Tiến sĩ Jann Gumbiner, nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học California, Đại học Y khoa Irvine, cho biết, từ khi học lớp ba, một ngân hàng Mỹ đã đến trường, mở cho bà và các học sinh trong lớp một tài khoản.

"Họ chỉ cho chúng tôi cách nhập, đóng dấu và ghi ngày vào mỗi khoản tiền gửi. Sau đó, hàng tuần, đại diện ngân hàng đến để các học sinh gửi tiền. Đây là một bài học tuyệt vời về tài chính. Tôi thích nhìn thấy tài khoản của mình tăng lên", bà nhớ lại.

Nhưng không đợi đến khi trẻ lên lớp ba, có một số điều quan trọng hơn về tiền bạc mà cha mẹ có thể dạy cho con mình ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Trẻ 2-3 tuổi

Tiến sĩ giáo dục Dorothy Singer, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Yale, cho rằng trẻ ở độ tuổi từ 2-3 không hiểu giá trị của đồng tiền nhưng có thể bắt đầu bằng bài học phân biệt các đồng tiền. Một trò chơi có thể giúp chúng nhận dạng. Con bạn có thể phân biệt sự khác nhau của các đồng tiền, màu sắc, hình dạng. Hãy để con nhận dạng đồng xu thông qua mô tả của bạn, sau đó thảo luận về tên gọi.

Lưu ý, cần giám sát chặt chẽ khi con chơi với tiền xu.

                     Chơi các trò mua bán cũng là cách dạy con về chi tiêu. Ảnh: Brightside.

Trẻ nhỏ thích nhất là chơi trò mua bán trong shop tại nhà. Theo tiến sĩ Dorothy, bạn có thể dạy con những điều mới về chi tiêu mà không cần phải ra ngoài. Đổi tiền lấy thực phẩm, chỉ cho con phiếu giảm giá và nói về việc mua bán như một trò chơi thú vị. Chuyên gia đề nghị bạn nên sử dụng giấy giả làm tiền, rồi dùng hộp ngũ cốc và trái cây làm hàng hóa trong cửa hàng. Chỉ cần khiến con hào hứng, bé sẽ thích thú tìm hiểu chủ đề này.

Trẻ 4-5 tuổi

Trước khi đến siêu thị, hãy cầm theo phiếu giảm giá. Khi đến nơi, đưa cho con bạn vài tờ và hỏi xem chúng có thể tìm mua dưa chuột hay các sản phẩm khác không. Làm vậy con vừa giúp đỡ được bạn mà cũng thấy mình làm được việc quan trọng.

"Đó là cách dễ dàng và thú vị để giải thích với con về việc tiết kiệm tiền", Neale S. Godfrey, chủ tịch và người sáng lập Mạng lưới tài chính của trẻ em ở Chester, New Jersey, Mỹ, nói.

Cách khác dạy trẻ về tiền bạc là thiết lập một nhà hàng tại gia. Bạn hãy vờ như đang ăn tối ở một nhà hàng thực sự và giải thích cho con cách ứng xử, cách đặt bàn ăn. Hãy nhắc con phải thanh toán hóa đơn sau bữa tối. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng tiền tượng trưng.

Cùng con mua sắm ở siêu thị để chúng ý thức về giá trị của tiền bạc. Ảnh: Brightside.

Bạn cũng nên dạy cho con về sự quan trọng của việc chờ đợi. Đó là kỹ năng cần thiết giúp trẻ biết cách tiết kiệm và chi tiêu. Không cần giải thích quá chi tiết. Cùng con xếp hàng và giải thích với đứa trẻ "Khi con muốn làm gì phải biết chờ đợi, đó là một phần của cuộc sống".

Bạn có thể thực hành bằng cách tìm món đồ có giá hợp lý mà con muốn. Sau đó, bạn dặn con chờ đợi và tiết kiệm để mua được món đồ đó. Mỗi tuần, cha mẹ có thể cho con một khoản nhỏ, một đô la chẳng hạn, đừng cho tiền một lúc.

Từ 6 - 8 tuổi

Khi cho con tiền, bạn phải dạy chúng cách cất giữ. Cha mẹ có thể gợi ý cho con cất tiền trong một chú heo đất hoặc bình, cho các mục đích khác nhau. Bạn cũng có thể giúp con mở tài khoản ngân hàng để tiết kiệm.

Cha mẹ có thể giải thích cho đứa trẻ hiểu sẽ tuyệt vời thế nào nếu gửi tiền thường xuyên và các quy định của ngân hàng.

Chờ đợi để mua được thứ mình muốn là cách dạy con về tiêu tiền. Ảnh: Brightside.

Tuổi từ 9 -12

Khi con 9 tuổi, bạn có thể bắt đầu cùng con đọc giá trên sản phẩm và so sánh giá cả, chất lượng. Bạn có thể thử dùng một cuộn giấy vệ sinh trong toilet một tuần, sau đó sử dụng một cuộn của nhãn hàng khác vào tuần tiếp theo. Cùng thảo luận sự khác nhau giữa hai cuộn giấy với con và đưa ra quyết định nên mua loại nào.

Trao quyền cho con nếu bạn thiết lập một quầy bán đồ thanh lý của gia đình. Đứa trẻ có thể tự tìm hiểu để thiết lập giá trị món hàng, đưa ra quyết định và mặc cả với khách hàng. Bằng cách này, trẻ học cách chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đừng tạo quá nhiều áp lực lên con.

Tuổi 13-15

Đây là tuổi lý tưởng để học về thị trường chứng khoán.

Chuyên gia Godfrey gợi ý, bạn có thể vờ đầu tư vào công ty mà con quen thuộc như Nike, Coca-Cola,... Xem tin tức tài chính cùng nhau và giải thích mọi thứ bằng các thuật ngữ đơn giản. Hãy cố khơi dậy những lợi ích con có được bằng cách thảo luận về khoản lợi nhuận, nhưng cũng đừng quên đề cập đến rủi ro.

                                                       Đứa trẻ trong độ tuổi thiếu niên cũng cần được khuyến khích thảo luận về ngân sách gia đình.

Theo vnexpress