Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành
Tập sách này tiếp tục gióng lên tiếng kêu nhằm hướng mọi người quan tâm hơn đến câu chuyện bảo tồn văn hóa đô thị Sài Gòn.
"Sinh hoạt của cộng đồng ở vỉa hè là một đặc trưng ở các đô thị lớn. Đây là hoạt động kiến tạo các không gian giao tiếp sinh động và linh hoạt...".
Trong khi câu chuyện ứng xử với vỉa hè ở TP.HCM còn đang gây tranh cãi bởi "độ chênh" trong cái nhìn của giới công quyền và tầng lớp mưu sinh gắn cuộc đời với vỉa hè, bắt gặp lời nhận định trên đây của một chuyên gia nặng lòng với đô thị Sài Gòn, tự nhiên thấy câu chuyện về bảo tồn không gian văn hóa và di sản đô thị cần một cái nhìn thấu đáo hơn, không chỉ có tâm mà còn phải "có nghề" hơn.
Vị chuyên gia ấy là TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu với tập sách Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo cổ học và bảo tồn di sản.
Ở đó, chị đã nhìn sâu vào lịch sử hình thành vùng đất này từ thời tiền sử, sơ sử, thời kim khí... đến tận ngày nay để đưa ra một hệ thống quan điểm bảo tồn di sản văn hóa đô thị dựa trên cách tiếp cận của chuyên ngành khảo cổ học đô thị.
Chính cách tiếp cận các vấn đề của đô thị Sài Gòn dưới nhãn quan khảo cổ học đô thị - mới mẻ và xác đáng - đã đưa bạn đọc đến với những trang viết có sức lay động.
Bởi bấy lâu nay sau rất nhiều ý kiến từ các hướng khi đề cập đến quy hoạch và phát triển, bảo tồn hay gây tổn thương, gìn giữ hay thất thoát các vốn liếng di sản Sài Gòn, đến lượt tập sách này là tiếng nói đáng kể được bổ sung một cách thuyết phục.
Với con mắt nhà nghề, TS Nguyễn Thị Hậu phân tích về những biến đổi kiến trúc và cảnh quan trong trường hợp tuyến đường Đồng Khởi và Lê Lợi giai đoạn năm 2000 - 2015 để đi đến phân tích thực trạng "hiện đại hóa" khu vực trung tâm TP.HCM và những tác động xã hội.
Có thể nói đây là phần nội dung sát sườn với câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa đô thị Sài Gòn đang nóng lên trong những năm gần đây.
Đó là những mất mát các di sản vật thể gắn với sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử (cà phê Givral, cà phê La Pagode, nhà sách Xuân Thu, rạp hát Eden, thương xá Tax...); và mất đi các giá trị phi vật thể đặc trưng văn hóa Sài Gòn (không gian giao tiếp vỉa hè, các sinh hoạt và buôn bán vỉa hè truyền thống...).
Bên cạnh đó, "hiện đại hóa" còn làm hạn chế các hoạt động ngoài trời của người dân, hay đánh mất hồn đô thị trong ký ức của cộng đồng: đây là một nội dung thuộc về "vùng ký ức" của người dân đô thị Sài Gòn, thể hiện qua kiến trúc cảnh quan, lối sống cư dân ở vùng lõi đô thị - tiêu biểu cho "hồn vía" của một đô thị và làm nên sức mạnh văn hóa của đô thị ấy.
Phần đóng góp đáng kể của tác giả còn là những đề xuất có tính chuyên môn để định hướng quan điểm bảo tồn di sản văn hóa đô thị Sài Gòn.
Trong đó xác định "di sản văn hóa sống cùng thành phố" với các tham khảo từ việc áp dụng Hiến chương Burra trong bảo tồn di sản ở bang New South Wales (Úc) và kinh nghiệm quản lý di tích ở Anh có thể xem như lối ra cho việc dung hòa giữa hai phương diện gần như đối nghịch: công tác bảo tồn và xu hướng phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng: Câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa đô thị Sài Gòn từng được giới chuyên gia đề cập từ rất lâu rồi.
Người dân cũng cộng đồng trách nhiệm trong nhiều sự kiện, nhưng nên nay vẫn còn rất ngổn ngang, nhất là bức tranh quy hoạch cảnh quan đô thị và ứng xử với di sản vẫn còn nhiều độ chênh giữa giới công quyền và những người nặng lòng với di sản.
Tác giả Nguyễn Thị Hậu và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến sẽ có cuộc giao lưu ra mắt tập sách Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Khảo cổ học và bảo tồn di sản tại Đường sách TP.HCM vào 8h30 ngày 27-10.
Câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa đô thị Sài Gòn và những gì cần làm để giữ "hồn cốt" Sài Gòn sẽ được các diễn giả chia sẻ cùng bạn đọc.
Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với tác giả cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu về vấn đề này.
* Như đã thấy, nếu áp dụng khảo cổ học đô thị thì có thể thực hiện "những việc cần làm ngay" nào, theo chị?
- Những đề xuất về giải pháp bảo tồn di sản đô thị từ tiếp cận khảo cổ học nhưng trên cơ sở thực tế là sự kết hợp với những ngành liên quan như quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị…
Vì vậy, việc cần làm ngay là ngừng việc phá hủy các công trình kiến trúc và cảnh quan khu vực trung tâm thành phố; các cơ quan sở ngành trên nên tổ chức phối hợp khảo sát thống kê, đánh giá giá trị nhiều mặt và những gì còn, mất của hệ thống di sản đô thị đa dạng của thành phố.
Từ đó phân tích từng trường hợp để chỉ ra được nguyên nhân gây ra tình trạng di sản bị phá hủy trong thời gian qua. Nếu không thấy nguyên nhân thì sẽ không thể "sửa sai".
Những di sản đã được xếp hạng hoặc chưa/ không xếp hạng nhưng được cộng đồng thừa nhận, tôn trọng và lưu truyền giá trị (như những công trình nhà thờ, biệt thự, mộ cổ, các công trình công nghiệp…) cũng cần coi là đối tượng được bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa.
* Từ góc độ một nhà chuyên môn, chị và các đồng nghiệp ở Hội Khoa học lịch sử TP đã có những việc làm cụ thể gì cho việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị Sài Gòn?
- Thật sự đây là đề tài khá nhạy cảm vì liên quan đến chủ trương hiện đại hóa khu trung tâm nơi có nhiều di sản, liên quan đến một số khu vực là không gian công cộng như hai bờ sông Sài Gòn nhưng lại được coi "đất vàng" trong tính toán của nhà đầu tư bất động sản…
Ngoài ra Hội Sử thành phố luôn đề xuất nhiều hội viên tham gia công việc của thành phố về nghiên cứu lịch sử, văn hóa, bảo tồn di sản để có tiếng nói của giới chuyên môn
* Trong quyển sách vừa ấn hành, chị ghi nhận tiếng nói và vai trò của cộng đồng cư dân Sài Gòn ngày càng có sức mạnh. Liệu có cách nào để giới công quyền, chuyên gia, và người dân cùng gặp nhau trong việc bảo tồn di sản văn hóa Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung?
- Cộng đồng là những người hiểu biết và quan tâm đến di sản đô thị, những nhà chuyên môn về di sản, nhà quản lý đô thị và cả những nhà đầu tư vào đô thị.
Chính quyền phải điều phối "lợi ích" có được từ tài sản của đô thị nói chung và di sản đô thị nói riêng sao cho phù hợp theo hướng "phát triển bền vững" chứ không phải khai thác cạn kiệt hay phá hủy, càng không phải chỉ mang lại lợi ích trước mắt cho một nhóm cộng đồng mà thiệt hại lâu dài cho những nhóm khác.
Cần xác định quan điểm bảo tồn di sản đô thị một cách minh bạch, công khai "đô thị và di sản đô thị là của cộng đồng và của thế hệ tương lai", đồng thời xã hội nâng cao hiểu biết, tri thức về di sản văn hóa và về quyền hưởng thụ di sản và quyền "di truyền" di sản cho con cháu.
Bởi vì không có tri thức và hiểu biết về quyền lợi, trách nhiệm đối với di sản văn hóa thì chính quyền và cộng đồng không thể "gặp nhau" trong việc bảo tồn di sản.