Khoảng trống...

Tôi có 2 đứa cháu được ba mẹ cho học trường quốc tế, mong con tiếp xúc với môi trường giáo dục quốc tế sẽ phát triển sự tự tin và tính độc lập. Nhưng ở nhà, mỗi khi các con có ý kiến khác biệt, câu cửa miệng của ba mẹ luôn là: “Tốn tiền cho học trường quốc tế để về hỗn láo. Trứng mà cứ đòi khôn hơn vịt”.

Con gái tôi học trường quốc tế song ngữ. Con từng rất ấm ức với 2 cách giáo dục khác biệt cùng trong trường. Ở chương trình học của Bộ GD-ĐT, có lần, con bị điểm thấp bài kiểm tra môn toán, dù giải đúng kết quả. Khiếu nại với cô giáo, con nhận được câu trả lời: “Cách giải của con cho kết quả đúng, nhưng sai với trình tự theo quy định của đáp án”. Trong khi đó, ở chương trình học quốc tế, khi không đồng ý về điểm số, chỉ cần chứng minh và thuyết phục được giáo viên về cách làm, cách lập luận của mình, điểm số sẽ được thay đổi.

Gia đình và nhà trường là những môi trường đầu tiên giúp trẻ phát triển văn hóa phản biện - ẢNH: MINH LINH (ảnh chụp tại Trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM)
Gia đình và nhà trường là những môi trường đầu tiên giúp trẻ phát triển văn hóa phản biện - Ảnh: Minh Linh (ảnh chụp tại Trường THCS Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM)
 

Một lần khác, giáo viên môn kịch nghệ (người Anh) đưa kịch bản do cô viết để học sinh tập luyện và biểu diễn trong dịp Halloween. Sau khi đọc kịch bản, con gọi cô giáo và nói muốn sửa kịch bản. Cô vui vẻ động viên các con cứ sửa theo ý mình. Bản sửa hoàn chỉnh được cô rất thích thú và quyết định bỏ tiền túi tài trợ toàn bộ phần phục trang cho các con. 

Cách ứng xử của cô giáo người Anh có lẽ là chuyện hiếm có ở môi trường giáo dục Việt Nam. Với quan niệm của người Việt, những đứa trẻ lớn lên luôn được dạy rằng người lớn, ông bà cha mẹ, thầy cô luôn luôn đúng. Dường như văn hóa phản biện của mỗi cá nhân đã bị triệt tiêu ngay từ thời thơ ấu. Cho đến khi trưởng thành, thói quen “giữ im lặng” đã ăn sâu vào suy nghĩ, tính cách. Nhiều người không còn muốn động não để phản biện vì nghĩ chẳng được gì mà có khi còn rước thêm phiền phức.

Dù có nhiều nỗ lực đổi thay nhưng cách vận hành thụ động vẫn đang giữ thế chủ đạo trong xã hội hiện nay. Con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ; học sinh, sinh viên thụ động với giáo viên, giảng viên; nhân viên thụ động trong quan hệ với cấp trên; mỗi cá nhân thụ động trong sự tác động của dư luận… Những cuộc tranh luận thường ít được khuyến khích, đặc biệt là tranh luận với người lớn hoặc cấp trên. Những người lớn tuổi hơn, người ở vị trí quản lý… thường xem mình là người hiểu biết, nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hơn… thường phủ nhận quyền được phản biện của những người xung quanh.

Ở một chiều hướng khác, sự phản biện dường như đang bị hiểu chưa đúng. Không ít người xem phản biện là… cãi nhau để giành phần thắng, chứ không phải để tìm ra một hướng đi, một giải pháp hợp lý hoặc những ý tưởng sáng tạo mới.

Thực tế cho thấy, người nhận phản biện thường có tâm lý sợ bị đánh giá về năng lực, sợ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân. Suy nghĩ bảo thủ dẫn đến việc quy chụp người đưa ra ý kiến phản biện là chống đối, muốn hạ thấp uy tín đồng nghiệp, cấp trên. Còn bên phản biện sợ “đụng chạm”, sợ bị ghét, bị trù dập nên phản biện thiếu mạnh mẽ… Tất cả như cái vòng lẩn quẩn.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018-2019 của ngành giáo dục TPHCM, diễn ra vào tháng 8/2018, ông Nguyễn Thiện Nhân - khi đó là Bí thư Thành ủy TPHCM - đã chỉ ra 1 vấn đề của giáo dục Việt Nam là văn hóa nghe lời, thiếu phản biện. Dẫn chứng cách giáo dục ở Israel, ông đặt câu hỏi: “Bí quyết của một quốc gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi. Điều này chúng ta có làm được?”.

... Và hệ lụy

Diễn giả Nguyễn Hữu Trí - người sáng lập Học viện Awake Your Power - từng kể rằng, khi mới sang Singapore du học, ông đã nghe các sinh viên nước ngoài “khuyến cáo” nhau: “Đừng chọn làm bài nhóm chung với sinh viên Việt Nam. Họ có thể học rất giỏi, nhưng lại không biết tranh luận”.

Đáng tiếc, nhiều người Việt không có thói quen phản biện trong cuộc họp hay khi trao đổi với đồng nghiệp, lãnh đạo; nhưng họ lại rất hăng hái phản biện lúc “trà dư tửu hậu”. Khi đó, mỗi người có rất nhiều vấn đề để phản biện, từ tính tình, cách ứng xử, cách làm việc… của cấp trên, của đồng nghiệp đến chuyện lương bổng, phúc lợi ở công ty, đơn vị…

Số khác lại xem mạng xã hội, trang cá nhân là nơi bày tỏ quan điểm, trút bỏ bực tức, ấm ức hoặc tìm đến một số cá nhân cùng quan điểm và có tiếng nói mạnh hơn. Một số nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân hình thành những đám đông dễ bị kích động trên mạng xã hội và những cuộc “ném đá tập thể”, điều thường thấy trong những năm gần đây.

Trong cuộc trò chuyện với VOV về những vấn đề liên quan đến văn hóa phản biện, cả tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - và tiến sĩ Vũ Việt Anh - Tổng giám đốc Học viện Thành Công - đều có chung quan điểm: văn hóa phản biện sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Điều quan trọng trong văn hóa phản biện là chỉ tranh luận về quan điểm, hành vi, sự việc… và phải tuyệt đối tôn trọng nhân phẩm, nhân cách của người khác. Tiến sĩ Vũ Việt Anh còn cho rằng: “Cần có hệ quy chiếu khi phản biện. Phải hiểu bối cảnh, hoàn cảnh… của sự việc khi đưa ra quan điểm phản biện. Muốn việc phản biện đạt được kết quả tốt đẹp, nên có cái nhìn tích cực và xác định phản biện để tốt hơn, chứ không phải để vùi dập và phá hủy”.

Một số cá nhân có thể dẫn dắt đám đông trên mạng xã hội, tạo nên những cuộc tranh cãi ồn ào. Tất nhiên, mục tiêu chính của những cuộc tranh cãi chỉ hướng đến việc mình phải là người chiến thắng bằng mọi giá, quan điểm của mình là chính xác. Nhưng tất cả lại không được dựa trên thái độ khách quan và cơ sở lý luận khoa học.

Tâm lý đám đông dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Người ta dễ chạy theo đám đông và xem việc có bao nhiêu người đồng ý quan trọng hơn bản chất đúng sai của vấn đề. Không ít người chỉ cần vừa đọc một dòng tựa đã nhanh nhảu tham gia phản biện mà không cần biết thực chất của vấn đề là gì. Từ lý do được gọi là phản biện, khi có những ý kiến trái ngược, họ chuyển dần sang cãi cọ, rồi chửi bới, nhục mạ, xúc phạm lẫn nhau.

Ở bất kỳ môi trường nào, văn hóa phản biện cũng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của cá nhân lẫn cộng đồng. Phản biện đúng giúp giải quyết vấn đề còn tồn đọng, phát hiện những ý tưởng sáng tạo, hướng giải quyết mới. Phản biện sẽ góp phần điều chỉnh và thay đổi những gì còn thiếu sót để hoàn thiện hơn.

Phản biện để phát triển

Quan sát thế hệ Z (sinh từ 1997-2012) hiện nay, những bạn trẻ có văn hóa phản biện thường rất tự tin, nhạy bén trong nắm bắt và giải quyết vấn đề. Họ có khả năng làm việc độc lập cao, đồng thời cũng rất linh hoạt khi phối hợp làm việc nhóm. Họ cũng là những người có nhiều ý tưởng sáng tạo và đề xuất những giải pháp tốt nhất.

Rộng hơn, văn hóa phản biện là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát huy trí tuệ của toàn dân trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Khi các cá nhân xây dựng được cho mình nền tảng văn hóa phản biện, phản biện có lý lẽ, mang tính học thuật và dựa trên sự tôn trọng, họ sẽ có những quan điểm, đề xuất thay đổi, hiến kế… cho công cuộc xây dựng đất nước. Văn hóa phản biện, vì thế, cũng góp phần nâng cao tính dân chủ trong cộng đồng, xã hội.

Người rèn luyện được văn hóa phản biện sẽ không dễ thỏa hiệp hoặc bị tác động bởi những luồng ý kiến trái chiều. Thói quen suy nghĩ, đặt ra nhiều góc nhìn khách quan, toàn diện và những kiến thức, trải nghiệm có được khi rèn luyện tư duy, văn hóa phản biện sẽ giúp mỗi người dễ dàng nhận diện thật - giả, tốt - xấu để có suy nghĩ, hành động phù hợp.

Sự thụ động và quan niệm tiêu cực trong việc phản biện và tiếp nhận phản biện đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng nếu muốn xã hội phát triển, từng cá nhân trong cộng đồng cần nỗ lực để thay đổi.

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email:diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn

Theo phụ nữ TPHCM