leftcenterrightdel
Trịnh Thủy Ngân vừa nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc cho chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Dublin, Ireland (Ảnh: NVCC). 

Vừa qua, Trịnh Thủy Ngân (sinh năm 1998, Bình Thuận) đã nhận bằng tốt nghiệp xuất sắc cho chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng (Master of Arts in Linguistics & Applied Linguistics) tại Đại học Dublin (UCD) ở Ireland với điểm GPA 4.09/ 4.2.

Vượt qua khó khăn để "chạm" tới ước mơ du học

Nói về động lực du học của mình, Ngân cho hay, quê hương và gia đình đã ít nhiều ảnh hưởng đến động lực “vươn ra biển lớn” của bản thân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), từ nhỏ, cô gái trẻ đã chứng kiến sự vất vả cũng như tinh thần chịu thương chịu khó của mọi người xung quanh. Gia đình cô cũng vậy. Bố mẹ cô thường xuyên chịu cảnh mất mùa do thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn luôn cố gắng, cần cù với chính loại cây trồng đó để chờ mong một mùa bội thu.

Do vậy, cô đã đặt ra mục tiêu cho bản thân là phải nỗ lực cố gắng trong học tập để vượt qua những khó khăn, vất vả đó.

Nhớ lại về quãng thời gian đi học, Ngân chia sẻ, có những hôm cô phải đạp xe đến trường trên con đường đầy nắng và gió với gần 10 km. Thế nhưng, cô gái trẻ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ lùi bước trước những trở ngại bên ngoài bởi việc được đi học đối với bản thân cô lúc đó đã là một niềm hạnh phúc mà nhiều trẻ em khó khăn ao ước.

Từ những năm cấp 2, mặc dù vẫn học đều hết các môn nhưng Ngân đã nhận thấy bản thân có niềm đam mê hơn cả cho Văn học và tiếng Anh. Thi lên bậc trung học phổ thông, cô gái trẻ tiếp tục đỗ vào lớp chuyên Anh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận). Và đây là bệ phóng giúp cô nâng cao khả năng tiếng Anh cũng như được cọ xát với những kỳ thi học sinh giỏi và nuôi dưỡng ước mơ du học.

Dù khao khát được đi du học ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng do điều kiện tài chính gia đình không cho phép, Ngân tiếp tục học đại học ở Việt Nam và chờ săn học bổng du học thạc sĩ.

Nhờ tham gia học chương trình chất lượng cao với 100% bằng tiếng Anh ở Trường Đại học Ngoại Thương, cô đã có nhiều cơ hội thực hành kỹ năng ngoại ngữ cùng rất nhiều bạn bè giỏi giang từ khắp các tỉnh thành.

Không những vậy, ngoài thời gian học, cô còn tham gia nhiều cuộc thi học thuật, hùng biện tiếng Anh, các chương trình giao lưu quốc tế, làm phiên dịch, dạy thêm tại trung tâm ngoại ngữ,..., tận dụng mọi cơ hội có thể để được học và phát triển nhiều hơn.

Sau khi tốt nghiệp và đi dạy một thời gian, Ngân nhận ra rằng, bản thân cần thêm kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ Anh để tiến xa hơn nữa với sự nghiệp giảng dạy của mình. Do đó, cô đã bắt đầu hành trình săn học bổng mà bản thân đã ấp ủ từ lâu.

Về việc lựa chọn đích đến để du học, Ngân chia sẻ, ban đầu, cô ưu tiên các quốc gia như Vương quốc Anh hoặc Úc, chứ không phải Ireland.

Trong giai đoạn đầu, cô tập trung nghiên cứu các loại học bổng, đặc biệt là học bổng toàn phần của Chính phủ các quốc gia trên thay vì chú trọng về thứ hạng của các trường đại học. Sau đó, cô đã quyết định nộp đơn xin Học bổng Chính phủ Anh Chevening và Học bổng Erasmus Mundus của Liên minh Châu Âu.

Tuy nhiên, trong quá trình đợi kết quả của 2 bổng trên, Ngân lại tình cờ biết thêm Học bổng GOI-IES của Chính phủ Ireland nên tiếp tục thử sức. Và trong thời gian chờ kết quả GOI-IES, ngay chính trường cô nộp hồ sơ lại mở thêm học bổng Global Excellence Scholarship (GES) dành cho sinh viên quốc tế nên cô tiếp tục thử sức. Cô dành thời gian viết luận để kịp nộp cũng như để tăng thêm cơ hội cho bản thân.

Trong 6 tháng chuẩn bị và xin học bổng này, Ngân đã luôn ở trong tình trạng áp lực, căng thẳng và hồi hộp để chuẩn bị đủ hồ sơ và chờ đợi kết quả cho tất cả học bổng đã nộp.

Khi biết kết quả mình được lọt vào danh sách dự bị thuộc Top 90 Finalists của học bổng GOI-IES và đồng thời cũng nhận được học bổng GES của Đại học Dublin, cô đã quyết định sẽ đi du học với học bổng GES.

“Đôi khi trong cuộc sống, mọi thứ xảy ra không như chủ đích ban đầu, nhưng có thể đó lại chính điều phù hợp nhất và tốt nhất đối với bản thân”, Ngân nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm giành được học bổng du học hệ thạc sỹ, cô cho hay, trừ Chevening, các học bổng khác đều yêu cầu có offer letter (thư giới thiệu) từ trường đại học trong bộ hồ sơ học bổng. Vì vậy, các bạn đang quan tâm và mong muốn giành được học bổng du học cần lưu ý không nên chọn những trường có xếp hạng quá cao so với năng lực, sẽ rất dễ bị từ chối.

Bí kíp để có kết quả học tập cao khi du học thạc sỹ

Sau gần 2 năm học, Ngân đã tốt nghiệp chương trình thạc sĩ này với tấm bằng First Class Honours (Xuất sắc) vào tháng 12/2023 vừa qua.

Để đạt được kết quả như vậy không phải điều dễ dàng, lần đầu tiên sinh sống và học tập ở một quốc gia phương Tây, tất nhiên cô gái trẻ không tránh được sự bỡ ngỡ và những khó khăn ban đầu.

leftcenterrightdel
 Trịnh Thủy Ngân (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn sinh viên quốc tế khi tham gia du học thạc sỹ (Ảnh: NVCC).

Khác với cách học ở Việt Nam, chương trình thạc sĩ ở Ireland phần lớn nằm ở thời gian tự học và nghiên cứu, giảng viên chỉ giảng kiến thức cốt lõi và trao đổi sâu hơn những câu hỏi của sinh viên. Đặc biệt là bất kỳ học phần nào trong chương trình thạc sỹ của Ngân cũng đều yêu cầu phải làm nghiên cứu cuối môn.

Vì vậy, khả năng tự học và tư duy phản biện là hai yếu tố quan trọng quyết định kết quả học tập của bạn. Khi đã có tư duy, ý tưởng, bạn phải trình bày được rõ ràng, lưu loát bằng tiếng Anh để người khác hiểu đúng như vậy, cho nên kỹ năng tiếng Anh tốt (đặc biệt là viết và nói) cũng vô cùng cần thiết.

Mỗi tuần, Ngân chỉ phải đến lớp học 3 ngày, nên cô đã dành toàn bộ thời gian còn lại lên thư viện đọc sách, tham khảo tài liệu, viết luận theo hướng dẫn của giảng viên để trau dồi tư duy, nâng cao kiến thức nhiều hơn.

Về phương pháp học tập, trước khi bắt đọc kỳ học, cô luôn tìm hiểu kỹ nội dung, yêu cầu và hình thức đánh giá của các học phần. Bởi, khi đã hiểu cách thức đánh giá, chắc chắn bản thân sẽ có sự chuẩn bị phù hợp ngay từ ban đầu.

Cụ thể, Ngân thường đọc trước các chương sách liên quan đến nội dung buổi học tiếp theo hay bài giữa khóa; tìm thêm các nghiên cứu trước đây để tham khảo, học hỏi.

“Tất cả giảng viên đều đánh giá cao một sinh viên chủ động và yêu thích môn học của họ. Hiểu được kỳ vọng của giảng viên để từ đó áp dụng phương pháp học tập đúng đắn có lẽ là bí quyết để tôi chinh phục kết quả cao nhất", Ngân bày tỏ.

Hầu như ai đi du học được cũng đều đã đáp ứng yêu cầu tiếng Anh đầu vào của trường (qua chứng chỉ IELTS, TOEFL,...). Tuy nhiên, việc có điểm số chứng chỉ quốc tế cao không đảm bảo rằng sẽ hòa nhập nhanh trong môi trường học tập quốc tế.

Bởi, không phải lúc nào sinh viên quốc tế cũng được nghe giọng Anh-Anh chuẩn mà còn nhiều giọng (accent) khác nhau từ sinh viên các nước khác trên thế giới như Ấn Độ, Brazil, Puerto Rico,... Vì vậy, việc làm quen với nhiều accent, nhanh nhạy trong giao tiếp thực tế mới là điều cốt lõi.

Bước ra khỏi vùng an toàn, sống một mình ở một quốc gia hoàn toàn khác biệt về khí hậu, ẩm thực, lối sống, ngôn ngữ và văn hóa, quá trình đi du học đã trở thành những trải nghiệm “đáng giá” nhất trên hành trình trưởng thành của cô gái Việt.

Là kiểu người đã quen với sự tự lập và làm mọi thứ một mình từ sớm, tuy nhiên, việc đi du học đã tăng thêm mức độ thử thách cho cô. Bởi, nếu ở Việt Nam, chỉ cần nỗ lực 1 thì khi du học bạn phải nỗ lực gấp 10, thậm chí là 100 lần để tồn tại và cạnh tranh.

Trong suốt học kì 1, vì mới qua còn lạ lẫm, Ngân chỉ chuyên tâm vào học và ổn định cuộc sống. Đến khi qua kỳ 2, Ngân đã tận dụng thời gian để đi học thêm khóa đào tạo giáo viên cho người nói ngôn ngữ khác (CELTA) tại International House Dublin.

Hoàn thành chứng chỉ CELTA, cô đã có đủ bằng cấp để làm giáo viên tiếng Anh tại Ireland nên từ đó cũng có được công việc part-time song song với quá trình học để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bởi dù đã có học bổng du học nhưng để đủ chi phí sinh hoạt ở Dublin - thành phố đắt đỏ hàng đầu châu Âu là việc khó khăn và vất vả. Do vậy, cô gái trẻ luôn cảm thấy may mắn khi có được công việc phù hợp với ngành học và đam mê của mình.

Không chỉ dành thời gian cho mỗi việc học, vào kỳ hè hay những lúc hoàn thành kỳ học, cô gái trẻ đều cố gắng tham gia thêm các hoạt động ngoại khóa và đi du lịch. Đến nay, Ngân đã đặt chân đến 10 nước và 15 thành phố ở châu Âu.

Hiện, Ngân đang là giáo viên dạy, luyện thi IELTS và kỹ năng mềm bằng tiếng Anh tại Dự án do bản thân sáng lập - IELTS For Better Vietnam.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ học, cô cho hay, bản thân sẽ áp dụng các kiến thức đã học cũng như dành toàn bộ thời gian cho việc giảng dạy tiếng Anh và phát triển dự án tâm huyết của mình.

Không những vậy, ngoài giáo dục về tiếng Anh, Ngân cũng đang ấp ủ các dự án về giao tiếp liên văn hóa sắp ra mắt. Thời gian tới, nếu có cơ hội phù hợp, cô gái trẻ cũng sẽ ứng tuyển làm giảng viên tại các trường đại học trong nước để đóng góp cho nền giáo dục tiếng Anh của Việt Nam.

“Trong tương lai, tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học thuật để vừa nâng cao chuyên môn, vừa có cơ hội truyền đạt những kiến thức, kỹ năng mà mình đã có được cho các bạn trẻ”, Ngân chia sẻ.

Trong suốt quá trình học tập của mình, Ngân đã giành được nhiều thành tích tiêu biểu:

Tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Kinh tế đối ngoại - Top 30 Sinh viên tiêu biểu khóa 55 Trường Đại học Ngoại Thương Cơ sở 2; 7/8 học kỳ nhận học bổng khuyến khích học tập;

Tốt nghiệp Thạc sĩ loại xuất sắc (First Class Honours) ngành Ngôn ngữ học & Ngôn ngữ học ứng dụng và đạt học bổng Global Excellence Scholarship tại University College Dublin, Ireland;

IELTS 8.0 - Sáng lập và giảng dạy IELTS tại Dự án “IELTS for Better Vietnam”;

Quán quân cuộc thi Hùng biện tiếng Việt toàn thành “Say to Succeed” - Nói để thành công 2019;

Quán quân cuộc thi Hùng biện tiếng Anh thương mại E*con - Trường Đại học Ngoại thương CS2 2019;

Quán quân cuộc thi Kỹ năng mềm tiếng Anh “Light Tomorrow With Today” Mùa 2 tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh,...

Theo giaoduc