Năm 2019, có 17.000 chiếc ví chứa tiền và thông tin liên lạc được chủ động “đánh rơi” ở 355 thành phố thuộc 40 quốc gia khác nhau trong một thí nghiệm xã hội. Kết quả, Đan Mạch đứng đầu về số lượng ví được trả lại, với tỉ lệ là hơn 80%.
Các nhà nghiên cứu khẳng định: chính những cách giáo dục khác nhau đã tạo nên những kết quả chênh lệch của từng quốc gia trong thí nghiệm đó. Authenticity (sự chân thật) là yếu tố cốt lõi trong cách dạy con của người Đan Mạch.
Chân thật với mọi người
Khi mới chuyển đến sống ở Đan Mạch, tôi có việc lên phường làm giấy tờ. Nhân viên ở đó hỏi thông tin của tôi rồi điền vào hồ sơ trong hệ thống. Mọi việc diễn ra vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, đến nỗi tôi ngạc nhiên hỏi chồng sao họ không cần kiểm tra mớ giấy tờ gốc mà tôi mang theo.
Chồng tôi - một người Đan Mạch chính hiệu - đã trả lời vợ với vẻ ngạc nhiên: “Tại sao lại phải kiểm tra? Họ tin là em thành thật. Ở đây mọi người tin tưởng nhau rất nhiều”.
Và đến bây giờ, sau 5 năm sống ở Đan Mạch, tôi vẫn luôn thích cách mà người Đan Mạch tin tưởng nhau, thành thật với nhau. Cả xã hội được vận hành bởi niềm tin: trẻ sơ sinh có thể ngủ một mình trên xe nôi ngoài đường phố, đồ vật bị đánh rơi hoặc để quên phần lớn đều được trả lại chính chủ, rất hiếm nhà nào kín cổng cao tường với hàng rào thép gai hay camera chống trộm; quốc gia này cũng có tỉ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới…
Người Đan Mạch được dạy rằng, trở thành một người đáng tin cậy còn quan trọng hơn là trở thành một người giỏi giang. Một người được người khác tin tưởng thì sẽ sống hạnh phúc. Như trong thí nghiệm nêu trên, những người Đan Mạch trả lại ví sau đó đã được phỏng vấn và họ đều nói lý do họ làm vậy là vì cha mẹ đã dạy về sự thành thật; họ làm việc đó vì sự thôi thúc cần làm điều đúng đắn. Điều này khiến tôi thấy rõ sự khác biệt về cách giáo dục trẻ ở nhiều nơi khác: cha mẹ thường dạy con nếu muốn sau này thành công thì phải lo học thật giỏi, phải đứng nhất lớp, phải thông minh, phải chăm chỉ…
Những mong muốn đó không sai, nhưng rõ ràng chúng ta thường chỉ chú trọng dạy con sao cho giỏi hơn con người khác mà ít khi để ý đến việc con có thành thật và được người khác tin tưởng hay không.
Chân thật với cảm xúc của mình
Có lần, tôi nghe chồng đọc truyện cho cậu con trai 3 tuổi trước giờ đi ngủ. Đó là câu chuyện về tình bạn tuyệt vời của một cậu bé và người tuyết trong đêm Giáng sinh. Tuy nhiên, khi ngày mới đến và ánh nắng chiếu xuống, người tuyết dần tan ra rồi biến mất, chỉ còn lại cậu bé với nỗi buồn khôn nguôi.
Tôi nhớ con trai đã khóc rất nhiều khi câu chuyện kết thúc. Chồng tôi, sau đó, dành khá nhiều thời gian để an ủi và giải thích với con vì sao người tuyết lại tan dưới ánh mặt trời và niềm vui hay nỗi buồn đều là những điều hết sức bình thường trong cuộc sống.
Bên cạnh việc thành thật với mọi người, sự thành thật với chính mình cũng quan trọng không kém. Trong ký ức tôi, những câu chuyện cổ tích mà mình được nghe thường sẽ luôn là những cái kết có hậu, kiểu như hoàng tử sẽ cưới công chúa, kẻ ác bị trừng trị thích đáng, người tốt thì sống hạnh phúc mãi mãi.
Tuy nhiên, trong truyện cổ Andersen - nhà văn nổi tiếng nhất Đan Mạch - không hiếm những câu chuyện kết thúc trong bi kịch, dù là truyện viết cho trẻ em. Như là nàng tiên cá cuối cùng không lấy được hoàng tử mà đau buồn rồi tan thành bọt biển hay cô bé bán diêm ra đi cô độc trong đêm lạnh giá…
Người Đan Mạch không chủ ý nói giảm nói tránh bi kịch để khiến nó nhẹ nhàng hơn với con trẻ. Ngược lại, họ dạy con trẻ cách đối diện với nỗi buồn, sự không như ý. Họ tin rằng, trẻ con sẽ học được cách thành thật với những cảm xúc khác nhau bên trong mình, từ đó sẽ khuyến khích chúng nhận ra những giới hạn cảm xúc của bản thân, cách nhận biết cảm xúc khi gặp phải chuyện buồn bã hay sẽ cảm thấy biết ơn hơn khi có niềm vui.
Dạy con thành thật với cảm xúc của chúng cũng là cách giúp con đưa ra những quyết định phù hợp với bản thân sau này. Phần lớn các bậc cha mẹ Đan Mạch mà tôi biết đều mong muốn con cái sẽ trưởng thành và trở thành người mà chúng muốn, làm những công việc mà chúng thực sự yêu thích chứ không nhất thiết phải cố trở thành người xuất chúng và có nghề nghiệp lương cao.
Không khen tặng, tâng bốc quá đà
Sống ở Đan Mạch nhiều năm nay, tôi học được từ văn hóa của họ sự khiêm tốn tuyệt đối. Đó là một phẩm chất rất quan trọng trong ý thức hệ của người dân nơi này, được ghi hẳn trong một bộ quy tắc ứng xử vùng Nordic gọi là Luật Jante.
Theo luật này thì ta không nên xem mình là tốt hơn, thông minh hơn, biết nhiều hơn, đặc biệt hơn, quan trọng hơn người khác. Nghĩa là, ngoài kia sẽ luôn có ai đó giỏi hơn, nên tốt nhất là ta không nên tự đắc hay khoe khoang về những thành tích của mình. Vì vậy, người Đan Mạch thường cố gắng không dành quá nhiều lời khen cho con cái.
|
|
Môi trường an toàn, mọi người tin cậy lẫn nhau khiến cha mẹ Đan Mạch yên tâm cho con ra ngoài chơi một mình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chẳng hạn, khi chúng tôi tập bỏ tã cho con trai. Đến ngày thứ ba thì thành công, cu cậu đã biết tự đi vệ sinh trong toilet và rất tự hào về thành quả này. Khi đó, tôi vừa vỗ tay vừa nói: “Con thật là giỏi”, nhưng chồng tôi thì lại nói: “Con đã rất cố gắng tập luyện suốt 3 ngày qua và giờ thì con đã làm được. Chúc mừng con”.
Rõ ràng có sự khác nhau ở đây. Trong khi sự cổ vũ của tôi là kiểu tâng bốc dễ khiến cho con nghĩ rằng nó vốn giỏi bẩm sinh và làm gì cũng sẽ thành công thì cách của chồng tôi là nói cho con biết con đạt được thành quả là nhờ sự cố gắng, kiên trì, chăm chỉ.
Hay như khi con trai vừa lắp ráp xong một chiếc xe lego theo trí tưởng tượng riêng và đem khoe với chúng tôi. Thay vì nói: “Ồ, con thật là giỏi, chiếc xe này thật đẹp” thì chồng tôi lại hỏi: “Đây là xe gì vậy? Tại sao nó lại có cánh 2 bên? Chúng có tác dụng gì? Và cái cần cẩu này nữa? Con thích màu xanh da trời à?”...
Cứ sau mỗi câu hỏi của ba, thằng bé lại suy nghĩ rồi trả lời. Cứ thế, cuộc đối thoại của 2 cha con cứ dài ra, khơi gợi thêm bao nhiêu trí tưởng tượng và khả năng quanh món đồ chơi.
Người Đan Mạch cho rằng, khen tặng quá mức không hề giúp con cái tự tin mà ngược lại sẽ khiến chúng dễ hình thành tư tưởng nghĩ mình đặc biệt hơn người. Thay vào đó, họ khuyến khích đứa trẻ tin rằng, dù cho con không giỏi giang, không xuất chúng thì chỉ cần con luôn cố gắng, học hỏi, làm sai thì làm lại rồi sẽ đến lúc đạt được thành quả.
Theo phụ nữ TPHCM