Chuyến bay số hiệu VN50 đưa 164 hành khách đi từ London về TP.Hồ Chí Minh - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Chặng bay dài đằng đẵng
Ánh nắng, làn gió mát trong lành nơi đây khiến tôi cảm thấy dễ chịu đến lạ. Đã 12 tiếng kể từ khi chuyến bay đưa tôi trở về cất cánh ở London (Anh) là những giấc ngủ chập chờn trong âu lo, phấp phỏng. Đêm như dài hơn trên chuyến bay dài đằng đẵng.
Nhớ về những ngày qua ở Anh, dù cuộc sống vẫn yên bình, người dân vui vẻ, nhưng qua báo chí tôi biết Covid-19 đã và đang âm thầm thâm nhập và có thể bùng lên bất cứ lúc nào ở xứ sở này. Sự lo lắng làm giấc ngủ, bữa ăn trở nên kém “ngon” hơn.
Những ngày dài ở Anh cứ thế trôi qua với nhiều ca bệnh mới mỗi ngày. Và không chỉ ở Anh, hay châu Âu, tôi biết Việt Nam cũng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trước sự lây lan của Covid-19. Lúc này đây tôi hiểu, chẳng có nơi nào an toàn tuyệt đối cả.
Dù vậy, sau nhiều thời gian đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định sẽ tạm hoãn việc học để trở về Việt Nam. Không hoàn toàn vì sợ dịch bệnh lây lan, mà vì trong hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ nghĩ về gia đình và muốn được ở bên vòng tay của những người mình yêu thương.
Hành lý gọn nhẹ được tôi sửa soạn xong trong khoảng nửa ngày. Cùng thời gian đó, tôi đặt vé trên chuyến bay thẳng từ London về TP.HCM.
Suốt hành trình ấy, thường trực bên tôi là sự lo lắng, bất an. Dịch bệnh lây lan, bố mẹ và gia đình ở Việt Nam có ổn không? Khi nào dịch bệnh kết thúc để việc học được tiếp tục?... Chuyến bay dài đằng đẵng tưởng chừng như chẳng có điểm dừng. Xung quanh tôi, những đôi mắt lờ đờ mệt mỏi lặng lẽ nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ và khẩu trang.
Tôi nhớ mình đã dành hầu hết thời gian của chuyến bay này chỉ để nhìn qua ô cửa máy bay và nghe nhạc. Cứ một lúc tôi lại đưa điện thoại ra kiểm tra thời gian. Việc đó lặp đi lặp lại suốt đêm. Một tiếng, hai tiếng, rồi năm, mười tiếng trôi qua. Mây gió mịt mùng cùng màn đêm tĩnh lặng ngoài kia khi nào sẽ kết thúc?
Rồi tôi thiếp đi khi bầu trời hửng sáng đằng xa, giấc ngủ ngắn tạm đưa tôi ra khỏi những âu lo trong suốt hành trình. Để rồi khi tỉnh giấc, Sân bay Cần Thơ từ từ hiện lên sau những đám mây. Lòng tôi bỗng nhẹ như trút được một hòn đá tảng.
Yên bình trên mảnh đất quê hương
Sức lực như chợt hồi lại toàn bộ khi tôi rời khỏi máy bay. Dù đang cách xa gia đình gần 1.600 cây số, nhưng cảm giác đặt chân lên mảnh đất quê hương, giữa những người đồng bào cùng chung ngôn ngữ vẫn khiến tôi thấy bình yên đến lạ. Suốt nhiều tháng ngày học tập ở Vương Quốc Anh xa xôi, chưa bao giờ tôi gần gia đình mình đến thế.
Ngay khi rời khỏi máy bay, theo hướng dẫn, chúng tôi tập trung lại và khai báo y tế. Mọi người đều được sát khuẩn và tất cả nhân viên đều mặc đồ bảo hộ. Những tờ giấy khai báo thông tin cá nhân, về tình trạng sức khỏe được nhân viên y tế ở sân bay đưa ra. Không ai bảo ai, những gì chúng tôi làm là tuân thủ mọi hướng dẫn của cơ quan chức năng, khai báo trung thực, cố gắng chi tiết hết mức có thể về lịch trình đi lại, tình trạng sức khỏe của mỗi người. Đó là trách nhiệm và có lẽ đó cũng là cách duy nhất tôi có thể góp sức cùng quê hương mình chống dịch vào lúc này.
Xong xuôi, chúng tôi được đưa về Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp (tọa lạc tại thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp) cách sân bay không xa. Đây là nơi cách ly tập trung phòng, chống bệnh Covid-19 cho những hành khách của chuyến bay VN50 bay từ London về Việt Nam.
Trên đường đi đến đây, tôi không ngừng tưởng tượng về nơi mình sẽ ở trong 2 tuần sắp tới. Một trường quân sự với nhiều cây xanh, không khí trong lành. Nếp sinh hoạt nề nếp đúng kiểu “quân đội”. Những chiếc giường đơn với màn tuyn màu xanh áo lính, phòng ốc ngăn nắp, sạch sẽ,... Vượt cả mong đợi, đến thời điểm này sau vài ngày ở đây, Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp khiến tôi vô cùng hài lòng.
Hiểu được nhiều hơn những giá trị của cuộc sống
Tôi còn nhớ điều đầu tiên tôi mong mỏi sau khi đặt chân đến nơi đây là mau mau liên lạc với gia đình. Bởi lẽ, khi đến sân bay do sắp xếp hành lý lỉnh kỉnh, phải làm nhiều giấy tờ, thủ tục ngay nên tôi không có thời gian để liên lạc với bố, mẹ đang mong ngóng. Giờ phút ấy với tôi, wifi là thứ quan trọng nhất. Và rất may, khu cách ly nơi đây đã đáp ứng được điều đó. Nhắn vội cho gia đình tin nhắn thông báo bản thân vẫn ổn, tôi được các cán bộ khu cách ly bố trí về phòng riêng với 2 người bạn cùng lứa tuổi. Sắp xếp đồ đạc gọn gàng, tôi biết từ giờ mình đã có thể ngủ ngon hơn một chút.
Không chỉ có cơ sở vật chất tốt, các anh chị nhân viên ý tế và các chú bộ đội ở đây cũng rất nhiệt tình, giúp đỡ, hỗ trợ những người đang cách ly. Từ những thứ nhỏ nhất như kem đánh răng, khẩu trang, các dụng cụ cá nhân cho đến bữa ăn, thức uống. Những bữa cơm Việt Nam giản dị nhưng chứa đựng tình cảm của các chiến sĩ bộ đội, nhân viên y tế nơi đây được đưa đến tận phòng. Hạt gạo trắng, miếng thịt, gắp rau quê hương chính là món quà tuyệt vời nhất với chúng tôi sau chuyến bay dài mệt mỏi.
Hàng ngày, các bác sĩ quân y đều đến để đo nhiệt độ vào 2 buổi sáng và chiều. Chẳng có chút mệt mỏi, phiền hà. Mỗi ngày, tôi dành nhiều thời gian hơn để làm những việc trước kia tôi đã tạm gác lại. Như đọc nhiều sách hơn, xem những bộ phim tôi thích, và dành nhiều thời gian hơn để gọi điện, hỏi thăm những người tôi quan tâm.
Lịch sinh hoạt vốn lung tung của một cô sinh viên xa nhà đã được thay thế bằng một lịch sinh hoạt nề nếp rất “quân đội”. Tôi dần quen với tiếng báo thức, báo ngủ ở nơi đây. Thời gian lặng lẽ trôi qua, tôi cảm thấy bản thân trở nên tốt hơn, và hiểu được nhiều hơn những giá trị cuộc sống mà hàng ngày tôi thường chẳng để ý.
Giờ đây, sau nhiều ngày ở khu cách ly, tôi đã hiểu được vì sao Việt Nam của chúng ta dù vấp phải muôn vàn khó khăn vẫn là một trong những quốc gia đi đầu trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đó là vì một Chính phủ nhân ái quyết liệt chống dịch bệnh không một phút lơ là chủ quan, là ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ cộng đồng, và đặc biệt là niềm tin của mỗi người về đất nước, luôn che chở, bao bọc người dân dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Tôi thầm cảm ơn Tổ quốc và các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội nơi đây đã không quản ngày đêm chăm sóc tận tình, giúp những người con xa quê như tôi được trở về an toàn với chốn bình yên nhất, nhà.
Các hành khách tập trung tại Trường quân sự tỉnh Đồng Tháp (thành phố Sa Đéc) để khai báo y tế và làm các thủ tục nhận phòng cách ly - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Khẩu phần ăn bên trong khu cách ly Trường uân sự tỉnh Đồng Tháp - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Chiến sĩ bộ đội đem thức ăn và nhu yếu phẩm đến tận cửa phòng cho những người được cách ly - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Mỗi hành khách trong diện cách ly cũng được phát miễn phí 1 bộ nhu yếu phẩm gồm khẩu trang, nước rửa tay, kem đánh răng, chăn gối, … miễn phí - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Mỗi phòng cách ly có từ 3 - 6 người, mỗi người đều được đảm bảo có giường nằm riêng và wifi luôn phủ sóng để có thể giải trí, liên lạc cho gia đình - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Một hành khách đang đi tản bộ trong khuôn viên khu vực cách ly -Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Khu vực cách ly được chăng dây và giám sát 24/7 để đảm bảo không có người tự ý ra, vào - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Cách chỉ dẫn y tế được dán mọi nơi trong khu cách ly để đảm bảo người bị cách ly nắm được các bước vệ sinh đúng cách - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Nội quy một phòng cách ly - Ảnh Vũ Lê Bảo Ngọc
Chuyến bay VN50 đã không hạ cánh ở Tân Sơn Nhất(TP.HCM). Sân bay Cần Thơ là nơi được chọn để tiếp đón chúng tôi. Bởi theo quy định của nhà nước, các chuyến bay từ vùng dịch sẽ hạ cánh ở Cần Thơ, Vân Đồn (Quảng Ninh). |
Theo thanhnien