Hùng Lekima

Năm 2018, Nguyễn Việt Hùng (Hùng Lekima, sinh năm 1977) đi xe máy dọc theo 7.000km từ Hà Nội đến đất mũi Cà Mau, trong đó có 3.260km đường biển. Anh chụp khoảng 3.000 bức ảnh, tập hợp làm triển lãm Hãy cứu biển - Save our seas tại Hà Nội và ra cuốn sách Du ký xanh - Hành trình cứu biển năm 2019. 

Năm 2020, giữa dịch COVID-19, Nguyễn Việt Hùng tiếp tục lên đường đi Thái Bình, Cát Bà, vịnh Lan Hạ, Côn Đảo... chụp rác. Anh chia sẻ với Tuổi Trẻ

Tự hào khi Leonardo DiCaprio kêu gọi bảo vệ vịnh Lan Hạ 

* Tháng 7-2020, anh có chuyến đi chụp rác ở vịnh Lan Hạ. Trước đó một tháng, ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio từng đăng video kêu gọi giảm rác thải ở vịnh Lan Hạ. Qua quan sát thực tế của anh, tình trạng rác thải tại đây ra sao? 

- Vịnh Lan Hạ gần vịnh Hạ Long, là một trong những thắng cảnh đẹp của Việt Nam và thế giới. Nhiều người muốn giữ gìn vẻ đẹp đó. Leo (tên thân mật của DiCaprio) là nghệ sĩ quan tâm đến môi trường. Khi anh lên tiếng vì vịnh Lan Hạ, tôi rất vui mừng và tự hào. 

Vừa rồi, tôi dẫn đoàn đến vịnh Lan Hạ và đảo Cát Bà. Tôi thấy Việt Nam có những thắng cảnh đẹp khiến thế giới ngưỡng mộ, còn chúng ta lại chưa hình dung đúng mức về vẻ đẹp đó. Nếu ý thức, chúng ta sẽ không chỉ tự hào mà còn hành động thiết thực để bảo vệ. 

Cách đây vài năm, tôi thấy vịnh Lan Hạ có rất nhiều rác thải, nhưng gần đây trở lại đã thấy sự thay đổi lớn. Tấm vé tàu tham quan vịnh là 80.000 đồng. Theo người dân ở đây, giá vé được trích một phần để dành cho đội ngũ hằng ngày đi tàu thu gom rác ở làng nổi Cái Bèo mà Leo nhắc đến trên video Instagram. 

Đó là một giải pháp rất hay của chính quyền địa phương. Mỗi người khách tham gia góp một khoản tiền để làm sạch môi trường vịnh. Khi đi tham quan, tôi cũng chứng kiến thuyền của ban quản lý đi thu gom rác từ các nhà bè của người dân. 

* Nhắc đến nghệ sĩ, có rapper Đen Vâu trước đây là công nhân thu gom rác ở vịnh Hạ Long. Đen từng kể: "Làm công việc đó thì đau lòng kinh khủng. Đội chúng tôi có 10 người, biển thì hàng nghìn tấn rác". Anh cũng đi dọn rác biển nhiều lần, anh có chia sẻ suy nghĩ đó không? 

- Tôi từng tổ chức cho trẻ em về biển dọn rác. Một bãi biển bé tẹo teo mà 50 người dọn cả buổi sáng cũng chỉ được một phần nhỏ. Khi các em nhỏ vẽ tranh, trao đổi về chủ đề đó, mọi người đều chung một cảm nhận là: "Chỉ cần một lần cúi xuống nhặt rác ở biển, mỗi người chúng ta sẽ hiểu mình đã xả rác ra môi trường nhiều đến mức nào".

Khi 50 con người nhặt rác ở một bãi biển bé tẹo mà mãi không hết, lượng rác bao nhiêu năm nay chúng ta xả thẳng xuống sẽ rất khủng khiếp, rất khó thu gom. Tôi hiểu cảm giác của rapper Đen Vâu, sẽ rất đau lòng khi chúng ta tận mắt chứng kiến. Đây là việc rất cấp thiết, để lâu sẽ còn khủng khiếp hơn. 

Đôi khi tôi nghĩ “Con người có được tha thứ hay không?”. Nhưng tôi hi vọng dần dần sẽ có cách nâng cao ý thức cộng đồng và con người cũng tạo ra những vật liệu mới để thay thế nhựa. Không ai khác, chính chúng ta sẽ nhận hậu quả nặng nề nhất nếu không kịp hành động. 

* Gần đây anh tổ chức những chuyến đi cho trẻ em về với thiên nhiên, những chuyến đi có ý nghĩa như thế nào với anh và các bé? 

- Mỗi lần đi cùng trẻ em, tôi lại học hỏi thêm được nhiều điều. Khi các em được tiếp xúc với thiên nhiên từ thuở nhỏ, tôi tin khi lớn lên các em sẽ biết bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống một cách tự nguyện. Việc đi vào thiên nhiên cũng giúp trẻ em không chỉ dán mắt vào màn hình tivi hay máy tính trong ngày nghỉ. 

Tôi chứng kiến các em có ý thức mang theo bình nước riêng, không dùng chai nhựa, không vứt rác ra môi trường và tự thu gom rác. Trong chuyến đi Cát Bà có sự góp mặt của Nguyễn Nguyệt Linh, em học sinh vào năm 2019 từng viết thư gửi hiệu trưởng đề nghị không thả bóng bay vào lễ khai giảng để tránh gây hại cho các loài động vật. 

Nguyệt Linh tham gia các chuyến đi về thiên nhiên với sự ủng hộ của bố mẹ. Tôi cảm thấy rất vui khi các em chủ động tìm hiểu về thiên nhiên. 

Bãi biển với bạt ngàn gốc cây chết dính đầy rác thải, túi nilông, chai lọ rỗng... Đây là những gì còn sót lại của rừng ngập mặn Giao Thủy, Nam Định từng được trồng tại đây. Khi những cái cây chết đi, người ta chặt bỏ chỉ để lại gốc, tạo thành “bãi cọc giữ rác” trên biển - Ảnh: HÙNG LEKIMA

Nếu không cứu, không lâu nữa biển sẽ biến thành nồi lẩu nhựa 

* Tháng 7-2020, nhiều nơi ở Hà Nội ngập trong rác do con đường vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) bị chặn. Điều này xảy ra không chỉ một lần, cho thấy thành phố lớn cũng rất mong manh trước vấn đề xử lý rác thải? 

- Đây không phải lần đầu tình trạng này xảy ra và chưa có cách giải quyết triệt để. Người dân địa phương không hài lòng vì sự ô nhiễm mà bãi rác gây ra cho họ. Giải pháp có thể là tái định cư số dân đó cách xa bãi rác hoặc có biện pháp xử lý rác sao cho không ảnh hưởng cuộc sống người dân. 

Rác thải biển cũng vậy. Chúng ta từng nghĩ đại dương rất rộng lớn nhưng hóa ra nó cũng không bất tận đến vậy. 

Con người từng nghĩ cứ ném rác ra khỏi nhà mình, ném ra sông ra biển là rác sẽ biến mất, sẽ tránh xa cuộc sống của mình. Nhưng biển, sông, ao hồ đều có giới hạn. Rác thải nhựa hiện nay đã đạt một phần năm số lượng cá trong đại dương. Chỉ đến năm 2050 thôi, số lượng rác và cá sẽ bằng nhau. 

Những thứ chúng ta tưởng là xa vời nay đã đến rất gần rồi. Chỉ cần chúng ta thờ ơ, không lâu đâu biển sẽ biến thành nồi lẩu nhựa, không còn là nơi nuôi sống con người nữa. 

* Có những nhiếp ảnh gia tài năng, sau những hành trình chụp ảnh ở những vùng xung đột, do chứng kiến nhiều điều tiêu cực nên mất niềm tin vào con người. Còn anh, những lần bị dọa đánh, bị phản đối khi đi chụp ảnh rác có khiến anh mất niềm tin? 

- Đôi khi tôi cũng cảm thấy thất vọng, buồn chán vì ở quá nhiều nơi người ta xả rác ra môi trường một cách kinh khủng, như một thói quen tự nhiên. Nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng những bức ảnh mình chụp, những video mình quay có thể thức tỉnh con người. Mọi khó khăn, tôi đều gác lại phía sau và tin tưởng hành trình của mình. 

* Bạn bè nói đùa anh nên xăm chữ “rác thải nhựa” lên người vì tên anh gắn liền với rác. Anh nghĩ sao? 

- Có những người bạn nói với tôi rằng cứ đi đổ rác là họ nghĩ đến khuôn mặt tôi. Một lần dẫn đoàn đi Tây Nguyên, có người lại hỏi tôi: “Anh có phải Hùng “rác” không?”. Tôi coi đó là những lời động viên khi mọi người nhớ đến thành quả chuyến đi của mình. 

Có những người nghi ngờ các chuyến đi của tôi chẳng mang lại thành quả gì, nhưng những lời nói đùa như vậy lại tiếp thêm sức mạnh để tôi lên đường chụp rác.

Dự định đi chụp ảnh rác ở châu Á trong năm tới

* Rác thải nhựa và bảo vệ biển là những chủ đề toàn cầu. Anh có dự định mở rộng hoạt động ra quốc tế, đi chụp ảnh trên các vùng biển quốc tế?

- Tôi dự định năm nay tiếp tục triển lãm ảnh rác thải tại TP.HCM và tổ chức các chuyến đi chụp ảnh rác, không chỉ ở biển và còn trên núi. Trong 3 năm tới, tôi sẽ đi hết 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam để chụp ảnh.

Vấn đề xả rác khi leo núi khá nghiêm trọng. Hiện nay vỏ chai và vỏ đồ ăn thức uống bằng nhựa bị quăng đầy trên các ngọn núi.

Tháng 7-2020, tôi gặp Trần Đặng Đăng Khoa, người bạn đi xe máy qua nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi trò chuyện về dự định ra nước ngoài. Khi Khoa chia sẻ về hành trình, tôi rất khâm phục vì cách bạn ấy đảm bảo an toàn vì tôi chỉ đi xuyên Việt một tháng rưỡi nhưng đã gặp vài tai nạn, có lần hút chết.

Tôi cũng đã lên kế hoạch đi nước ngoài chụp ảnh rác. Tôi có tham vọng mở rộng ra nhiều nước nhưng trước hết là châu Á, dự định trong năm nay hoặc năm sau.

Theo tuoitre