leftcenterrightdel
 Du học sinh Nhật Bản tại Mỹ.

 

Các chuyên gia giáo dục lo ngại nhiều người phải từ bỏ kế hoạch du học vì lý do tài chính, làm suy yếu khả năng cạnh tranh quốc tế của cường quốc châu Á này.

Hôm 28/6, giá yên rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986 là 161,2 JPY bằng một USD. Đây cũng là lần thứ 2 chỉ trong vài ngày, yên xác lập đáy 38 năm so với USD.

Đến hôm 12/7, giá đồng yên tăng gần 1%, chạm 157,3 JPY một USD, mạnh nhất kể từ ngày 17/6. Dù vậy, nhiều đồn đoán cho rằng giá yên hôm 12/7 là do giới chức Nhật Bản can thiệp.

Việc giá yên giảm xuống thấp kỷ lục hồi cuối tháng 6 đã tác động không nhỏ đến kế hoạch du học của sinh viên trong nước và việc học tập, sinh hoạt của du học sinh Nhật Bản ở nước ngoài.

Một sinh viên năm 3 tại Đại học Mở Nhật Bản yêu thích phim ảnh và văn hóa Mỹ với ước mơ làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, khi đồng yên giảm, nữ sinh không thể thực hiện ước mơ, ngay cả khi bố mẹ hỗ trợ tài chính.

“Việc học ở nước ngoài giờ đây không còn khả thi với người bình thường nữa. Tôi ước đồng yên tăng giá dù chỉ một chút thôi”, nữ sinh giấu tên nói và cho hay sẽ tiếp tục tiết kiệm tiền để du học thạc sĩ vào một thời điểm khác.

Còn một nữ sinh Nhật Bản 29 tuổi theo học chương trình thạc sĩ tại Đại học Sussex, Anh, đang vật lộn với cuộc sống khi đồng yên giảm. Khi cô chuẩn bị du học vào năm 2022, một bảng Anh bằng 150 yên nên dự kiến chi phí du học thạc sĩ là 2,8 triệu yên. Nhưng sau khi đồng yên mất giá, chi phí đã tăng thêm 500 nghìn yên.

Vì bữa trưa tại căn-tin trường học có giá là 7,5 bảng Anh, tương đương 1,5 nghìn yên nên nữ sinh tự mang đồ ăn đi học. Cô cũng tránh đi học vào giờ cao điểm do giá vé tàu xe có thể tăng lên, cũng để tiết kiệm tiền thuê nhà.

“Nếu đồng yên tiếp tục suy yếu, chỉ những cá nhân giàu có mới có thể ra nước ngoài. Điều này khiến Nhật Bản khó có thể phát triển hơn nữa trong tương lai”, nữ sinh nhận xét.

Các cơ sở giáo dục Nhật Bản có hợp tác với quốc tế cũng chịu áp lực trong vấn đề trên. Dẫn đầu các cơ sở giáo dục về số lượng sinh viên học tập tại các cơ sở đối tác nước ngoài, Đại học Kwansei Gakuin, tỉnh Hyogo, gặp khó khăn do chi phí các chương trình giáo dục quốc tế tăng cao.

Đơn cử, một khóa học kéo dài 5 tháng do nhà trường hợp tác với Đại học Oxford, Anh, có chi phí là 5,18 triệu yên vào năm 2019. Hiện nay, con số này tăng thêm 1,95 triệu yên. Các chương trình ngắn hạn kéo dài từ 3 – 4 tuần cũng đắt hơn khoảng 70% so với cùng giai đoạn.

Nhà trường đã nhận được nhiều thư phản ánh của sinh viên, trong đó đa số xin rút khỏi chương trình liên kết hoặc chuyển hướng sang một quốc gia châu Á. Trường đã trích 170 triệu yên trong ngân sách để hỗ trợ sinh viên tham gia hợp tác.

Hôm 28/5, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã công bố khoản thanh toán viện trợ không hoàn lại theo chương trình học bổng quốc tế do chính phủ hoặc khu vực tư nhân tổ chức. Điều này nhằm hỗ trợ sinh viên du học bị ảnh hưởng bởi những thay đổi tài chính; đồng thời, tiếp tục mục tiêu nâng số lượng du học sinh hàng năm lên 500 nghìn người vào năm 2033.

Theo giaoducthoidai