Hình ảnh nàng Cầm - ca nữ nổi danh của đất Thăng Long - trong bộ phim Long Thành cẩm giả ca.
Nhân gian chỉ được biết bà qua tác phẩm Long Thành cầm giả ca của thi hào Nguyễn Du. Không ai biết tên tuổi bà là gì, quê quán ở đâu chỉ biết theo nhà thơ Nguyễn Du, lúc nhỏ bà được đưa vào cung học gảy đàn nguyệt. Sau khi nhà Lê sụp đổ, ban nhạc trong cung kẻ chết, người ly tán, bà lúc đó còn rất trẻ không biết bấu víu vào đâu phải ôm đàn hát rong ngoài phố. Ngón đàn tuyệt kỹ của bà cùng những bài hát đều là các khúc nhạc trong cung mà người ngoài chưa từng được nghe nên mọi người xúm đến rất đông. Bà được xưng tụng là bậc danh cầm một thời, ví như một báu vật vô giá đất Trường An. Không biết tên bà, người kinh thành quen gọi bà là nàng Cầm.
Lúc bấy giờ đang triều Tây Sơn, Nguyễn Du có người anh họ là Nguyễn Hành làm quan trong triều. Năm 1793, ông về Thăng Long thăm anh thì bà đã được đưa vào đội nữ nhạc của triều đình Tây Sơn. Trong một buổi duyệt tập đội nữ nhạc, Nguyễn Du đã được xem bà diễn. Bà nổi bật trong đám ca kỹ, đàn hát rất hay khiến người xem rất thích thú, tiền lụa ban thưởng cho bà rất nhiều. Lần đó ông còn gặp lại bà ở nhà riêng của người anh. Theo ông, bà 21 tuổi, không đẹp lắm, vóc dáng đậm đà, nước da trắng trẻo, khéo trang điểm, nhiều người say mê nhưng bà không để mắt đến ai.
Mùa xuân năm 1813, Nguyễn Du khi đó làm quan triều Nguyễn, được cử đi sứ Trung Quốc. Trên đường đi, sứ bộ dừng lại ở Thăng Long. Quan chức Bắc thành bày tiệc ở nhà Tuyên phủ đón sứ bộ, ban nữ nhạc trong thành được triệu đến múa hát chúc mừng. Bà bấy giờ đã ngoài 40 tuổi, chơi đàn trong ban nhạc nữ Bắc thành. Trong tiệc, mấy chục đào nương trẻ trung xinh đẹp thay nhau đàn phách, múa hát tưng bừng rộn rã. Bỗng tất cả im lặng, rồi giữa tiệc hoa, vang lên âm thanh réo rắt của tiếng đàn nguyệt, ngón đàn vô cùng điêu luyện. Nguyễn Du lặng người, cảm giác đã từng được thưởng thức lối chơi đàn nguyệt tinh tế như vậy khiến ông đưa mắt tìm người chơi đàn. Khó khăn lắm ông mới nhận ra bà. Bà gầy guộc khô héo, da dẻ sạm đen xấu xí, quần áo bạc phếch vá víu, gương mặt bất động ngồi lặng lẽ nơi góc chiếu. Không ai còn biết đó là đệ nhất danh cầm một thời. Nguyễn Du bàng hoàng khi thấy con người tài hoa nhất thành, lộng lẫy khoe hương sắc trong bữa tiệc của các quan Tây Sơn giờ đây tàn tạ thu mình ngồi cuối chiếu đàn bản đàn ngày nào.
Cuộc đời chìm nổi của người ca kỹ tài hoa đã khiến Nguyễn Du không ngăn được cảm xúc xót xa cho thân phận con người trong cảnh đời dâu bể. Nỗi đau theo ông suốt chặng đường đi sứ rồi tuôn trào thành khúc ca bất hủ Long Thành cầm giả ca – Bài ca người gảy đàn đất Long Thành.
Tên người đẹp, chẳng ai hay
Giỏi đàn, dân cứ gọi ngay cô Cầm
Trong triều trước, học nhiều năm
Khúc đàn Cung phụng tiếng tăm nhất đời
Ta từng gặp, thuở thiếu thời
Đêm bên hồ Giám tiệc vui, tình cờ
Tuổi đôi mươi, vẻ ngây thơ
Áo tươi màu đỏ, mặt phô sắc đào
Chơi đàn duyên dáng làm sao
Bàn tay uyển chuyển phả vào năm cung
Tiếng khoan gió thoảng rừng thông
Trong như tiếng hạc tầng không vọng về
Mạnh như sét đánh tan bia
Buồn như Trang Tích não nề ngâm nga
Nhạc trong đại điện Trung Hòa
Người nghe ngồi chật, thẫn thờ, mê man
Say sưa quan lính Tây Sơn
Chơi sang đêm ấy còn hơn vương hầu
Bọn Ngũ Lăng thấm vào đâu
Coi thường tiền bạc thi nhau thưởng tràn
Ngỡ như báu vật Tràng An
Trăm xuân đúc lại một nàng mà thôi.
Chuyện qua hai chục năm trời
Tây Sơn bại trận, ta thời vào Nam
Long Thành không dịp ghé thăm
Nói gì cô gái ca cầm ngày xa
Lần này Tuyên phủ vì ta
Mở bày tiệc tiễn, kỹ ca được mời
Đều là gái trẻ xinh tươi
Chỉ riêng cuối chiếu một người hoa râm
Nước da vàng vọt thất thần
Mặt mày phờ phạc không lần điểm tô
Nhìn người ấy, có ai ngờ
Giỏi đàn bậc nhất kinh đô một thời.
Khúc xưa từng tiếng bồi hồi
Ta nghe tê tái, lệ rơi đáy lòng
Chuyện xưa, hai chục năm ròng
Người đêm hồ Giám tiệc tùng là đây?
Thời gian: Thành chuyển, người thay
Nương dâu, bãi bể ai hay sự đời
Tây Sơn cơ nghiệp tan rồi
Chỉ còn sót lại một người kỹ ca
Trăm năm thấm thoắt trôi qua
Thương tâm chuyện cũ lệ nhòa áo khăn
Đầu ta bạc trắng ai bàn
Trách gì người đẹp dung nhan héo sầu
Mở trừng đôi mắt nhìn lâu
Gặp nhau chẳng nhận được nhau, thật buồn!
Áp phích giới thiệu phim Long thành cầm giả ca.
Long Thành cầm giả ca đúng là nằm trong loạt hình tượng nữ nhi tài hoa bạc phận có nhiều trong tác phẩm của Nguyễn Du như Tiểu Thanh, Đạm Tiên, Thuý Kiều nhưng nó lại có một yếu tố mà các tác phẩm kia không có, đó chính là tính xác thực (có thật trong đời sống mà tác giả từng tiếp xúc).
Ngoài những giá trị nhân văn và nghệ thuật, bài ca là một sử liệu giúp hậu thế biết đến một nữ danh cầm từng góp phần hoàn thiện nghệ thuật chơi đàn nguyệt trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam.
Vào năm 2010, câu chuyện về nữ danh cầm đất Thăng Long được đạo diễn Đào Bá Sơn dựng thành tác phẩm điện ảnh Long Thành cầm giả ca. Bộ phim đã đoạt giải nhất Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất.
Phụ nữ Việt Nam