Nhân viên y tế trực tiếp lên máy bay kiểm tra thân nhiệt của các hành khách.
Anh Tuấn, du học sinh của trường University of Trieste, TP Venice (Italy), cho biết đã trở về Việt Nam vào sáng 9/3 khi tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp.
Nam sinh cho hay khi thành phố nơi cậu sinh sống có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, chính phủ Italy đã cách ly toàn bộ đất nước. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân vẫn chủ quan như tụ tập nơi đông người, không đeo khẩu trang, thậm chí còn không thoải mái khi thấy những người đeo khẩu trang ra đường như Tuấn.
Hành trình về Việt Nam
"Tối 7/3, mình đọc được tin phong toả hàng loạt thành phố ở Bắc Italy, trong đó có Venice, nơi mình đang sống. Ngay đêm hôm đó, mình nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc. 6h ngày 8/3, mình tức tốc đi xe buýt ra sân bay Marco Polo. Chuyến bay cất cánh vào lúc 12h30 và rất may mắn không có trục trặc nào", Tuấn kể lại.
Chàng trai sinh năm 1994 cho hay ở Italy có lệnh phong toả cả nước song số chuyến bay bị huỷ không nhiều. Tuy nhiên, nếu công dân Việt Nam muốn về nước thì cần liên hệ trước với hãng để kiểm tra hoặc mua trực tiếp qua Website của hãng để tránh rủi ro trong thời điểm này.
9h30 sáng 9/3, Tuấn có mặt tại sân bay Tân Sân Nhất sau hành trình dài từ Venice.
“Ở Italy ngày nào mình cũng đọc báo nên mình cũng chuẩn bị tâm lý về đến Việt nam sẽ phải cách ly. Lúc mình mua vé về nước đã chuẩn bị tinh thần cách ly hết rồi. Chỉ là có 2 luồng tin không biết là cách ly tập trung hay cách ly tại nhà”, nam sinh cho hay.
"Thật may khi đã về tới quê hương"
Đến cửa hải quan, Tuấn ý thức được mình về từ vùng dịch nên đã khai báo để đi cách ly. Tại sân bay, 9X điền đầy đủ thông tin vào tờ khai về lịch trình trong vòng 14 ngày, được đo thân nhiệt, mặc đồ bảo hộ và đưa đi một lối riêng ra xe chở tới khu cách ly.
Do số lượng người cách ly ở Củ Chi đã kín nên Tuấn được đưa về theo dõi ở quận 9, TP.HCM.
Hình ảnh trong khu cách ly ở quận 9 TP.HCM.
Hai ngày trong khu cách ly, Tuấn cho hay hiện sức khoẻ của cậu vẫn ổn, một ngày được kiểm tra nhiệt độ 2 lần. Cậu ấn tượng nhất bởi sự nhiệt tình của các nhân viên y tế.
"Họ thân thiện và rất nhiệt tình giúp đỡ bệnh nhân. Mỗi bữa mình đều được các nhân viên y tế mang cơm tận phòng hoặc gọi ra khu vực lấy cơm, nhắc nhở đeo khẩu trang, bao tay, rửa tay thường xuyên, xịt khử trùng phòng mình mỗi sáng. Mình cảm nhận được ai cũng hết lòng cố gắng trong việc phòng dịch và giúp đỡ bệnh nhân", nam sinh nói.
Tuy không tiện nghi như ở nhà, song nam sinh cho rằng mình may mắn hơn rất nhiều bạn bè còn "mắt kẹt" lại Italy.
"Mình biết có nhiều anh, chị, bạn trong thời gian này cũng muốn về Việt Nam, nhưng điều kiện không cho phép. Nên mình cũng muốn nhắn gửi tới mọi người những lời chúc tốt nhất, mong mọi người luôn khỏe mạnh, bình tĩnh và mạnh mẽ vượt qua thời gian này. Thật may mắn mình đã về tới quê hương”, Tuấn nhắn nhủ đến cộng đồng du học sinh hiện còn ở Italy.
Nhân viên thực hiện phun khử trùng tại một bảo tàng ở Naples, Italy hôm 10/3. Ảnh: AP.
Tính đến sáng 15/3, thế giới đã có hơn 156.000 ca nhiễm và hơn 5.800 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Số ca tử vong vì nhiễm virus corona ở Italy đã lên đến 1.441 trường hợp tính đến ngày 14/3, tăng gần 14% so với một ngày trước đó. Thêm 3.497 ca nhiễm mới được xác nhận.
Theo Reuters, tổng số ca nhiễm tăng vọt từ 17.660 lên 21.157 trong vòng một ngày. Trong khi đó, có thêm 527 bệnh nhân được xác nhận đã hồi phục. Số ca bệnh nặng cần điều trị tích cực đã tăng từ 1.328 lên 1.518 người.
Riêng tại vùng Lombardy, nơi dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất, số ca tử vong ngày 14/3 tăng thêm 76 trường hợp, lên đến 966 bệnh nhân. Giulio Gallera, quan chức y tế cấp cao của Lombardy, cho biết số ca nhiễm ở vùng này đã tăng lên 11.685, nhiều hơn số liệu thống kê một ngày trước 1.865 bệnh nhân.
Theo news.zing