Xếp hàng đi mua thực phẩm về trữ dùng dần - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC
Muôn nỗi khó khăn
Có những câu chuyện mà các du học sinh Việt tại New York (Mỹ) những ngày này ngập ngừng không muốn chia sẻ.
Gặng hỏi mãi, tôi mới thấy “bật” ra nhiều điều. Chỉ khi có sự động viên nhiệt tình và tâm huyết, cùng nắm tay nhau vượt qua nghịch cảnh, mới thấy các em mang một bản lĩnh Việt Nam và nghị lực hiếm có giữa tâm dịch của thế giới!
Hầu hết các du học sinh đều tưởng con đường du học sẽ trôi qua trong bình lặng, chỉ phải đối mặt với việc cố gắng học tập, nhưng hiện tại các em còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nảy sinh từ mùa dịch này.
Chuyện hết hàng trong các siêu thị thường xuyên xảy ra - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC
Những nhà hàng quán ăn ở New York trước khi dịch xảy ra là nơi các du học sinh làm thêm để kiếm tiền - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC
Cuộc sống tự lập xa nhà, ngoài những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày như đi chợ xếp hàng, thực phẩm thiếu thốn, dịch vụ đặt hàng qua mạng có tính thêm phí, giặt quần áo chung đụng sợ lây nhiễm, bị cản trở hay không được đến trường, như tôi đã từng đề cập, còn có những câu chuyện rất đáng bận tâm của du học sinh Việt ở New York mà nhiều em ngập ngừng không muốn chia sẻ.
Em K.T, thạc sĩ ngành Công nghệ thông tin, vừa chuyển từ tiểu bang Massachusetts về nhận công việc lập trình cho một công ty tài chính Phố Wall. Vì đồng lương thực tập ít ỏi nên em phải sống chung với 5 cô bạn khác đến từ nhiều nước trong 2 phòng ngủ chật chội tại Manhattan.
Có lần tôi hỏi tại sao em chọn chỗ đắt đỏ để thuê. Em trả lời: “Em cần phải ở gần chỗ làm, buổi sáng Manhattan rất đông, hay kẹt xe, em sợ đi làm trễ”.
Còn đây là câu chuyện của M.H, 25 tuổi, đang học thạc sĩ, sang New York được 2 năm. H. làm bán thời gian trong một nhà hàng Tàu ở khu Brooklyn. Nhà hàng đóng cửa theo lệnh giãn cách xã hội của thành phố nên em bị mất việc.
Trước đây với số tiền tip nhận được hàng ngày, góp lại em cũng đủ chi trả sinh hoạt và share phòng. Bây giờ H. chỉ còn trông chờ vào sự tiếp tế của gia đình, nhưng việc kinh doanh của gia đình tại quê nhà cũng bị đóng băng trong mùa dịch, chưa kể phụ huynh còn phải gồng gánh nợ vì vay tiền ngân hàng để đầu tư.
'Chiến đấu' với Covid-19
Tuần trước tôi vừa nghe tin cô bé da trắng người Mỹ cùng phòng đã bị dương tính với Covid-19, có lẽ đã bị lây nhiễm trong những lần tiếp xúc bên ngoài. Hỏi, sao em không dọn đi nơi khác, T. chùng giọng nói: “Em không thể dọn ra ngoài. Với đồng lương thực tập đang nhận, em không thể thuê riêng một phòng ở Manhattan".
Em C.V, một thành viên của Hội sinh viên Việt Nam ở New York, mới lên Facebook nhờ tìm luật sư thuộc lĩnh vực bất động sản và thuê nhà để được giúp đỡ. Người cùng share nhà với em đã nhiễm bệnh, nhưng chủ nhà không cho em dọn ra. Em đã đặt cọc 2.000 USD nên nếu dọn đi sẽ bị mất. Số tiền này vốn đã lớn với du học sinh, giờ còn giá trị hơn nữa trong mùa dịch, lúc khan hiếm việc làm và sinh hoạt đắt đỏ.
Không một bóng người trên đường phố New York về đêm. Đâu rồi thành phố mệnh danh không ngủ? - ẢNH: RASHAD BLUNT
Trạm tàu điện ngầm ở New York hầu như bỏ hoang. Trước dịch là phương tiện đi lại chính của người dân - ẢNH: RASHAD BLUNT
Em G.P., vừa khỏi bệnh 10 ngày trước, em kể lại thời gian khủng khiếp vừa qua với đầy đủ các triệu chứng của bệnh Covid-19. Khi biết mình đã nhiễm, em đã điện cho tất cả các bệnh viện để xin được xét nghiệm nhưng không ai bắt máy hoặc không lấy được hẹn vì tại thời điểm này các trung tâm xét nghiệm Covid-19 và các bệnh viện đều quá tải. Y tế ở đây chưa kịp chuẩn bị các phương tiện để chống dịch.
G.P. đành phải tự chữa trị bằng sự đề kháng và thuốc cảm cúm thông thường theo hướng dẫn từ xa của bác sĩ. Và rồi, em đã trải qua 14 ngày đối diện với sự sợ hãi và cô đơn, để cuối cùng thắng được dịch bệnh.
Phần lớn thời gian các du học sinh Việt ở nhà ngồi trước máy tính - ẢNH: PHẠM GIANG
Giờ đây, việc tập thể dục là ở trong phòng - ẢNH: PHẠM GIANG
Đại học Brooklyn vắng vẻ đìu hiu trong màn mưa lạnh. Trường đã đóng cửa hơn một tháng… - ẢNH: PHẠM BÍCH NGỌC
Hiện tại, rất nhiều du học sinh Việt ở New York đang đối diện với đủ thứ nỗi lo: bị mất việc nếu đang làm ở nhà hàng, quán trà sữa, cơ sở làm đẹp, tiệm nail; hoặc tương lai bấp bênh nếu đang thực tập tại các tập đoàn của Mỹ… Nỗi lo sợ cơm áo gạo tiền, nỗi lo lắng khó kiếm được việc làm sau này khi dự báo khủng hoảng kinh tế Mỹ bắt đầu, cộng thêm sự sợ hãi tình hình dịch bệnh phát triển, cảm giác vì bị tù túng do lệnh giãn cách xã hội khiến các em không khỏi hoang mang.
Theo thanhnien