Mỹ tăng số lượng học bổng

Theo bà Natella Svistunova, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, trong kỷ nguyên hậu Covid-19, các cơ sở giáo dục Mỹ thấu hiểu những khó khăn của du học sinh (DHS) và linh động quy định để đáp ứng nhu cầu xét tuyển. Dẫn chứng thực tế, các trường CĐ, ĐH Mỹ đã tăng số lượng học bổng, hỗ trợ tài chính cũng như một số nơi không còn yêu cầu các bài thi chuẩn hóa như SAT (bài thi năng lực học tập) và ACT (bài thi xét tuyển đầu vào ĐH Mỹ).

“Nhưng lời khuyên cá nhân của tôi là dù các bài thi đó bắt buộc hay lựa chọn, DHS hãy mạnh dạn làm kiểm tra. Hiện có nhiều bạn đang cố gắng vào các trường tại Mỹ nên quá trình ứng tuyển rất cạnh tranh. Vì thế, điểm các bài kiểm tra chuẩn hóa là một trong những cách để các bạn thể hiện trình độ”, bà Svistunova khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Đào Nhật Mai, Tổng giám đốc Công ty tư vấn du học NEEC, cho biết yêu cầu không cần điểm SAT đã được các trường Mỹ đưa ra trong thời gian đại dịch và tiếp tục duy trì đến hiện tại. “Nhiều trường thay bằng IELTS hay DET để nhẹ nhàng hơn, nhưng vẫn còn một số trường yêu cầu nghiêm ngặt điểm SAT. Phải theo dõi từng trường để cập nhật chính sách, thủ tục mới nhất”, bà Mai lưu ý.

Biến động mùa du học 2023 - ảnh 1

Học sinh tìm hiểu cơ hội trong triển lãm Giáo dục ĐH Mỹ tại TP.HCM

NGỌC LONG

Nữ giám đốc cũng thông tin Mỹ đang hạn chế tiếp nhận DHS Trung Quốc, gián tiếp tạo thuận lợi cho các nước còn lại như VN. Xu hướng nghề nghiệp cũng chuyển dịch khá nhiều sau đại dịch khi theo thống kê của thị trường Mỹ, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chăm sóc y tế nhảy lên hàng đầu, trong khi những ngành phổ biến như tâm lý, marketing lại hạ bậc. “Để xin học bổng hoặc hỗ trợ tài chính, DHS cần căn cứ vào từng trường và quá khứ hỗ trợ của họ để đặt ra mức kỳ vọng”, bà Mai chia sẻ thêm.

Tăng cơ hội định cư Canada

Về thị trường Canada, bà Mai thông tin từ ngày 15.11.2022 đến hết năm 2023, DHS sẽ được bỏ giới hạn giờ làm thêm thay vì chỉ 20 tiếng/tuần như trước. Đây chính là một điểm cộng thêm bên cạnh những mặt lợi ích khác như chi phí đầu tư ít. “Nhân lực của quốc gia này thiếu hụt lớn sau đại dịch nên họ cởi mở hơn cho DHS tìm việc làm cũng như có nhiều cơ hội xin thẻ thường trú nhân để định cư sau khi tốt nghiệp”, bà Mai lý giải.

Nhưng chính sách này không áp dụng cho tất cả DHS, theo chị Dương Ngọc Thủy, đại diện CĐ Cambrian (Canada). Chị Thủy thông tin chính phủ Canada quy định việc miễn giới hạn 20 tiếng chỉ áp dụng cho những sinh viên (SV) quốc tế đã có giấy phép du học hoặc ứng tuyển hay gia hạn giấy phép này từ ngày 7.10 trở về trước.

Chị Thủy cũng cho hay từ ngày 1.10, Canada đã bỏ lệnh xét nghiệm nhanh Covid-19 và cách ly người nhập cảnh. Thế nên, DHS đến sân bay Canada không còn làm các thủ tục về Covid-19 như trước đây, chỉ cần tải sẵn ứng dụng PC-Covid có chứng nhận 3 mũi tiêm phòng. “Các trường còn chấp nhận các bài thi DET, PTE thay vì IELTS để đầu vào dễ thở hơn, cũng như thường xuyên tổ chức ngày hội tư vấn 1:1 trực tuyến để DHS có cơ hội gặp trực tiếp giáo viên ở trường”, chị Thủy nói.

Du học châu Âu bằng tiếng Anh

Ông Florent Ménard, Trưởng bộ phận Campus France Vietnam (Văn phòng chuyên trách du học của Đại sứ quán Pháp tại VN), cho biết việc phát triển chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh tại Pháp là điều tất yếu trong quá trình quốc tế hóa giáo dục đang diễn ra ở các nước châu Âu.

 
leftcenterrightdel
 
Học sinh, sinh viên và phụ huynh tham gia sự kiện Ngày hội giáo dục ĐH Pháp 2022 tại TP.HCM trong tháng 10 vừa qua

THÀNH CÔNG

Điều này diễn ra tương tự tại Phần Lan, theo ông Harri Hälvä, chuyên viên Cơ quan Quốc gia về giáo dục của nước này. Ông Hälvä khẳng định với trang tin The PIE News rằng có nhiều chương trình đào tạo được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh tại tất cả cơ sở giáo dục ĐH của Phần Lan. “Chúng tôi muốn phát triển một xã hội chào đón DHS đến sống, làm việc và lập gia đình tại Phần Lan”, vị này nói thêm.

Tại Đức, Vũ Phương Linh (tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Tổng hợp Mannheim, TP.Mannheim) cho hay chương trình cao học giảng dạy bằng tiếng Anh có ở nhiều trường cả công lập lẫn tư thục. Về quy định chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu, Linh cho hay tùy thuộc vào trường ĐH, nhưng trung bình thường chỉ yêu cầu IELTS 6.0 với chương trình tiếng Anh, và DSH-2 nếu muốn học chương trình bằng tiếng Đức.

Chia sẻ thêm về Hà Lan, Đặng Thụy Diễm Anh (SV ĐH Erasmus, TP.Rotterdam) cho hay quy định về chứng chỉ tiếng Anh thường là IELTS 6.5. “Riêng những ngành cần toán như kinh tế thì phải thi thêm bài kiểm tra đầu vào”, Diễm Anh khẳng định.

Hàn Quốc yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT

Ông Trần Thiên Văn, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Zila Education, cho biết từ ngày 31.10, Cục Xuất nhập cảnh Hàn Quốc đã ra quy định mới là không chấp thuận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đối với DHS vừa hoàn thành chương trình THPT. Do đó, những ai đã có bằng tốt nghiệp THPT mới được cấp thư mời nhập học và thị thực. “Điều này khiến hầu hết các bạn sinh năm 2004 chưa được cấp bằng tốt nghiệp chính thức phải dời kỳ nhập học”, ông Văn thông tin.

Vị này cũng lưu ý hằng năm từ tháng 1 đến tháng 3, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ công bố danh sách xếp loại các trường ĐH nào là trường ưu tú (loại 1), trường chứng nhận (loại 2), trường không được chứng nhận, trường bị hạn chế tuyển sinh (loại 3). “Dựa vào đây mà điều kiện hồ sơ và tỷ lệ được cấp thị thực cũng khác nhau, DHS cần lưu ý cập nhật để có sự chuẩn bị phù hợp”, ông Văn cho hay và thông tin thêm những trường bị hạn chế tuyển sinh phải chịu kiểm tra gắt gao hơn, tỷ lệ được chấp thuận thị thực thấp hơn.

Về lựa chọn học bổng, theo ông Văn, mỗi trường sẽ dựa vào khả năng ngoại ngữ là chứng chỉ tiếng Hàn (TOPIK) hoặc tiếng Anh (IELTS) để cấp học bổng cho kỳ đầu chuyên ngành, dao động từ 30 - 100%. “DHS nên nâng điểm chứng chỉ ngoại ngữ càng cao càng tốt, duy trì tỷ lệ chuyên cần và cải thiện kết quả học tập để nhận được mức học bổng tốt hơn”, ông Văn khuyên.

Trung Quốc vẫn học trực tuyến

Nhập học vào tháng 9.2022, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (SV Trường ĐH Sư phạm thủ đô, Bắc Kinh) cho biết vì tình hình dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn đang thực hiện các chính sách cách ly nên nữ sinh viên và bạn cùng lớp đang được học trực tuyến. Vì chưa chia chuyên ngành nên cô chỉ nghe giảng những môn liên quan đến tiếng Trung. “Hiện tại, trường chỉ cho thạc sĩ và tiến sĩ đến trực tiếp”, Quỳnh nói.

Gần đây nhất, Quỳnh nhận thông báo là có thể học kỳ sau sẽ được quay lại trường. Theo nữ sinh viên, yêu cầu cách ly trước khi bay trong tất cả các chuyến từ VN sang Trung Quốc đang dần được hủy bỏ, chỉ yêu cầu giấy xác nhận âm tính trong 48 giờ. Bên cạnh đó, quy định cách ly tại Trung Quốc cũng dần giảm xuống. “Tôi hy vọng năm 2023 tình hình dịch sẽ thuyên giảm và có thể bỏ luôn cách ly vì chi phí rất tốn kém, tối đa gần 25 triệu đồng, chưa kể tiền vé máy bay”, cô thông tin.

Võ Thị Anh Tú (SV ĐH Duke Kunshan, Tô Châu) cho hay cô cũng sẽ học trực tiếp tại trường vào kỳ mùa xuân. “Hiện tôi vẫn học trực tuyến tại nhà. Theo quy định, để học trực tiếp, tôi phải tiêm 2 mũi vắc xin và test PCR 48 giờ trước khi bay, cách ly tại Thượng Hải 3 ngày rồi di chuyển đến Côn Sơn cách ly 4 ngày, sau đó đến trường cách ly trong phòng thêm 7 ngày nữa”, nữ sinh viên nói và chia sẻ thêm nhà trường có hỗ trợ tài chính tối đa 1.500 USD (khoảng 37 triệu đồng) cho DHS châu Á.

Chọn thi PTE khi đến Úc

Bà Đào Nhật Mai, Tổng giám đốc Công ty tư vấn du học NEEC, nhận định Úc thường “chậm” hơn các thị trường du học khác. “Hai năm vừa qua, quốc gia này không “mở cửa” vì dịch Covid-19 và mọi thứ rất khắt khe, đến sau này mới cởi mở. Dù đây là thị trường du học tốt nhưng về sự năng động học thuật hay cơ hội định cư thì Úc kém thu hút hơn Mỹ và Canada”, bà Mai khẳng định.

Để tăng cơ hội du học lẫn định cư Úc, DHS nên chọn thi chứng chỉ PTE vì đây là bài thi tiện lợi và dễ hơn IELTS, theo anh Huy Lý, Giám đốc điều hành Trung tâm PTE Helper. “Hiện có 99% DHS chọn chứng chỉ PTE để nộp vào các trường CĐ, ĐH tại Úc. Tính riêng số học viên tại trung tâm trong năm 2022, 80% là DHS chọn đến Úc”, anh Huy Lý thông tin.

 

Theo Thanh niên