Ngày 14/6, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lễ tổng kết và trao giải hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi chủ đề giáo dục khuyết tật cấp thành phố. Ông Đỗ Minh Hoàng Đức - chuyên viên Phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, hội thi năm nay có 30 giáo viên đạt thành tích cao, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba, 7 giải khuyến khích.

leftcenterrightdel
 Lễ trao giải hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi chủ đề giáo dục khuyết tật cấp thành phố
Hiện toàn thành phố có 33 đơn vị giáo dục đặc biệt, trong đó có 21 đơn vị công lập (bao gồm 3 trung tâm và 18 trường chuyên biệt) và 12 đơn vị ngoài công lập (bao gồm 6 trung tâm và 6 trường chuyên biệt). Hầu hết các đơn vị nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ từ lãnh đạo các cấp trong công tác chuyên môn và chăm sóc đội ngũ cán bộ và học sinh. Các đơn vị giáo dục đặc biệt có đội ngũ giáo viên tâm huyết, đam mê nghề, tận tâm trong công tác chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật.

"Tuy nhiên, việc đánh giá giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi trong việc dạy trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn do yêu cầu đặc thù của học sinh khuyết tật có các dạng tật và mức độ tật khác nhau, cùng với các phương pháp tiếp cận và hỗ trợ đa dạng. Trẻ khuyết tật có nhiều loại khuyết tật và mức độ nên dẫn đến khả năng học tập của các em không đồng đều, không đồng nhất. Do đó, đòi hỏi các giáo viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng trẻ.

Trong quá trình dạy học trẻ khuyết tật, giáo viên cần phải có sự nhạy bén, kiên nhẫn và sự đồng cảm với những khó khăn mà trẻ đã và đang trải qua. Điều này đã ít nhiều tạo ra áp lực và căng thẳng cho các giáo viên khi tham gia hội thi" - ông Đỗ Minh Hoàng Đức nói.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, hội thi đã tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích sự nỗ lực của các giáo viên để nâng cao chất lượng giảng dạy, tìm kiếm và nghiên cứu các phương pháp hiệu quả trong giảng dạy cho học sinh khuyết tật.

Hội thi còn tạo ra sự gắn kết và thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng giáo dục đối với trẻ khuyết tật, góp phần xây dựng mạng lưới giao lưu và hợp tác giữa các giáo viên và các trường học, tạo ra một môi trường giáo dục tích cực phù hợp với nhu cầu của trẻ khuyết tật. Từ hội thi phát hiện được những mô hình giáo dục tốt, từ đó nhân rộng trong các trường dành cho trẻ khuyết tật, tiến tới nâng cao chất lượng trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt. 

leftcenterrightdel
 Các giáo viên đạt giải chia sẻ tại lễ tổng kết


Là giáo viên đạt giải nhất hội thi, cô Đinh Lan Phương - giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - chia sẻ để dạy những học trò đặc biệt đòi hỏi giáo viên phải có rất nhiều sự cảm thông, yêu thương. Có 16 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cô cho rằng giáo viên đôi khi phải vượt ra ngoài vai trò của người thầy, không chỉ giảng dạy ở trường mà còn phải theo sát và hỗ trợ các em trong cuộc sống ở nhà.

Có những học trò khuyết tật, cô còn dành thời gian đến tận nhà hướng dẫn các em từ cách ăn uống, cầm đũa, cho đến tắm rửa, mặc quần áo, chỉ dạy các em học kỹ năng sống. Bên cạnh sự cảm thông, tình yêu, giáo viên phải không ngừng nỗ lực tự học, bồi dưỡng chuyên môn. Quan trọng nhất để dạy những đứa trẻ đặc biệt là làm sao để phụ huynh có thể thấu hiểu,  phối hợp cùng nhà trường để đồng hành giúp các em phát triển. 

Theo phụ nữ TPHCM