Giữa một ngày mùa Xuân thời tiết nắng vàng dịu nhẹ, chúng tôi hẹn nhau đến thăm dịch giả Lê Xuân Khải tại nhà riêng của ông.

Căn nhà nhỏ giản dị nép mình trong khu tập thể 5 tầng với những giá sách lớn được sắp xếp ngay ngắn, gọn gàng, phân loại cẩn thận đúng chuẩn phong cách học giả xưa.

Trên giá sách có rất nhiều loại, đủ các chủ đề Đông Tây kim cổ, nhìn sơ qua cũng thấy chủ nhân ngôi nhà yêu thích việc đọc sách và trân quý tri thức đến nhường nào.

Với phong cách nhanh nhẹn, giọng nói to rõ với âm lượng cao cùng nụ cười ấm áp, gần gũi, ít ai có thể tin được dịch giả Lê Xuân Khải năm nay đã 92 tuổi.

1

Dịch giả Lê Xuân Khải chia sẻ về những trải nghiệm trong cuộc sống.

Tuổi trẻ sôi nổi, nhiều thăng trầm

Kể về tuổi thơ của mình, dịch giả Lê Xuân Khải chậm rãi: "Cuộc đời của tôi có nhiều thăng trầm, không có điều kiện để đi học đầy đủ, hầu hết kiến thức đều có được từ việc tự học. Năm 7 tuổi đã biết đọc chữ Hán thành thạo với những bộ sách như Tam Quốc chí. Đến 10 tuổi thì đọc được 2 bộ là Tây Hán chí và Đông Chu Liệt Quốc đều bằng chữ Hán".

Đến năm 15 tuổi ông mới được đi học trở lại và ghi danh vào lớp 3. Mặc dù là cậu học trò lớn tuổi trong lớp nhưng vóc dáng lại rất nhỏ con, bé xíu và gầy gò. Sự học tiếp tục kéo dài lên đến lớp 6 thì lại phải nghỉ học chuyển ra Hà Nội cùng gia đình.

"Một thời gian sau, tôi xin đi làm thanh niên xung phong, được điều chuyển vào làm việc cho các công trường. Trong quá trình đó, mặc dù mới chỉ học hết lớp 6 nhưng đi làm ở đâu cũng được tín nhiệm, thậm chí được cử làm “thầy”.

Sau đó thì tôi tiếp tục xin đi học và ghi danh vào dự học chương trình lớp 10, luôn được giáo viên dành lời khen ngợi là viết rất tốt", ông kể lại.

Rất tiếc sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, dịch giả Lê Xuân Khải không thể học lên cao hơn mà bắt đầu với công việc bê vác gỗ thuê vô cùng nặng nhọc và vất vả, kể cả mưa to gió lớn vẫn phải bê vác gỗ. Đến năm 1980, ông chuyển về Hà Nội sinh sống đến ngày nay.

Trở thành dịch giả một cách tình cờ

Theo lời của dịch giả Lê Xuan Khải thì công việc dịch giả đến với ông như một cơ duyên. Trong một lần vô tình gặp các giảng viên ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), các thầy nhờ ông dịch sách thử xem sao. Với vốn chữ Hán được học từ nhỏ, cộng với niềm yêu thích tiếng Trung trong thời gian dài, ông đã thử dịch cho họ và bắt đầu công việc dịch sách từ đó.

Cuốn sách đầu tiên dịch giả Lê Xuân Khải cộng tác dịch được xuất bản tới tay độc giả chính là truyện Trang Tử. Sau khi mọi người biết ông có thể dịch sách, nhiều người tìm đến ông để giới thiệu lên phố sách, gặp những đầu mối chuyên dịch sách Trung Quốc.

Tại thời điểm đó, dịch giả Lê Xuân Khải được mời hợp tác dịch bộ sách Tam Quốc. Đây có lẽ là bước tiến quan trọng trong sự nghiệm của ông.

"Sau khi tôi dịch xong bộ sách này, thu nhập từ công việc dịch sách cũng tốt và từ đó trở đi, tôi liên tục dịch sách. Tính đến nay tôi đã dịch khoảng 20 nghìn trang A4, bản thảo dịch đều viết tay. Trong đó, có khoảng 6.000 trang dịch tài liệu về Đông y cho một cơ sở đào tạo Đông y ở Hà Nội", dịch giả Lê Xuân Khải tâm sự.

Tài liệu chính là sách về thuốc Đông y cổ truyền. Các bản thảo viết tay vẫn được ông trân trọng giữ lại. Trong đó có tài liệu về chữa bệnh tuổi già có 6 tập bản thảo dày, đây là cuốn tài liệu rất quý về y học truyền thống Trung Quốc có khoảng 6.000 trang bản thảo.

Ngoài ra, ông cũng bắt đầu tập viết thư pháp và làm thơ chữ Hán cũng như viết câu đối bằng chữ Hán. Hiện tại, ông đã viết hơn 50 đôi câu đối đã được treo ở các công trình hoặc gia đình từ Bắc chí Nam.

Nhắc đến những cuốn sách đang bán trên thị trường của dịch giả Lê Xuân Khải, có 3 cuốn nổi tiếng hơn cả là Trang Tử, Cải cách giáo dục ở các nước phát triển trên thế giới, Trung Hoa cổ thi tuyển từ đời Tống đến đời Thanh.

Bên cạnh đó, ông cũng dịch những cuốn sách như Tuyển tập những câu danh ngôn nổi tiếng, là kiến thức đúc kết về kinh nghiệm trong cuộc sống, thu hút lượng độc giả khổng lồ.

2

Dịch giả Lê Xuân Khải đã thực hiện nhiều cuốn sách gây tiếng vang với độc giả.

Giáo dục con cái bằng cách làm gương

Chính từ những câu chuyện cuộc sống và hành trình vượt khó của chính mình, dịch giả Lê Xuân Khải cho biết, để có được thành công bên ngoài sự nỗ lực của chính bản thân thì vai trò của gia đình trong việc giáo dục là vô cùng quan trọng.

Cách để dạy một đứa trẻ ngoan chính là người lớn phải tự làm gương. Vừa gần gũi nhưng vẫn phải nghiêm khắc. Khi trẻ nhỏ không ngoan, cần cứng rắn nghiêm khắc cho trẻ, thậm chí đôi lúc phải dùng tới đòn roi để trẻ biết sợ, biết nhìn ra lỗi lầm của mình mà sửa chữa.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần giáo dục cho trẻ hiểu được truyền thống tốt đẹp của cha ông từ ngàn xưa. Từ đó giúp trẻ ý thức được bản thân cần phải phát huy những giá trị truyền thống như thế nào, thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau.

Cùng với đó, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống sẽ giúp bản thân trẻ rèn luyện được bản lĩnh. Hoặc đơn giản như giáo dục cho trẻ tập trung vào rèn luyện thể lực tốt, cơ thể sẽ tăng sức đề kháng.

"Khi tôi là thanh niên xung phong, sống trong vùng rừng thiêng nước độc nhưng nhờ ý thức rèn luyện thể lực tốt nên không bị mắc bệnh. Tôi cũng có một chút tâm linh khi thấy rằng có nhiều lần gặp rủi ro nguy hiểm tính mạng, nhưng giống như được tổ tiên mách bảo, trong những tình huống nguy cấp, mình lại đưa ra những lựa chọn có tác dụng như “phao cứu sinh” đối với sức khỏe.

Tôi nhớ có lần tôi bị vấn đề về đường ruột, bụng dạ không thể chịu được thực phẩm, khi ăn vào là đau bụng. Khi đó, tôi đã uống nước dừa và nhờ đó mình vượt qua được những cơn nguy kịch. Từ đó, tôi duy trì việc uống nước dừa hàng ngày, mỗi lần uống một chút và đã uống mấy chục năm nay", dịch giả Lê Xuân Khải kể lại.

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng nhờ trí tuệ của một dịch giả lâu năm cùng với sự rèn luyện khoa học, nguyên tắc của bản thân, dịch giả Lê Xuân Khải vẫn hàng ngày miệt mài với công việc yêu thích mà theo ông là để làm gương cho con cháu noi theo.

Theo giadinhonline.vn