leftcenterrightdel
Khuê (thứ ba từ phải sang) tụ họp nấu ăn và xem pháo hoa tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Năm nay là năm thứ hai Huỳnh Vũ Minh Khuê, sinh viên Đại học Sydney, đón năm mới ở Australia. Dịch bệnh không về được Việt Nam, Khuê cùng nhóm bạn tụ họp nấu nướng, ăn tối đợi countdown (đếm ngược) và xem pháo hoa qua tivi.

Australia là một trong các quốc gia đón năm mới sớm nhất thế giới. Sydney, thành phố lớn nhất Australia, bắn pháo hoa tại khu vực Cầu cảng, bất chấp đây là một trong những nơi ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất thế giới. Chính phủ Australia trước đó từ bỏ cách tiếp cận "Không Covid" sau khi hơn 76% dân số hoàn thành hai mũi vaccine.

Khuê cho hay thành phố vừa hết phong tỏa nên mọi người có thể ra Cầu cảng Sydney mua vé vào xem bắn pháo hoa trực tiếp. Tuy nhiên để tránh tập trung đông người nơi công cộng, Khuê và các bạn ở nhà.

"Không khí đón năm mới rất rộn ràng và ấm cúng. Các du học sinh tụ họp với nhau rất vui, giúp chúng em vơi đi nỗi nhớ nhà", Khuê chia sẻ.

Từ chiều 31/12, nhóm của Khuê đã rủ nhau đến nhà một người bạn, cùng chuẩn bị đồ ăn. Khuê cho hay, thông thường đến Tết âm lịch, du học sinh Việt Nam sẽ chuẩn bị nhiều món truyền thống như kho thịt, bánh chưng. Còn dịp này, nhóm sinh viên đa quốc tịch sẽ làm các món phổ biến để mọi người cùng thưởng thức.

Nhóm gồm 10 du học sinh, trong đó hai người Việt, ba sinh viên quốc tế và năm bạn Australia. Sau khi ăn bữa tối năm mới với gia đình, các bạn người Australia tới chung vui.

Đúng thời khắc giao thừa (20h giờ Hà Nội), Sydney chào đón 2022 bằng màn pháo hoa hoành tráng trên nền nhạc của The Presets. Pháo hoa tạo hiệu ứng thác đổ đẹp mắt trên Cầu cảng Sydney và thắp sáng rực rỡ trên bầu trời đêm.

Khuê cho hay thời điểm này ở Australia, sinh viên đang được nghỉ hè. Mọi năm không có dịch, các em sẽ về nước sau khi kết thúc học kỳ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Khuê hy vọng dịch bệnh sớm qua để trở lại cuộc sống, học tập bình thường và được về Việt Nam thăm gia đình.

Cũng bắn pháo hoa vào đêm giao thừa như Australia nhưng hai năm nay, Singapore không có chương trình biểu diễn ở Marina Bay Sands như trước. Pháo hoa được bắn tại nhiều quận khác nhau.

leftcenterrightdel
Minh (bìa trái) cùng bạn đi chơi đêm giao thừa ở Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Vào đêm giao thừa, Mai Tuấn Minh, khoa Kỹ sư Điện Điện tử, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), cùng nhóm du học sinh Việt Nam đi xem pháo hoa ở khu Woodland, sau khi tới công viên Garden By the Bay ăn uống và vui chơi. Minh cho biết mọi người tập trung khá đông ở đây để cùng chứng kiến khoảnh khắc pháo hoa bung tỏa trên bầu trời, đánh dấu năm mới đã đến.

Theo nam sinh, hiện việc đi lại ở Singapore đã thoải mái hơn, khi số ca mắc đang giảm và người dân đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Em và các bạn có thể tới những nơi công cộng nhưng vẫn phải đeo khẩu trang và đảm bảo an toàn. Năm nay không về Việt Nam được, các du học sinh rủ nhau đến khu trung tâm để tận hưởng không khí năm mới.

"Thời điểm này ở đảo quốc sư tử, đường sá được trang hoàng lộng lẫy, đặc biệt là khu trung tâm. Tuy nhiên do dịch bệnh, không khí cũng bớt nhộn nhịp hơn", Minh nói.

Minh sang Singapore du học từ những năm cấp hai. Những năm trước, nam sinh luôn cảm thấy cô độc khi đón năm mới một mình. Nhưng hai năm nay vào đại học, có nhiều bạn Việt Nam hơn, Minh tham gia tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền cho cộng đồng du học sinh tại đây.

"Nhìn lại một năm đã qua, em tiếc vì vẫn chưa được gặp bố mẹ nhưng thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều bạn. Em chỉ mong dịch bệnh qua đi để mọi người bớt khổ đau và cuộc sống trở lại bình thường", Minh nói, cho biết hai năm qua chưa được về nhà.

leftcenterrightdel
Người dân Singapore đổ ra đường xem pháo hoa đêm giao thừa. Ảnh: Mai Tuấn Minh 

Trái với không khí xem pháo hoa vui vẻ, năm mới của nhiều du học sinh Việt ở Nhật trầm lắng hơn. Trong đêm giao thừa, Lê Viết Tấn Phát, sinh viên Đại học Asia (Tokyo), ở nhà làm việc trên máy tính. Phát cho hay giới trẻ thường tới các ga tàu đông người, cùng countdown chào năm mới, nhưng dịch bệnh khiến mọi người hạn chế ra đường và tụ tập đông người.

Phát tâm sự "không có năm mới" vì còn bận cày deadline bài tập chuẩn bị cho thi học kỳ diễn ra vào cuối tháng 1. Mọi năm vào dịp nghỉ đông này, Phát tranh thủ "cày baito" (đi làm thêm). Bình thường, du học sinh được phép làm thêm không quá 28 tiếng/tuần. Nhưng vào những kỳ nghỉ lễ dài ngày, mọi người có thể làm đến 40 tiếng/tuần. Năm nay Phát chỉ làm ba ngày để dành thời gian ôn thi. Từ mùng 2/1, Phát trở lại công việc ở cửa hàng thời trang.

Phát cho biết những bạn không bận đi làm và ôn thi vẫn tổ chức tụ họp ăn uống dịp năm mới. Năm ngoái vào ngày cuối năm, nam sinh người Huế tự nấu một nồi lẩu để ăn, còn năm nay cậu thưởng cho mình một tô mì Hàn thật ngon.

Năm mới ở Nhật khá vắng vẻ vì mọi người về quê đoàn tụ cùng gia đình. Người Nhật thường đi chùa hoặc leo núi ngắm bình minh vào đầu năm. Các công ty được nghỉ việc nhưng quán ăn, cửa hàng vẫn hoạt động. Một số du học sinh vẫn đi làm.

"Tết ở Nhật không bắn pháo hoa và khá buồn. Năm mới là một dịp đặc biệt nhưng cũng không quá khác so với ngày thường", Phát nói.

Là một trong những nơi đón năm mới muộn, Mỹ tạm biệt 2021 khi các nước đã bước sang 2022 được nhiều giờ. Nguyễn Phạm Khả Hân, sinh viên Đại học Depauw, bang Indiana, thấy háo hức với năm đầu tiên ở Mỹ. Hân bắt đầu kỳ nghỉ đông hôm 17/12, sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên với điểm trung bình môn đạt 3.83/4.0.

Hôm 23/12, Hân cùng nhóm bạn 7 người đi xe mất 5 tiếng tới thành phố Chicago, bang Illinois, đón Giáng sinh và xem pháo hoa. Trong những ngày ở đây, nhóm tranh thủ đi thăm China Town (khu người Trung Quốc), khu người Việt Nam cùng bảo tàng nghệ thuật.

"Từ Giáng sinh, người dân ở đây đã trang hoàng nhà cửa lộng lẫy. Đêm 31 và sáng mùng 1, hầu như các hàng quán đều đóng cửa để mọi người về sum họp bên gia đình", nữ sinh Việt chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Hân đứng trước cây thông Giáng sinh ở trung tâm thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, hôm 24/12/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Hân, ở Mỹ, các yêu cầu về y tế hiện đã thả lỏng nhưng em và các bạn vẫn đeo khẩu trang đầy đủ để đảm bảo an toàn. Tối 31/12, nhóm của Hân tới bờ sông Chicago xem bắn pháo hoa.

Khi những giây cuối cùng của năm mới qua đi, mọi người cùng hô vang câu "chúc mừng năm mới" rồi quay sang ôm lấy nhau trong niềm hạnh phúc. Giữa giây phút ấy, Hân nhớ tới gia đình ở Việt Nam và muốn ghi lại những hình ảnh pháo hoa tuyệt đẹp để gửi về cho người thân xem.

Một năm qua với Hân khá trọn vẹn vì đã thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất là có học bổng du học Mỹ. Khi sang đây, em cũng học tập, hòa nhập tốt và tham gia nhiều hoạt động ở trường. Điều em tiếc nuối là chưa dành đủ thời gian cho gia đình, gặp gỡ bạn bè trước khi bay và kỳ nghỉ mùa đông này cũng không về Việt Nam được.

"Năm mới em mong bản thân sẽ tiếp tục nỗ lực học tập chăm chỉ hơn, trải nghiệm nhiều điều mới hơn và kết quả học tập vẫn sẽ tốt như kỳ này. Đến hè, em mong được về Việt Nam gặp gia đình và bạn bè", Hân nói.

Nữ sinh Hà Nội ở Chicago đến hết 3/1 rồi trở lại trường học kỳ mùa đông. Học kỳ này không bắt buộc nhưng do nghỉ dài không về được Việt Nam nên Hân tranh thủ học.

Theo vnexpress