|
|
Ở lại Việt Nam đón Tết Nhâm Dần, nhiều du học sinh Lào nhớ về cái tết truyền thống của quê hương - NVCC |
Đón tết Việt nhớ tết Lào
Maikor Xiong, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, (quê quán ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) cho biết cô rất hào hứng để đón tết cổ truyền của Việt Nam. Maikor cảm thấy rất ấn tượng với những món ăn của ngày tết ở Việt Nam, nhưng cô vẫn cảm thấy buồn vì thành phố không còn đông đúc trong dịp tết và đa số sinh viên ở ký túc xá (KTX) đều về quê đón tết.
Những ngày này, Maikor cùng những người bạn tại KTX ĐH Tôn Đức Thắng cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại phòng để đón năm mới. Cô chia sẻ, tết cổ truyền ở Lào diễn ra vào tháng 4, thay vì tháng 1 như ở Việt Nam. Đón tết Việt khiến Maikor nhớ về những kỷ niệm khi được ăn tết cổ truyền tại quê nhà.
“Lễ hội mừng năm mới Bun Pi May của Lào là lễ kỷ niệm lớn với âm nhạc, khiêu vũ và đám rước truyền thống. Mỗi ngày, tôi và người thân dành phần lớn thời gian đến chùa để làm công quả nhằm mang lại may mắn cho năm mới sắp đến. Vào buổi tối, chúng tôi lại ra đường để tham dự lễ hội”, Maikor chia sẻ.
Maikor kể cô không được về quê vào thời gian tết cổ truyền nhưng nhà trường vẫn tổ chức lễ hội cho các sinh viên Lào ở KTX, với sự tham gia của các thầy cô và bạn bè. Điều này giúp Maikor có cảm giác như đang được đón tết tại quê nhà.
|
|
Maikor Xiong trong buổi lễ đón tết truyền thống Lào tại Việt Nam - NVCC |
Giao lưu văn hóa
Midduangchai SengKhamYong, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP HCM (quê ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) cũng đang cùng với những người bạn tất bật dọn dẹp và trang trí phòng tại KTX để đón tết cổ truyền Việt Nam. Theo nữ du học sinh Lào, ngay từ ngày 20 Âm lịch, cô đã cùng các thầy cô, bạn bè ở KTX tổ chức gói bánh chưng.
“Được gói bánh chưng là một kỷ niệm không bao giờ quên của tôi trong lần thứ hai đón tết Việt. Chúng tôi quây quần bên nhau, kể chuyện, giao lưu văn hóa giữa hai nước”, Midduangchai cho biết.
|
|
Midduangchai SengKhamYong gói bánh chưng chuẩn bị đón tết cổ truyền ở KTX trường ĐH Sư phạm TP.HCM - NVCC |
Nữ du học sinh cho biết tết cổ truyền ở hai nước Lào và Việt Nam có những điểm tương đồng như trang trí dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn, gói bánh chưng… Midduangchai bật mí bánh chưng ở Lào có kích thước nhỏ hơn, ngày tết của nước này sẽ không có lì xì, mà thay vào đó là buộc chỉ đỏ vào tay và tặng quà.
“Cái tết quan trọng nhất của người Lào là Bun Pi May từ ngày 13 -16.4 Dương lịch, với điểm đặc trưng là "té nước". Ngày tết của Lào thường diễn ra 3 ngày và một số năm sẽ kéo dài từ 7 - 8 ngày. Kỷ niệm đặc biệt mà tôi nhớ nhất khi ăn Tết ở Lào là được đi chúc Tết bà ngoại cùng với ba mẹ”, Midduangchai chia sẻ.
|
|
Các sinh viên gói bánh chưng chuẩn bị đón tết cổ truyền ở KTX trường ĐH Sư phạm TP.HCM - NVCC |
Midduangchai cũng bày tỏ cô rất nhớ nhà và mong muốn sẽ được trở về Lào vào tháng 4 để được cùng người thân đón tết cổ truyền.
Cũng là sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, Keophanthavong Othai, 21 tuổi (quê quán tỉnh Xiêng Khoảng, Lào) đang lên kế hoạch để đón tết cùng những người bạn tại KTX. Đây là năm thứ hai Othai được đón tết Việt và mỗi năm ban quản lý KTX đều tổ chức gói bánh chưng cùng các hoạt động cho những sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết.
Nam sinh viên này cho biết tết cổ truyền ở Việt Nam và Lào có nét tương đồng là lời chúc nhau sức khỏe, cầu mong nhiều điều may mắn, hạnh phúc.
“Đặc trưng của tết Lào là nhiều người sẽ đi chùa để tắm phật bằng nước thơm làm từ hoa, hoạt động té nước cầu may mắn và thoa phấn thơm cho nhau. Những món ăn ngày tết của Lào thường là canh măng, nộm đu đủ…” , Keophanthavong chia sẻ.
Vì dịch Covid-19 nên Keophanthavong không được về quê thăm gia đình trong 2 năm qua. Du học sinh này hy vọng anh sẽ được trở về Lào vào tháng 4 để được cùng gia đình đón tết cổ truyền.
Theo thanhnien