Hậu duệ của Alexander Đại đế?
Bộ tộc Drokpa có dân số khoảng 3.000 người, sinh sống tại 3 ngôi làng nhỏ trong thung lũng Dha-Hanu bên dãy Himalaya. Thung lũng Dha-Hanu cách Leh, thủ đô vương quốc Ladakh của người Himalaya cổ, chỉ vào khoảng 160 km về phía Tây Nam. Qua quá trình nghiên cứu, các nhà sử học đã xác định người Drokpa là hậu duệ duy nhất của bộ tộc Aryans có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Giả thuyết được đặt ra là sau khi đánh bại quốc vương Ấn Độ Porus vào năm 326 trước Công nguyên, một nhóm lính trong lực lượng quân đội của vua Alexander Đại đế đã đi lạc trên đường quay trở lại Hy Lạp. Sau đó, nhóm lính này đã tập trung sinh sống và phát triển thành một bộ tộc, chính là bộ tộc Drokpa nguyên bản.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại cho rằng, bộ tộc Drokpa có nguồn gốc từ nhóm người Dards di cư từ dãy núi Hindukush (thuộc Gilgit Baltistan, nay là lãnh thổ Pakistan) đến phía Tây Ladakh hàng thế kỷ trước. Đây là bộ tộc mang đậm nét đặc trưng của nền văn hóa bản địa Aryan.
Hầu hết người Drokpa đều làm nghề nông. Họ trồng cây hoa màu, quả ngọt vì mục đích sinh tồn và rất tự hào về điều đó. Tuy họ không ăn chay giống như những tín đồ Phật giáo nhưng thịt không phải là món ăn ưa thích của người Drokpa trong các bữa ăn hằng ngày.
Đàn ông và phụ nữ ở bộ tộc Drokpa có thân hình cao lớn, mắt to sáng, mũi thẳng và lông mày đậm. Do tình trạng hôn nhân khá khép kín nên hình dáng bên ngoài của họ có thể nói là "không thay đổi từ hàng ngàn năm nay", theo đánh giá của Daily Mail.
Trang phục truyền thống của người Drokpa sử dụng len làm chất liệu chính. Đàn ông ở đây mặc áo len rộng cùng với quần len cạp cao. Trong khi đó, trang phục dành cho phụ nữ là những chiếc váy len được làm thủ công từ các loại vỏ, hạt và đồ trang sức bạc. Cuối cùng, mũ da dê chính là món đồ không thể thiếu để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh. Chúng được trang trí tỉ mỉ bằng nhiều loại hoa, đồng xu và vỏ sò, thể hiện nét văn hóa vô cùng đặc sắc của bộ tộc vùng Ladakh này.
Cuộc sống hằng ngày của người Drokpa khá tươi vui với âm nhạc, khiêu vũ, đồ trang sức, hoa và rượu lúa mạch, trong những lễ hội triền miên. Đặc biệt, trong lễ hội Bonano diễn ra vào cuối mùa hè, đàn ông và phụ nữ nhảy múa tưng bừng trong 5 ngày liên tiếp.
Phong tục hoán đổi vợ của bộ tộc Drokpa
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Aman Chotani đã có dịp tới khu vực này để chụp hình một số thành viên còn lại của bộ lạc cổ đại và ghi lại những nét văn hóa thú vị của họ.
Bộ tộc Drokpa có ngôn ngữ và phong tục riêng, trong đó, việc công khai và trao đổi vợ giữa những người đàn ông với nhau là truyền thống nổi bật của bộ tộc. "Đây là bộ tộc không tuân theo các quy tắc xã hội thông thường. Họ cho rằng công khai tình cảm là chuyện bình thường, được khuyến khích trong cộng đồng, ví dụ như khái niệm hoán đổi vợ", ông Chotani chia sẻ.
Cũng theo cảm nhận của nhiếp ảnh gia Chotani, cuộc sống của những người trong bộ tộc Drokpa dường như "dễ dàng và tự do hơn so với hầu hết cbộ lạc cổ xưa còn sót lại". Tuy nhiên, theo nhiếp ảnh gia Chotani, người Drokpa không chia sẻ hoặc tuân theo các chuẩn mực xã hội bình thường.
Thể hiện tình cảm nơi công cộng là bình thường và được khuyến khích trong cộng đồng bộ tộc Drokpa cũng tương tự như phong tục hoán đổi vợ. Từ xa xưa, người Drokpa đã có truyền thống hôn nhau giữa đám đông mà không phải e dè. Trong bộ tộc, nhiều nhóm đàn ông và phụ nữ đứng xếp thành hàng rồi hôn nhau một cách tự nhiên và nóng bỏng mà không cần quan tâm đến tình trạng hôn nhân của mình cũng như đối phương.
Tuy nhiên, sau này phong tục trên đã bị cấm do bị cho là hành vi không văn minh đối với người dân "đô thị". Kể từ đó đến nay, người Drokpa chỉ duy trì văn hóa hôn khi không có người ngoài và đổi vợ trong nội bộ cộng đồng.
Nam Sơn