leftcenterrightdel
 Nhiều học sinh mong nhận tư vấn trước khi sang Hà Lan nhập học. Ảnh: Thanh Trúc.

Chia sẻ ở Ngày hội du học Hà Lan diễn ra tại TP.HCM hôm 7/8, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan - nhận định tình hình nhà ở của đất nước này đang căng thẳng.

"Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là việc hạn chế xây dựng nhà ở mới để thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Chính phủ Hà Lan. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khác là làn sóng người tị nạn ở đây khá cao. Vì vậy, vấn đề chỗ ở cho du học sinh hiện tại gặp nhiều khó khăn. Báo chí của Hà Lan cũng đã cảnh báo sinh viên quốc tế thận trọng, cân nhắc trước khi chuẩn bị tới đất nước này nhập học nếu chưa thuê được chỗ ở", ông Hải nói.

Cần tìm nhà từ sớm

 Theo học ngành Văn hóa và Truyền thông tại ĐH Amsterdam, Lê Nam Huy hiểu rõ vấn đề nhà ở của du học sinh hiện tại. Nhiều tân sinh viên tìm được trường học nhưng vẫn chưa tìm được nhà.

Để giúp những bạn có ý định du học Hà Lan hiểu rõ hơn, Nam Huy đã chia sẻ về các loại hình nhà ở cho sinh viên quốc tế tại đất nước này.

Cụ thể, Nam Huy cho biết 2 loại hình nhà ở liên kết với trường học đang phổ biến đối với du học sinh là student housing (nhà ở sinh viên) và student hotel (khách sạn sinh viên). Nam Huy khuyến khích tân du học sinh lựa chọn student housing vì tính an toàn, tiện lợi và có phí thuê phải chăng.

"Số lượng phòng cung cấp cho sinh viên ở các student housing thường giới hạn, không đủ đáp ứng cho tất cả du học sinh. Vì vậy, khi đăng ký phòng, sinh viên phải cạnh tranh gắt gao. Các bạn đang có ý định du học Hà Lan vào những năm tiếp theo nên cân nhắc tìm hiểu thời gian đăng ký student housing sớm", Nam Huy nói.

Đối với các student hotel, Nam Huy nhận định đây là loại hình nhà ở cao cấp hơn student housing. Vì vậy, phí thuê phòng rất cao, phổ biến ở mức 1.000 euro/tháng (gần 24 triệu đồng) đến 1.100 euro/phòng/tháng (hơn 26 triệu đồng). Chi phí thuê đắt đỏ, sinh viên không phải lo sợ việc cạnh tranh khi đăng ký.

"Nếu bỏ lỡ 2 loại nhà cho thuê liên kết với trường học nêu trên, các bạn phải tìm nhà ở bên ngoài. Sinh viên có thể tìm kiếm ở các website tìm nhà hoặc các nhóm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc làm này thường có nhiều rủi ro, lừa đảo", Huy nói.

Nam Huy nhấn mạnh tân du học sinh cần xem nhà trước khi ký hợp đồng thuê nhà ở bên ngoài. Những tân sinh viên đang ở Hà Lan xem nhà trực tiếp sẽ dễ dàng hơn. Trường hợp sinh viên ở Việt Nam muốn thuê nhà trước khi du học cần có bạn bè xem nhà giúp hoặc video call (cuộc gọi có hình ảnh) với người cho thuê.

Riêng những tân du học sinh chưa tìm được chỗ ở nhưng sắp phải sang Hà Lan du học, Nam Huy đề xuất thuê khách sạn hoặc tìm kiếm chỗ ở tạm thời trên trang mạng xã hội của các du học sinh Việt Nam sinh sống cùng thành phố.

"Có một số tòa nhà, du học sinh Việt đã thuê nhưng tạm ngưng sử dụng. Họ thường đăng tải bài viết nhượng phòng trong một thời điểm nhất định. Các bạn có thể tận dụng để thuê ở tạm một vài tháng rồi tìm nhà", Huy nói.

Đọc kỹ hợp đồng trước khi thuê nhà

 Trước khi thuê các loại hình nhà ở không liên kết với trường học, Nam Huy lưu ý sinh viên cần trao đổi với chủ nhà để chắc chắn sẽ được đăng ký tạm trú với chính phủ.

"Thuê nhà mà không đăng ký tạm trú với chính phủ thì dù bạn có trả tiền thuê, vẫn bị xem như phạm pháp. Khi đăng ký tạm trú trên website của Chính phủ Hà Lan, bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đúng hẹn", Huy nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm thuê nhà không liên kết với trường học, Bùi Anh Thư - sinh viên ngành Thông tin và Truyền thông tại ĐH Amsterdam, khuyên tân du học sinh đọc kỹ hợp đồng thuê nhà.

"Trong hợp đồng thuê nhà, các bạn cần xem kỹ chi phí đã bao gồm trong tiền thuê và các chi phí chưa bao gồm (phí phát sinh). Tôi đang thuê nhà ở Hà Lan với mức phí là 650 euro/tháng (hơn 15 triệu đồng), bao gồm tiền điện, nước, ga và Internet", Thư nói.

Khác với Anh Thư, hợp đồng thuê nhà ở của Nam Huy lại không bao gồm tiền điện, nước. Huy phải tự tìm các bên liên quan để ký hợp đồng sử dụng.

leftcenterrightdel
 Nguyễn Trọng Tín, cử nhân ngành Truyền thông tại ĐH Khoa học Ứng dụng HAN, lưu ý những bạn có ý định du học Hà Lan về vấn đề hợp đồng thuê nhà. Ảnh: Thanh Trúc.

Trường hợp tân du học sinh đăng ký thuê phòng ở student housing, Nguyễn Trọng Tín, cử nhân ngành Truyền thông tại ĐH Khoa học Ứng dụng HAN, lưu ý hợp đồng thuê nhà student housing thường kéo dài trong một năm. Khoảng thời gian này, Trọng Tín khuyên sinh viên nên chủ động tìm nhà ở bên ngoài. Nguyên nhân là để tiếp tục sử dụng student housing, sinh viên phải phụ thuộc vào một trò chơi may rủi.

"Các bạn mong muốn tiếp tục ở student housing sau khi kết thúc hợp đồng cần đăng ký một con số với người cho thuê. Họ sẽ 'quay số' và nếu 'trúng số', bạn tiếp tục được thuê nhà. Trong thời gian chờ đợi người cho thuê mở chương trình 'quay số', bạn nên tìm nhà ở mới (có cho phép gia hạn ngày ký hợp đồng), để tránh trường hợp không 'trúng số' và mất chỗ ở", Tín nói.

Đồng quan điểm, Nam Huy cho rằng du học sinh ở student housing nên bắt đầu suy nghĩ và hỏi han bạn bè về chuyện tìm nhà ở mới trong thời gian là tháng 3, 4, 5.

"Các bạn nên hỏi bạn bè về việc có ai sắp trở lại Việt Nam và nhượng phòng trọ lại không. Thuê nhà ở Hà Lan qua bạn bè hoặc người quen sẽ thuận tiện hơn việc các bạn tự đi kiếm nhà ở", Huy nói.

Theo zingnews