Tối nọ, nhóm bạn học cùng đại học qua nhà, tôi và mọi người ngồi tâm sự, chia sẻ đến gần 3 giờ sáng. Thủ khoa đầu ra của một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh hỏi tôi: Nhiều người cũng giỏi mà chưa hẳn đã thành công. Vậy khác biệt của thành công và học giỏi là gì?

Thật tâm, tôi không biết trả lời thế nào, bởi theo tôi, để thành công cần cố gắng nhiều hơn nữa. Chưa kể, trong hành trình để đến được thành công cần sự may mắn, được nhiều người ủng hộ, sự đồng hành của gia đình, họ hàng và bạn bè.

Nhưng tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện.

Vào năm thứ hai đại học, do tính tiêu hoang nên chưa hết tháng mà tôi đã tiêu hết sạch tiền sinh hoạt bố mẹ gửi. Một người bạn cùng ký túc xá cho tôi mượn 50 ngàn đồng để trang trải trong 3 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ 2, tôi chỉ còn đúng 5 ngàn đồng trong túi.

Tôi nhớ, lúc đó khoảng 18 giờ, cô sinh viên Ngoại thương cầm số tiền ít ỏi vào quán gọi cơm bụi, tính ăn tạm còn lấy sức đi dạy thêm. Bước chân vào quán, thấy mấy con ruồi bay vo ve, bát đũa, bàn ghế thì cáu bẩn, tôi “quay xe” và quyết định đạp xe đi làm với cái bụng rỗng.

May sao, hôm đó đến sớm nên tôi được gia đình học sinh mời cơm. Họ rất giàu, mâm cơm toàn đồ ăn ngon và đương nhiên tôi không thể từ chối. Vậy là từ đó tôi thường đi dạy sớm và về muộn, hết lòng dạy dỗ để học sinh đạt điểm cao, còn mình thì ngày nào cũng được ăn ngon.

anh mh

Dạy con biết cách từ chối là điều rất quan trọng trong cuộc sống (Ảnh minh họa)

Kết thúc năm học, học sinh của tôi từ học lực trung bình vươn lên học sinh giỏi với điểm tổng kết 8,9. Khỏi phải nói cha mẹ em vui mừng đến nhường nào. Họ cảm ơn rối rít, tôi thì thấy sướng vô cùng vì vừa được khen, vừa được ăn ngon thay vì cơm bình dân vỉa hè. Hơn hết, chính công việc gia sư đó giúp tôi bén duyên với ngành giáo dục sau này.

Khi trưởng thành và nuôi dạy cô con gái nhỏ Emily, tôi khuyến khích con nói “không” đối với những việc/những điều con không thích hoặc không đúng với mong muốn.

Ví dụ, con được quyền nói “Con không thích đồ ăn này vì nó có mùi rất ghê”, “Con đã ăn no rồi, con không muốn ăn nữa”, hay “Con không muốn mặc cái này vì nó rất ngứa”.

Không chỉ với đồ ăn, những đứa trẻ trong nhà còn được tập thói quen chơi một mình thay vì buộc phải chơi với ai đó mà các con không thích. Các con có quyền lựa bạn mà chơi, chơi vì vui, vì hợp sở thích… chứ không phải gượng ép kết bạn vì cô đơn, sợ bị cho “ra rìa”.

Tôi cũng hay nhắc các con bài học về cái cây, đại loại cây thì cô đơn ở trên cao, cỏ thì vui vầy dưới đất. Một điều khá thú vị là tuy còn nhỏ nhưng các con ai cũng một, hai chọn “làm cây”, dù chỉ là cây non.

“Tốt là kẻ thù của vĩ đại”, đó là câu nói hay mà tôi rất thích. Trong cuộc sống này, chúng ta luôn phải lựa chọn, chẳng hạn ăn no cho đầy bụng hay ăn ngon. Để ăn no thì dễ, ăn ngon thì không đơn giản, đôi khi cần chấp nhận từ chối ăn no để ăn ngon. Tôi đã rất nhiều lần từ chối những cơ hội tầm thường để hướng tới những điều lớn lao hơn.

Nếu hồi xưa bằng lòng ăn suất cơm 5 ngàn đồng thì tôi đã không được thưởng thức những bữa ăn ngon của người giàu. Nếu không nếm cảm giác đạp xe đi dạy với cái bụng đói cồn cào thì biết đâu tôi đã bớt động lực để vươn lên. Tôi cũng có thể chọn đi con đường dễ dàng hơn, trở thành một công chức như bố mẹ. Nhưng không, tôi đã dành năm tháng thanh xuân của mình để nỗ lực, có lúc cô đơn, đôi khi trầm cảm trước những khó khăn, thử thách. Chẳng thể chắc chắn câu chuyện tương lai, nhưng ít nhất đến thời điểm này, tôi tự tin lựa chọn của mình là chính xác.

Trên đời này, không có con đường nào bằng phẳng nhưng chỉ cần kiên định, nỗ lực vượt qua những đoạn lởm chởm, gập ghềnh trước mặt, phía trước sẽ là khung trời ngập nắng.

Tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực trên hành trình đó và tôi tin bạn cũng vậy. Hãy nhớ “Tốt luôn là kẻ thù của vĩ đại”, hãy học cách nói không với những thứ tầm thường, dễ dãi.

Theo giadinhonline.vn