Để các thiết bị điện tử, học online ở nơi dễ quan sát: Theo Dịch vụ Y tế và Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Queensland, Australia, cha mẹ cần theo sát thời gian online của con, đặc biệt với trẻ nhỏ. Máy tính cần được đặt ở khu vực trung tâm của nhà, trong tầm mắt phụ huynh để tiện theo dõi con làm gì, xem gì.
Sử dụng công nghệ: Chúng ta không nên cho con biết mật khẩu Wi-Fi, cần dùng các ứng dụng hỗ trợ để giới hạn thời gian truy cập Internet, ví dụ tự động tắt Wi-Fi sau 22h.
Kiểm tra lịch sử trình duyệt website: Các nội dung con xem có thể chứa những đường link lạ mà trẻ không hay biết, dễ gây rò rỉ thông tin. Phụ huynh nên kiểm tra lịch sử những trang web con đã vào, cài phần mềm diệt virus, bật quyền riêng tư.
Che webcam khi không sử dụng: Với máy tính, khi không sử dụng, chúng ta nên gấp lại hoặc che webcam để tránh hình ảnh của trẻ trở thành “miếng mồi ngon” cho các hacker.
Dạy con giữ kín vị trí: Theo Dịch vụ Y tế và Sức khỏe Trẻ em, Bệnh viện Queensland, Australia, nhiều vụ bắt cóc đã xảy ra khi các con vô tình làm lộ vị trí, thông tin cá nhân. Do đó, cha mẹ cũng cần dạy con về điều này, yêu cầu trẻ không cung cấp thông tin cá nhân, vị trí hiện tại, hình ảnh riêng tư cho những người lạ mặt ở trên mạng.
Dành thời gian với con: Thay vì để trẻ lên mạng một mình, chúng ta nên tham gia cùng con, ví dụ tham quan bảo tàng online trên thế giới, kết nối cùng người thân ở xa hay trò chuyện với con xem bạn bè trên mạng của bé gồm những ai, ở đâu.
Làm gương cho trẻ: Người lớn là tấm gương của trẻ nhỏ. Do đó, sẽ rất khó để bảo vệ con trên không gian mạng nếu ngay cả cha mẹ cũng không gương mẫu. Chúng ta hãy đặt điện thoại xuống và vui chơi cùng con nhiều hơn, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để lắng nghe, gần gũi hơn với trẻ.
Theo Zing