Bảo Thanh đã có những chia sẻ thẳng thắn với Tuổi Trẻ Online xung quanh câu chuyện về hôn nhân, gia đình, cách cô nghĩ về quyền lợi, trách nhiệm của nữ giới về ngày 8-3.

* Là diễn viên nữ gánh rất nhiều rủi ro trong hôn nhân, chị làm gì để chồng yên tâm cho chị theo đuổi công việc nhiều cám dỗ, cũng như dễ dính phải thị phi này?

- Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là những cuộc nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn với nhau về tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống, từ chuyện gia đình, công việc, thậm chí chuyện “nhạy cảm” nhất là tiền bạc…

Chắc chắn sẽ có mâu thuẫn, tranh luận xảy ra nhưng tôi nghĩ nếu không có những điều đó thì liệu chúng ta có hiểu nhau hơn hay không? Có biết vợ mình, chồng mình nghĩ gì, thiếu gì, cần gì để mà giúp đỡ, để mà sẻ chia hay không? Nếu bạn vượt qua được tất cả những điều đó thì bạn sẽ thấy mọi thứ dễ dàng hơn.

Tôi không phủ nhận mình là một người may mắn khi nhận được sự ủng hộ không chỉ từ gia đình tôi mà còn từ cả gia đình chồng. Bố mẹ chồng rất quan tâm và thương tôi. Những bữa ăn có đầy đủ thành viên trong gia đình, chúng tôi sẽ ngồi nói chuyện với nhau rất nhiều, đủ để mọi người có thể nắm được tình hình cuộc sống hiện tại và những dự định tương lai của các thành viên để cùng đồng lòng, thấu hiểu và giúp đỡ nhau.

* Không ít người cho rằng muốn kết hôn, ngoài tình cảm thì còn phải dùng lý trí đọc kỹ các “điều khoản” trong “hợp đồng hôn nhân” trước khi ký. Chị kết hôn khi còn rất trẻ, lúc đó chị đã “ký hợp đồng” với tâm thế như thế nào?

- Tôi chỉ nhớ rằng chúng tôi cùng hẹn nhau ở UBND phường để ký vào Giấy đăng ký kết hôn. Tôi không bao giờ nói, kể cả đùa, rằng hôn nhân là một loại hợp đồng. Tôi nghĩ điều đó chỉ xảy ra trong phim thôi, cụ thể là phim Hợp đồng hôn nhân của đạo diễn NSND Khải Hưng mà tôi tham gia vài năm trước. Tuổi trẻ thường ít khi suy nghĩ, suy tính, phán đoán hay đấu tranh nội tâm nhiều. Khi đặt bút ký, tôi chỉ nhớ là mình rất vui và chẳng suy nghĩ gì cả.

* Người Việt Nam rất coi trọng hôn nhân, và cho rằng phụ nữ “hơn nhau là ở tấm chồng”. Quan điểm của chị về điều này?

- Tôi thấy đúng đấy! Người Việt Nam rất coi trọng hôn nhân và luôn cho rằng phụ nữ phải có nghĩa vụ lấy chồng, sinh con, làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Nếu có ly hôn thì người bị đem ra thương hại, chỉ trích, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc, gặp kha khá cản trở trong việc đi bước nữa, làm cha mẹ xấu hổ… chỉ có thể là phụ nữ. Tại sao vậy?

Chúng ta đang sống ở thời đại mà bình đẳng giới được coi trọng, không nên duy trì suy nghĩ trọng nam khinh nữ như thời xưa nữa. Phụ nữ hay đàn ông khi đã về chung một nhà thì phải có trách nhiệm như nhau. Thậm chí đàn ông còn phải có nhiều trách nhiệm hơn, gánh vác gia đình, cùng vợ mình nuôi dạy con cái, làm việc nhà, chu toàn đối với hai bên gia đình, thương yêu người vợ đã không ngại ngần giữa lằn ranh sinh tử để “sản xuất” cho anh ấy hai, ba thậm chí bốn, năm đứa con…

Nói như thế là tôi muốn kết luận rằng luận điểm “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” chỉ đúng 50% mà thôi. Nếu người phụ nữ không can đảm đứng lên đấu tranh cho tình yêu, cho hạnh phúc, cho sự bình đẳng của mình thì người đàn ông, dù có cố gắng cách mấy, cũng không thể đem lại cho vợ mình hạnh phúc trọn vẹn được.

*Người ta cũng cho rằng hôn nhân có bền chặt, hạnh phúc hay không đều phụ thuộc vào mâm cơm gia đình. Với lịch làm việc bận rộn, thường xuyên xa nhà, chị giữ mâm cơm gia đình thế nào?

- Tôi đồng ý rằng cả nhà quây quần bên mâm cơm là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong ngày, nên bất cứ khi nào ở nhà tôi lại vào bếp phục vụ chồng con. Tôi thật sự yêu thích việc bếp núc, không xem đó là gánh nặng mà như một cách để mình thư giãn, gửi gắm tình yêu của mình đến với từng thành viên trong gia đình. Dẫu vậy, tôi vẫn giữ tính nghệ sĩ trong căn bếp, nấu khá ngẫu hứng, thích ăn món gì sẽ nấu món đó.

* Sự hi sinh, một thời được hiểu là phẩm chất tốt đẹp của nữ giới. Ở giai đoạn này chị nhìn nhận thế nào về sự hi sinh?

- Tôi không có khái niệm rõ ràng về sự hi sinh. Và tôi tin, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau về cụm từ ấy. Đâu đó ai hay nói Tôi đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để sinh con cho anh ta, nếu theo nghĩa của câu nói này, chẳng lẽ sinh con xong là bạn cũng không được gì hay sao? Và “anh ta” ở đây, chẳng lẽ cũng ngồi không để chờ bạn sinh con cho anh ấy?

“Hi sinh” không chỉ là cụm từ để nói về phẩm chất tốt đẹp của người nữ mà nó còn dành để nói về hi sinh thầm lặng của người nam nữa. Nếu hiểu rạch ròi ra như thế thì tôi nhận định thời nay, chúng ta vẫn hi sinh vì nhau chứ đó không chỉ là chuyện của riêng ai.

* Có một “vấn nạn” là khi phụ nữ quen với việc hi sinh, họ dần đánh mất bản thân mình, quên mất ước mơ của mình, và khi mọi sự không như ý, họ dễ rơi vào cảm giác họ là nạn nhân. Chị nghĩ thế nào về cái “bẫy nhận thức” này?

- Đó chính là một cách nói văn hoa hơn của cụm từ “chúng ta đang tự làm khổ chính mình”.

Nếu việc bạn làm không đúng lúc, không đúng chỗ và dành cho người không xứng đáng thì đương nhiên, sự mù quáng đó cũng chính là yếu tố giết chết tâm hồn chúng ta mỗi ngày. Và chúng ta sẽ quên đi mình cần gì, muốn gì và phải thực hiện những ước mơ cuộc đời mình như thế nào.

* Con người phải tự yêu bản thân rồi mới yêu được người khác, phải không?

- Tôi thấy điều này khá đúng và khi ứng dụng vào nhiều trường hợp thì có ít sai số hơn cả.

* Vậy cách chị yêu bản thân của mình ra sao?

- Tôi rất chiều chuộng cơ thể và cảm xúc của mình. Tôi có thể hủy bỏ tất cả công việc (đang dự định trong đầu) để đi du lịch nếu ngay lúc đó tôi muốn. Tôi sẽ nằm ườn cả ngày dài, cho phép mình lười biếng và không suy nghĩ gì nữa để cơ thể và đầu óc nghỉ ngơi khi lúc đó không hứng thú với những việc mình đang làm.

Ngay cả chuyện con cái, tôi chỉ sinh con khi nào mình cảm thấy sẵn sàng. Nói chung, tôi luôn cố gắng tự làm chủ cuộc sống của mình!

* Có rất nhiều áp lực cũng như định kiến xã hội đặt lên vai nữ giới. Chị thấy khó chịu với định kiến nào nhất?

- Tôi thực sự rất ghét câu cửa miệng của rất nhiều người: “Đàn bà thì biết cái gì!”.

* Để giữ được sự cân bằng trong cuộc sống, bí quyết của Bảo Thanh là gì?

- Tôi chỉ nghĩ rằng bản thân mỗi chúng ta nên tự nạp cho mình thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm qua những hoạt động, chương trình hay những quyển sách thú vị. Ngoài ra, “trường đời” luôn cho ta nhiều bài học thiết thực mà cực sâu sắc.

Theo tuoitre