người giỏi nhất ở đó để kết bạn…

Sau này trong việc dạy con, tôi đem chuyện của mình ra làm bài học, thực tế, sinh động và không cần giấu lỗi. Dạy con phải biết lễ phép, thưa gửi, tôi nhắc chuyện hồi 4-5 tuổi tôi còn ở nhà ngoại để đi học mẫu giáo, đến lúc ba đến đón về nhà thì hăm hở đi về mà nhất định không chào bà, bị ba tôi đánh một trận nên thân.

Dạy con phải cẩn thận, tránh lười biếng rồi phải giải quyết hậu quả còn nặng hơn, tôi kể chuyện có lần nhận nhiệm vụ đem củi vào nhà; thay vì ôm từng ôm nhỏ, tôi “cả mô” ôm cả ôm lớn, kết quả là ôm không nổi, nên củi đổ, phải lượm lại, xếp lại còn mất nhiều thời gian hơn mà tay thì bị trầy nhiều chỗ…

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team


Ba tôi là người thẳng tính và ông tự cho là vụng về nhưng cũng khá tế nhị, khéo léo khi kể chuyện, nhất là khi trò chuyện với những người có hiểu biết, có tâm thế trò chuyện tích cực. Những điều đó tôi cũng học ở ông nhưng chưa đầy đủ, sâu sắc.

May mắn hơn chút là tôi chịu khó trải nghiệm nên cũng ít nhiều biết đem câu chuyện thành ra một thông điệp, một gợi ý, một cách dẫn dắt để không cần phải nói toạc móng heo điều mình muốn nói trong những trường hợp phải thẳng thắn nhưng cần tinh tế.

Càng có tuổi, tôi lại càng thấy những chuyện kể của ba càng hay, càng thấm, càng sâu sắc. Và khi ba tôi mất rồi, tôi lại tiếc ngẩn ngơ vì không còn được nghe những câu chuyện hay, thú vị! 

Theo phụ nữ TPHCM