Tác giả (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) cùng nhóm sinh viên năm cuối
chuyên ngành thủy sản.
Tôi sang làm nghiên cứu sinh (NCS) ở Ba Lan theo diện học bổng Hiệp định trao đổi giáo dục giữa hai chính phủ Việt Nam và Ba Lan, từ cuối 2012. Đoàn chúng tôi có 10 người, gồm bốn NCS, hai người học thạc sĩ và bốn sinh viên đại học. Sau năm đầu tiên học tiếng Ba Lan tại Đại học Tổng hợp Lodz, chúng tôi chia ra các ngả. Tôi chuyển xuống Trường Đại học Kỹ thuật Tây Pomeranian ở Szczecin (ZUT) để theo chuyên ngành của mình.
Còn nhớ khi mới sang, trong một lần tôi đang loay hoay hỏi đường đến Đại sứ quán Việt Nam tại Warsaw thì một cặp vợ chồng trẻ người Ba Lan đi tới. Sau khi biết chuyện, họ mời tôi lên xe đi cùng vì nhà họ ở gần nơi tôi cần đến. Trên hành trình chừng 20 phút ấy, cô vợ trẻ luôn miệng giới thiệu cho tôi những cảnh quan mà xe chạy lướt qua, về thủ đô Warsaw và về những người bạn Việt Nam mà họ từng quen biết. Tôi bắt đầu cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự thân thiện và hiếu khách của người dân Ba Lan.Những khám phá thú vị
Trước khi đến Ba Lan, tôi đã tìm hiểu khá kỹ và biết rằng, Ba Lan là một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật và khoa học (đã đóng góp cho nhân loại bảy giải thưởng Nobel các loại). Thêm nữa, Ba Lan có nhiều điểm tương đồng về kinh tế - xã hội và bối cảnh lịch sử với Việt Nam, khoảng cách phát triển cũng không quá lớn. Cho nên, những kiến thức và kỹ năng học được từ Ba Lan không quá xa lạ khi trở về làm việc tại Việt Nam. Chất lượng giáo dục và nghiên cứu của Ba Lan, nhất là bậc đại học trở lên, được cả thế giới công nhận. Nhiều lĩnh vực thuộc ngành y dược, công nghệ sinh học, khoa học cơ bản… của Ba lan đã đạt tới trình độ đỉnh cao của thế giới.
Mặc dù vậy, khi đặt chân đến Ba Lan, tôi vẫn thấy rất bất ngờ và khám phá thêm nhiều điều hết sức thú vị. Trước hết, đó sự thân thiện của người Ba Lan đối với người Việt Nam, nhất là ấn tượng tốt của các giáo sư Ba Lan đối với lưu học sinh Việt Nam (LHSVN). Chính điều đó đã giúp chúng tôi hòa nhập nhanh và khá dễ dàng thích ứng với môi trường học tập mới. Chỉ sau vài tháng đến Ba Lan, chúng tôi đã cảm thấy mình như đang học tập ở Việt Nam vậy.
Đất nước Ba Lan rất xinh đẹp với các khu phố cổ giàu phong cách, từ Gothic, Classic đến những kiến trúc hiện đại, những hồ nước thanh bình có ở khắp nơi, những rừng cây xanh với các loài động vật tự nhiên được bảo vệ tốt, những địa danh đẹp mê hồn như lâu đài Malborg, cảng biển Gdansk, mỏ muối Wieliczka, đỉnh núi tuyết Zakopane...
Ba Lan là quốc gia nằm ở vùng Trung Âu, cơ sở hạ tầng giao thông rất thuận lợi để đi đến các nước xung quanh. Điều này giúp cho môi trường học tập và nghiên cứu được mở rộng và nâng tầm, cũng như rất thuận lợi để LHS tìm hiểu và khám phá về các nền văn hóa khác tại châu Âu. Đến Ba Lan, tôi mới cảm nhận rõ sự giao lưu học thuật trên thế giới là không có giới hạn. Ngoài các giáo sư giảng dạy và hướng dẫn người Ba Lan, tôi còn có một giáo sư hướng dẫn đến từ Đức, đó là một minh chứng cụ thể.
Cộng đồng người Việt tại Ba Lan khá đông (khoảng 40 nghìn người), trong đó đa số là những cựu LHS và tu nghiệp sinh ở lại. Sự phát triển ngày một ổn định và bền vững của cộng đồng người Việt tại Ba Lan là điểm thuận lợi rất lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp cho các LHSVN dễ hòa nhập trong môi trường và bối cảnh mới.
Chinh phục thách thức
Bên cạnh những thuận lợi thì lưu học sinh đến Ba Lan cũng phải đối diện với không ít thách thức, buộc phải nỗ lực để vượt qua. Ai đến đây cũng phải thừa nhận tiếng Ba Lan là một ngôn ngữ khó, nhất là đối với những LHS lớn tuổi đến từ các nước có ngôn ngữ đơn âm tiết như tiếng Việt. Để khắc phục được điều này, ngoài sự miệt mài trong học tập, LHS phải biết linh động về phương pháp và chịu khó giao tiếp với người dân bản địa. Mặt khác, khoản sinh hoạt phí từ Chính phủ Việt Nam theo diện học bổng Hiệp định vốn không cao (hiện là 480 USD/tháng), trong khi Chính phủ Ba Lan không có hỗ trợ gì thêm cho các học sinh diện học bổng Hiệp định.
Môi trường học tập ở Ba Lan tuy khá cởi mở về đầu vào, nhưng lại rất nghiêm về đầu ra và không có tiêu cực. Do đó, nhiều LHSVN đã không vượt qua được những rào cản nên đành lỡ dở việc học hành.
Ngoài ra, những khác biệt về văn hóa phương Đông và phương Tây nói chung, giữa Việt Nam và Ba Lan nói riêng, có thể tạo nên những khó khăn, những tình huống hiểu nhầm hoặc khó xử trong giao tiếp. Sự khác biệt này đến từ nhiều khía cạnh như tôn giáo, văn hóa lối sống, tập tục và phong tục ăn uống, ứng xử… đòi hỏi người đến phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để thích ứng được với môi trường mới này.
Tuy nhiên, đất nước Ba Lan đang tiến nhanh trên con đường phát triển và thịnh vượng, hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 - 6 trong Liên minh châu Âu (EU). Cùng với những điểm thuận lợi nêu trên, ngày càng có nhiều lưu học sinh Việt Nam muốn sang Ba Lan du học. Từ năm học 2014 - 2015 đến nay, hàng năm có khoảng trên 200 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học Ba Lan. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở hai nước đã có sự hợp tác tốt nên sẽ tạo ra nhiều thuận lợi và khắc phục dần những khó khăn cho LHS.
Trong thời gian tới, hướng trao đổi giáo dục theo chiều từ Ba Lan sang Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ được đẩy mạnh. Đặc biệt, việc thành lập Bộ môn tiếng Việt và Văn hóa Việt tại Đại học Tổng hợp Adam Mickiewicz, Krakow, từ đầu năm 2017 là một bước quan trọng giúp đào tạo các sinh viên Ba Lan sử dụng thông thạo tiếng Việt, sẽ là cầu nối góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước và xúc tiến sự hợp tác toàn diện giữa hai bên.
Theo Thế giới và Việt Nam