Dinh tỉnh trưởng ở TP.Đà Lạt - ẢNH: GIA BÌNH
Đây là “viên ngọc” cuối cùng của Đà Lạt, nếu mất đi thì chúng ta chẳng còn gì nữa. Đà Lạt sẽ chỉ có những đống bê tông, thiếu khoảng lặng cho một đô thị hiện đại và cho nhiều thế hệ mai sau Kiến trúc sư Lê Quang Ngọc |
Thuộc diện bảo tồn đặc biệt
Trả lời trên Báo Thanh Niên mới đây, một lãnh đạo TP.Đà Lạt cho rằng: “Từ xưa đến nay chưa có tài liệu nào xác định khu Hòa Bình và Dinh tỉnh trưởng là di sản kiến trúc. Hơn nữa, qua các thời kỳ quy hoạch, bảo tồn kiến trúc theo quy hoạch chung Đà Lạt đều không nêu công trình này”.
Về vấn đề này, kiến trúc sư (KTS) Lê Quang Ngọc, hội viên Hội KTS Việt Nam, nói ngay: “Du khách đến Đà Lạt thường sững sờ trước vẻ đẹp của các công trình kiến trúc, nơi đây là bảo tàng kiến trúc, tự thân nó đã là di sản”. Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, phân tích: “Về bảo tồn, cái này có phải là di sản hay không thì nên hỏi chuyên gia. Lâu nay không đưa vào di sản là do sự tắc trách của người quản lý, vì bản thân giá trị nó đã là di sản, không đưa nó vào quy hoạch là trách nhiệm của người quản lý đô thị. Bây giờ nói vì không đưa vào di sản nên không cần bảo tồn thì sai lại chồng sai. Không thể lấy lý do là trong quy hoạch nó không là di sản thì không cần bảo tồn”.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Dinh tỉnh trưởng này từ lâu đã có tên trong danh sách bảo tồn biệt thự ở TP.Đà Lạt, thậm chí còn thuộc diện bảo tồn đặc biệt. Theo đó, ngày 25.8.2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 49/2011/QĐ-UBND ban hành đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) tại TP.Đà Lạt. Đề án này phân loại quỹ biệt thự thuộc SHNN tại TP.Đà Lạt (tổng cộng 178 biệt thự/dinh thự) thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 (bảo tồn đặc biệt) chỉ có 5 dinh thự, gồm: Dinh 1 (Dinh Bảo Đại cũ), Dinh 2 (Dinh toàn quyền cũ), Dinh 3 (Dinh Bảo Đại cũ), Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ và Dinh tỉnh trưởng cũ. Nhóm 1 theo đề án này được xác định là những biệt thự có giá trị về lịch sử, văn hóa; có giá trị đặc biệt về kiến trúc, cảnh quan; còn bền vững về kết cấu chính. Nguyên tắc quản lý cũng được quy định chặt chẽ: “Chỉ được phục chế công trình trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng về kiến trúc bên ngoài và bên trong, bảo tồn không gian cảnh quan xung quanh, giữ nguyên kết cấu chính và chủng loại vật liệu xây dựng, giữ màu sắc ban đầu của công trình”.
Đến ngày 8.12.2017, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc SHNN trên địa bàn TP.Đà Lạt (quyết định này thay thế Quyết định số 49/ 2011/QĐ-UBND và có giá trị thực hiện cho đến nay). Quyết định này cũng phân loại biệt thự (còn 162 biệt thự thuộc SHNN) thành 3 nhóm và danh sách nhóm 1 không thay đổi, cũng gồm 5 dinh thự như trước: “Biệt thự nhóm 1 là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc”. Việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự phải tuân thủ: “Đối với biệt thự nhóm 1: không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự”.
Bà Đoàn Bích Ngọ, Phó giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, cho PV Thanh Niên biết thêm: “Dinh tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây dựng sớm nhất, sự ra đời và tồn tại của nó gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Đà Lạt. Bản thân nó đã là một trong những di sản kiến trúc Pháp tại TP.Đà Lạt đã được Bảo tàng Lâm Đồng kiểm kê phổ thông và đưa vào danh mục thống kê di tích cần được bảo tồn để lập hồ sơ khoa học từ năm 1996. Đồng thời cũng được đưa vào danh mục thống kê các kiến trúc Pháp tại Đà Lạt trong báo cáo của các nhà khoa học tại hội nghị chuyên gia đánh giá quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu của TP.Đà Lạt vào tháng 3.2004 để phục vụ nghiên cứu và định hướng bảo tồn”.
Toàn cảnh Dinh tỉnh trưởng nhìn từ trên cao
“Viên ngọc” cuối cùng của Đà Lạt
KTS Lê Quang Ngọc sau khi mất cả buổi đi thực tế khu đồi Dinh tỉnh trưởng và xem quy hoạch khu Hòa Bình đã thốt lên: “Tôi đến Dinh tỉnh trưởng với một tâm trạng rất ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của nó. Nó đẹp một cách kỳ lạ giữa một rừng bê tông đang vây quanh tôi. Dinh tọa lạc trên mảnh đất khoảng 3,6 ha, với những cây cổ thụ cỡ vài trăm năm tuổi và được bố trí một cách rất khoa học, bài bản. Thường chúng ta nói đến kiến trúc, chúng ta hay bàn đến cái nhà, nhưng bản chất cái dinh này là cả một khuôn viên, nó là “viên ngọc” quý của Đà Lạt”.
Cũng theo KTS Lê Quang Ngọc, đây là kiến trúc với tay nghề rất cao, kể cả về mặt nghệ thuật bố trí kiến trúc, tạo mảng khối, sự giản dị, trau chuốt, rồi các sự kết hợp về công năng đạt đến một trình độ rất cao. Đây cũng là tác phẩm không chỉ có giá trị về kiến trúc mà còn có giá trị về điêu khắc. “Tôi thấy rất tiếc, nếu như công trình này không còn nữa. Đây là “viên ngọc” cuối cùng của TP.Đà Lạt, nếu mất đi thì chúng ta chẳng còn gì nữa. Đà Lạt sẽ chỉ có những đống bê tông, thiếu khoảng lặng cho một đô thị hiện đại và cho nhiều thế hệ mai sau”, KTS Lê Quang Ngọc bày tỏ.
Trước đó, tháng 3.2019, tỉnh Lâm Đồng công bố quyết định quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt) và mới đây vào ngày 14.8, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với UBND TP.Đà Lạt tổ chức trưng bày, lấy ý kiến người dân trong vòng 1 tháng (kéo dài đến 14.9) về 3 phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng thì công trình này lại thu hút sự quan tâm của dư luận, các nhà chuyên môn, giới KTS. Nhiều người lo ngại nếu thực hiện theo các phương án này thì Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt sẽ đánh mất giá trị và mảng xanh duy nhất ở khu trung tâm Hòa Bình cũng sẽ không còn.
Theo thanhnien