Nguyễn Khắc Kiên hiện đang học thạc sĩ tại Đại học Kiến trúc Quốc gia Paris-La Villette (Pháp)
Học online, làm thêm gặp khó
Nguyễn Khắc Kiên (SN 1997) hiện đang học thạc sĩ tại Đại học Kiến trúc Quốc gia Paris-La Villette (Pháp) cho biết hiện giờ tại Pháp, hằng ngày vẫn có ca nhiễm nhưng lệnh phong tỏa và giới nghiêm đã được dỡ bỏ từ lâu.
Phần lớn các nhà hàng, cửa hàng, bảo tàng... bây giờ đều yêu cầu phải có bằng chứng xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 hoặc bằng chứng xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Những biện pháp y tế cộng đồng để bảo vệ bản thân như yêu cầu rửa tay, đeo khẩu trang trong các không gian trong nhà hoặc các phương tiện giao thông vẫn được khuyến cáo.
Đối với các doanh nghiệp hay công sở thì vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Các công sở hoạt động trở lại, các công ty đã bắt đầu cho nhân viên đi làm lại nhưng chuyển biến diễn ra chậm và còn nhiều người vẫn chủ yếu làm việc ở nhà và mỗi tuần chỉ đến công sở 2-3 buổi.
“Em hiện giờ vẫn ở tại ký túc xá của Paris, cũng có nhiều du học sinh ở đây. Việc đi siêu thị sẽ tùy theo từng người, có bạn có thể đi siêu thị mỗi tuần 2 lần, nhưng em thường chỉ đi một lần để hạn chế tiếp xúc”, Kiên kể.
Ký túc xá ở Paris nơi Kiên sinh sống - Ảnh: NVCC
Với du học sinh, tiết kiệm chắc chắn là điều cần thiết để có các khoản chi tiêu cho kế hoạch của bản thân, như Kiên sau một năm phải chứng minh tài chính để gia hạn visa cho năm sau nên càng phải tiết kiệm hơn.
Để đảm bảo an toàn, Kiên vẫn đeo khẩu trang và rửa tay liên tục để tránh lây nhiễm dịch bệnh dù đã được tiêm đủ vắc xin.
Kiên sang Pháp du học từ tháng 10/2020. Sau 3 tuần được đi lại và đến trường học bình thường thì có lệnh phong tỏa cả nước, Kiên bắt đầu học online từ đó cho đến hết năm học vừa rồi.
Từ đó đương nhiên, các sinh hoạt hằng ngày bao gồm việc học và các sinh hoạt cá nhân đều thay đổi hoàn toàn.
“Việc học trực tuyến không giúp khả năng tiếng Pháp của em tốt lên nhiều, nên em nghĩ mình chưa phát huy được hết khả năng của mình. Đồng thời việc học trực tuyến cũng làm giảm tương tác với bạn bè, thầy cô. Việc trao đổi bài cũng vì vậy mà vất vả hơn”, Kiên nói.
Kiên cho biết, với cường độ học theo chương trình học thì việc học trực tuyến và lệnh phong tỏa giúp Kiên có nhiều thời gian cho bản thân và chuẩn bị bài hơn do không phải di chuyển quá nhiều vì thường đi từ ký túc xá đến trường có thể mất đến 1-2 tiếng mỗi ngày (cả đi lẫn về).
Nguyễn Thu Hải Đường (SN 1991) du học sinh tại Canada cho biết, sau gần 2 năm đóng cửa và giãn cách xã hội, nhiều thành phố ở Canada đã bắt đầu mở cửa lại từng giai đoạn theo quy định của chính phủ.
Ví dụ ở Ontario đang mở cửa tới giai đoạn 3 vì tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin COVID-19 ở đây thuộc mức cao. Giai đoạn 3 là mọi dịch vụ và công ty quay trở lại hoạt động gần như bình thường, tuy nhiên vẫn có những hạn chế nhất định về số lượng người, ví dụ như chỉ được tối đa 25 người ở những sự kiện trong nhà và 100 người tụ họp ở những sự kiện ngoài trời.
Đường phố Canada chiều 13/8
Canada thực hiện giãn cách xã hội từ tháng 3/2020 và thời gian đó kéo dài hơn một năm, việc ăn uống sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều, mọi người chủ yếu ở nhà, đi chợ ít hơn, tích trữ đồ ăn nhiều hơn.
“Việc bị ảnh hưởng nhiều là việc học, khi chuyển qua học online, thời gian đầu các sinh viên gặp khá nhiều khó khăn và bỡ ngỡ.
Em có người bạn học nghề “đầu bếp” mà cũng chuyển qua học online từ lúc qua đây cho đến khi tốt nghiệp. Em chuyển qua học online trước khi tốt nghiệp khoảng 2-3 tháng. Do học online, em và phần lớn các bạn cùng khóa mất cơ hội thực tập do các công ty không tuyển dụng và chuyển sang làm việc tại nhà.
Tất nhiên trường cũng có giải pháp bằng cách làm một bài khóa luận lớn nhưng không thể so sánh được với cơ hội được làm việc và tiếp xúc trong môi trường làm việc chuyên nghiệp ở một đất nước phát triển như Canada”, Hải Đường chia sẻ.
Nguyễn Thu Hải Đường, du học sinh tại Canada
May mắn được hỗ trợ
Khắc Kiên cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, phải đối mặt với khó khăn bộn bề, tuy nhiên, Kiên thuộc số những sinh viên may mắn khi nhận được hỗ trợ từ chính phủ Pháp đồng thời nhận được học bổng trong năm vừa rồi, nên các nhu cầu cơ bản đều được đảm bảo (chính Phủ Pháp cho các sinh viên được hưởng suất ăn với giá 1 euro tại các căng tin của nhà nước).
Hiện giờ, vì vẫn nhận được học bổng từ chính phủ Pháp, Khắc Kiên không đi làm thêm nhưng vẫn không chịu nhiều áp lực về các chi phí sinh hoạt, cuộc sống cũng khá dễ thở.
Với Hải Đường, trước khi giãn cách xã hội, Hải Đường làm việc bán thời gian tại một nhà hàng, khi dịch bệnh bùng phát, cô và rất nhiều du học sinh khác cũng mất việc (rất nhiều người dân ở đây cũng mất việc).
Tuy nhiên, cô cho biết, những người ở Canada khoảng 1 năm trở lên, đã khai thuế và có thông tin, tài khoản tại cục thuế sẽ được nhận trợ cấp của chính phủ như những người dân bình thường của họ với 2.000 đô la Canada/tháng và kéo dài 28 tuần. Sau 28 tuần, nếu vẫn thất nghiệp (hoặc không muốn đi làm vì sợ dịch bệnh), có thể nhận trợ cấp thất nghiệp. Với những người không đủ tiêu chuẩn nhận trợ cấp thất nghiệp, chính phủ sẽ có chương trình trợ cấp khác không phân biệt là người dân hay du học sinh, nhập cư… Nhờ được hỗ trợ nên Hải Đường đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất của đợt dịch bệnh vừa qua.
Hiện tại Canada mở cửa trở lại ở giai đoạn 3, mọi thứ dễ thở hơn, nhiều cơ hội công việc cũng mở lại, Hải Đường cũng đã tìm được công việc toàn thời gian trong ngành Marketing và bắt đầu những dự định mới.
Theo phunuonline