Công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới về nước để tránh dịch Cov
Bộ GD-ĐT vừa có thông báo số 174 về việc tuân thủ quy định thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tới các công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.
Trong thông báo, Bộ GD-ĐT đề nghị các du học sinh tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch Covid-19 của nước sở tại , đồng thời bám sát các thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam.
Theo Bộ GD-ĐT, các em cần bình tĩnh, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ thông tin về cách phòng, chống dịch Covid-19; không bị tuyên truyền hoặc truyền bá những thông tin chưa được kiểm chứng. Các em nên ở trong nhà và không di chuyển đến nơi công cộng nếu không thực sự cần thiết.
Các em cần theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập của các cơ sở giáo dục nước sở tại để đảm bảo chương trình học tập. Đặc biệt, lưu ý thủ tục liên quan đến việc nhập học lại và những khó khăn, rủi ro trong quá trình di chuyển nếu quay về Việt Nam. Hơn nữa, du học sinh cần hết sức cân nhắc việc về Việt Nam trong bối cảnh đi lại khó khăn như hiện nay.
Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về Việt Nam, du học sinh phải khai báo y tế trung thực, thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam. Nếu có dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở, du học sinh cần chủ động tự cách ly và liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Nếu cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, du học sinh có thể liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc gọi ngay cho đường dây nóng bảo hộ công dân ở nước ngoài (+84) 981.84.84.84 để được trợ giúp, tư vấn.
Với Bộ GD-ĐT Việt Nam, du học sinh có thể liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, địa chỉ số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: (+84) 24. 3869.5144 hoặc (+84) 365.12.74.07, email: htqt@moet.gov.vn để được trợ giúp.
Theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, tổng số du học sinh Việt Nam đang học tập tại châu Âu khoảng 40.000 người, trong đó có khoảng 4.700 người trong diện học bổng có sử dụng ngân sách nhà nước. Các nước có nhiều du học sinh Việt Nam là: Anh 12.000 CHLB Đức 7.500, Pháp 6.500, Liên bang Nga 6.000, Phần Lan 2.500, Ý 1.100, Hà Lan 960, Tây Ban Nha 600, Hungary 600… Ở Mỹ có 29.000 người, ở Canada có 21.000 người. |
Theo thanhnien