Đội bóng từ Đại học Phúc Châu có trận gặp Đại học Jimei thuộc tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, nhưng bị hủy vì vi phạm chính sách... cấm để tóc "lạ" và đeo đồ trang sức. Theo quy định của Bộ Giáo dục, các chính sách của Sở cũng được áp dụng tại các giải đấu trong khuôn khổ đại học.

Chia sẻ với tờ Qilu Evening News, một nhân viên thuộc Khoa Giáo dục Thể chất của Đại học Phúc Châu, cho biết: "Trên thực tế, bạn có thể nhuộm một phần tóc cũng được, nhưng những màu kỳ lạ đó chắc chắn không. Trong trận đấu, học sinh này đã nhuộm toàn tóc và đội đối thủ yêu cầu chúng tôi tuân thủ các quy tắc một cách nghiêm ngặt, vì vậy chúng tôi đã bị loại".

Đội bóng nữ thuộc Đại học Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến trước đó bị hủy thi đấu vì cầu thủ nhuộm tóc. Ảnh: ĐH Phúc Châu/ SCMP.

 

Trên mạng xã hội, một số người dùng nói rằng các vận động viên thể thao nên làm gương cho những người khác. "Những cầu thủ này thường trở thành thần tượng trong giới sinh viên và hành vi của họ có thể ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Các yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các cầu thủ bóng đá có thể tạo ra hướng đi tốt hơn cho những người khác", một người dùng bình luận.

Theo quy định quốc tế, một trận đấu bị hủy hoặc bị hoãn nếu một trong hai đội có ít hơn 7 cầu thủ. Nhưng vì nhiều cầu thủ của Đại học Phúc Châu đã nhuộm tóc nên họ không thể tham dự.

Đội bóng này khắc phục sự cố vào ngày hôm sau bằng cách đổi màu tóc. Họ đã giành chiến thắng và xếp Á quân trong giải đấu vừa bế mạc ngày 3/12.

Cầu thủ Zhang Linpeng của Quảng Châu Evergrande từng vắng mặt trong một số giải vì xăm mình quá nhiều.

 

Tóc nhuộm không phải là lệnh cấm duy nhất mà giới quản lý bóng đá ở Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt. Năm ngoái, đội trưởng tuyển nữ U19 Trung Quốc, Shen Mengyu, bị đuổi và truất quyền thi đấu tất cả trận thuộc mọi cấp độ quốc gia trong 6 tháng vì tô son và đi tập muộn, tờ Soccer News đưa tin. Nhiều người dùng đã lên tiếng bênh vực Shen - người được coi là một trong những nữ tuyển thủ triển vọng nhất Trung Quốc. Họ bày tỏ sự bối rối không biết tại sao trang điểm lại dẫn đến án phạt khắc nghiệt như vậy.

Trong năm 2018, Hiệp hội bóng đá Trung Quốc đã ban hành chỉ thị cho các CLB cấm các cầu thủ xăm mình. Để "lách luật", một số người chơi đeo băng màu da trên cánh tay của họ trong trận đấu để che đi hình xăm.

Một số cầu thủ hàng đầu Trung Quốc đã công khai lên tiếng phản đối chính sách dựa trên ngoại hình. Song một số huấn luyện viên lại ủng hộ các quy định này. Jia Xiuquan - cựu cầu thủ quốc tế là huấn luyện viên trưởng tuyển nữ ĐTQG nói ông "ghét tất cả các hình thức xăm và nhuộm tóc".

"Bất kỳ cầu thủ nào muốn được chọn cho trận đấu tiếp theo nên xóa hình xăm và tẩy tóc", Jia - khi ấy là HLV đội U19 nói. Ông nhấn mạnh cầu thủ thì nên tập trung vào đá bóng chứ không phải nhuộm tóc màu gì. "Họ là cầu thủ chuyên nghiệp, không phải diễn viên. Bởi vậy họ không cần thay đổi ngoại hình để phù hợp với vai diễn của mình", ông nói.

Yu Hexin của Trung Quốc chuẩn bị tranh tài ở nội dung 50m tự do nam trong một cuộc thi bơi lội.

 

Alan Xu - chủ một tiệm xăm ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh - cho biết định kiến đối với những người có hình xăm hoặc tóc nhuộm vẫn còn phổ biến trong xã hội Trung Quốc, dù nhiều người đã tỏ ra thoáng hơn. "Tôi nghĩ việc cấm nhuộm tóc là hoàn toàn không cần thiết và chả liên quan. Điều đó thì có liên quan gì đến đạo đức, tình trạng thể chất hoặc kỹ năng của một cầu thủ không?".

Xu thêm rằng, "mọi người ghét bỏ hình xăm vì gợi liên tưởng đến xã hội đen. Nhưng ngày nay, nhiều người xem chúng là nghệ thuật".

Các quy định về màu tóc của các ngôi sao thể thao không phải là những quy tắc ứng xử duy nhất nhằm quản lý ngoại hình ở nước này: cấm xăm hình, trang sức, son môi và váy ngắn.

Năm 2020: Vào tháng 9, Hiệp hội taxi ở Lan Châu, tỉnh Thiểm Tây cấm tài xế taxi có hình xăm trên cánh tay và cổ.

Năm 2019: Khoa Kinh doanh Quốc tế, trực thuộc ĐH Nghiên cứu quốc tế Cát Lâm cấm sinh viên để nhuộm tóc màu và sơn móng tay, đeo trang sức, diện váy ngắn.

Năm 2018: Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, cơ quan quản lý truyền thông chính thức của Trung Quốc cấm các hình xăm chiếu trên truyền hình.

Năm 2013: Sở Giáo dục thành phố ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến cấm giáo viên nữ nhuộm tóc, sơn móng tay.

Theo Ione