Các tổ chức giáo dục đại học lớn ở khu vực Đông Nam Á mới đây đã đưa ra lộ trình đến năm 2025 nhằm mục đích thiết lập một không gian giáo dục đại học chung trong khu vực cùng với kế hoạch thực hiện trong hai năm tới.
|
|
Đối thoại Chính sách SHARE lần thứ 15 có chủ đề “Hướng tới tương lai của một không gian giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á” - Ảnh: Bộ GD-ĐT |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết, lộ trình đã được thống nhất trong cuộc họp tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2022 “sẽ tạo sự hài hòa và hỗ trợ quốc tế hóa giáo dục đại học ASEAN, đặc biệt tăng cường kết nối giữa con người với con người và hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN”.
Ông Lim Jock Hoi, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói rằng, việc hoàn thiện tài liệu mang tính chiến lược này là “một thành tựu quan trọng đối với ngành giáo dục trong khu vực”.
Lộ trình này, được các quan chức cấp cao của Bộ giáo dục các nước thuộc ASEAN đề xuất, bắt nguồn từ Tiến trình Bologna của Châu Âu được khởi xướng năm 1999 nhằm đảm bảo khả năng đánh giá và thống nhất các tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục đại học và sau đại học giữa các quốc gia châu Âu, và hiện vẫn đang được tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Đông Nam Á đang được các tổ chức giáo dục đại học ở những khu vực khác, bao gồm cả ở châu Mỹ Latinh và châu Phi, theo dõi chặt chẽ, bởi họ xem đây như một hình mẫu phù hợp cho các khu vực có nền kinh tế, hệ thống và trình độ phát triển đa dạng hơn châu Âu.
Ông Libing Wang, Giám đốc bộ phận Đổi mới giáo dục và phát triển kỹ năng tại văn phòng UNESCO Bangkok nhấn mạnh đến việc cần có một không gian giáo dục đại học cấp khu vực góp phần vào quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực.
|
|
Lộ trình mới đầy tham vọng với mục tiêu tăng cường kết nối, giao lưu nhân dân và chuyển giao kiến thức trong ASEAN thông qua việc thúc đẩy dịch chuyển sinh viên trong ASEAN vào năm 2025 - Ảnh: Reporting Asean |
Trong khi đó, ông Philip Masterson, cán bộ phụ trách Trung tâm khu vực về Giáo dục đại học và Phát triển của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO-RIHED) lưu ý rằng: “Với bối cảnh thay đổi nhanh chóng trong giáo dục đại học, cần phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ và kịp thời nhằm tái xác định không gian chung trong giáo dục đại học ở khu vực, từ đó giới thiệu một nền tảng năng động hơn để giúp giải quyết những thách thức trong tương lai, cũng như hỗ trợ cho những nỗ lực của chúng ta ”.
Một trong những kế hoạch trọng tâm của lộ trình này là thúc đẩy sự trao đổi của sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và thực tập sinh trong khu vực ASEAN, phát triển các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung và công nhận lẫn nhau về chứng chỉ giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm 10 thành viên ASEAN và Đông Timor.
Tạp chí giáo dục University World News cho biết, kể từ năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ cho chương trình SHARE (chương trình Hỗ trợ Giáo dục Đại học trong khu vực ASEAN) để giúp khu vực này xây dựng năng lực trong giáo dục đại học và tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế.
|
|
Nhiều sinh viên từ các quốc gia thuộc khu vực ĐNA đã nhận được sự hỗ trợ phát triển chuyên môn từ nguồn học bổng do chương trình SHARE của EU tài trợ - Ảnh: SHARE EU ASEAN |
Sự hỗ trợ này bao gồm một loạt các hội nghị chuyên môn hoặc các cuộc đối thoại chính sách liên quan đến các tổ chức khu vực, bao gồm cả cuộc họp vừa diễn ra hồi tháng 7/2022 tại Việt Nam.
“Hợp tác trong giáo dục đang dần trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện các chính sách đối ngoại của EU giúp góp phần giải quyết vấn đề xóa nghèo, bất bình đẳng và phân biệt đối xử cũng như giáo dục hòa nhập ở khu vực ĐNA”, ông Giorgio Aliberti, đại sứ EU tại Việt Nam cho biết.
Theo phunuonline.com.vn