Bất chấp những biến động hiện nay, lĩnh vực này hứa hẹn sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm 2023 với nhiều thay đổi đặc biệt.
Sự phục hồi mạnh mẽ
Tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Queen Mary, London, Anh, vào tháng 9/2022, chị Jiang Lige, 25 tuổi, vui mừng xen lẫn tự hào khi đã hoàn thành việc học tại nước ngoài khi dịch Covid-19 bùng phát hai năm qua.
Lý do nữ thạc sĩ quyết định du học bất chấp dịch là bởi kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Trung Quốc quá khó và tỷ lệ cạnh tranh cao, nhất là trong chuyên ngành tài chính.
Lựa chọn Vương quốc Anh làm điểm đến, chị Jiang Lige có cơ hội trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau cũng như môi trường học tập quốc tế. Kinh nghiệm này cùng với khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát giúp Jiang tìm được một công việc phù hợp sau khi về nước.
Cùng với hàng triệu sinh viên tại Trung Quốc và trên thế giới, chị Jiang Lige đang góp phần nối lại hoạt động du học sau dịch Covid-19, hướng đến phục hồi lĩnh vực giáo dục quốc tế vốn bị gián đoạn trong những năm qua. Đây cũng là tín hiệu tích cực mà các tổ chức tuyển sinh quốc tế tại hơn 81 quốc gia trên thế giới ghi nhận.
Cuối năm 2022, tổ chức Tư vấn quốc tế về Hội thảo và Giáo dục, trụ sở tại Đức, đã tiến hành khảo sát và so sánh dự đoán của 400 cơ quan tuyển dụng sinh viên từ 81 quốc gia trên thế giới về tình hình du học năm 2023. Kết quả đã vẽ nên bức tranh về sự phục hồi mạnh mẽ của sinh viên quốc tế và kỳ vọng về giáo dục quốc tế cho năm 2023.
Cụ thể, khoảng 73% cơ quan ghi nhận mức độ quan tâm đến du học ngày càng tăng. Do đó, phần lớn dự đoán nhu cầu du học sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa ở tất cả các cấp, bậc học trong năm 2023.
Tín hiệu tích cực này phần lớn đến từ những lợi ích mà du học mang lại cho sinh viên quốc tế hiện nay như khả năng tiếp cận tài chính, cơ hội việc làm tại nước sở tại... 67% cơ quan cho biết, cơ hội việc làm và khả năng nhập cư là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định du học của sinh viên.
Tương tự, theo đánh giá của tổ chức du học quốc tế ApplyBoard, sau một thời gian đầy thử thách với những biến động và không chắc chắn, giáo dục quốc tế đang bùng nổ.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã mở cửa biên giới trở lại, các hạn chế vì dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Sinh viên trở lại cùng nhu cầu du học để hiện thực hóa các mục tiêu học tập và sự nghiệp.
Trong bối cảnh trên, các điểm đến du học đã và đang có nhiều động thái tích cực để khẳng định vị thế trong lĩnh vực giáo dục quốc tế. Chính phủ nhiều nước đã thay đổi chính sách thị thực trong khi các tổ chức du học điều chỉnh chiến lược tiếp thị mới.
ApplyBoard dự đoán một kỷ nguyên cạnh tranh du học khốc liệt đang trở lại, đặt ra bài toán khiến sinh viên phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về điểm đến của mình.
|
Chi phí sinh hoạt là mối quan tâm lớn nhất hiện nay đối với du học sinh.
|
“Thế giới vẫn còn nhiều bất ổn nhưng năm 2023 là lúc chúng ta nên đưa ra những lựa chọn đúng đắn và trải nghiệm thế giới ngoài kia. Giáo dục quốc tế là một bước nhảy vọt và đã đến lúc chúng ta phát triển và bắt kịp với bối cảnh giáo dục đang thay đổi”, chuyên gia Ankur Dhawan bày tỏ. |
Đối phó rào cản
Tổ chức giáo dục này nhận định dù sinh viên quốc tế đang dịch chuyển nhưng rào cản vẫn tồn tại.
Đầu tiên, số lượng đơn đăng ký du học năm 2022 tăng vọt cộng với số đơn tồn đọng trong 2 năm dịch Covid-19 khiến việc xử lý thị thực chậm trễ. Sinh viên rơi vào trạng thái lấp lửng, thậm chí phải hoãn nhập học.
Đơn cử, tại Canada, tính đến tháng 6/2022, tổng số hồ sơ tồn đọng thị thực là 2,1 triệu. Tại Australia, từ tháng 1 - 8/2022, có hơn 213 nghìn đơn xin thị thực du học, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Các quốc gia đang đầu tư đáng kể để giải quyết vấn đề trên. Australia đã bổ sung 140 nhân viên từ tháng 5 để đẩy nhanh quá trình xử lý thị thực. Chính phủ Mỹ ủy quyền cho các viên chức lãnh sự miễn yêu cầu gặp trực tiếp với những người xin thị thực loại F đến cuối năm 2022. Đây là những tín hiệu đáng khích lệ cho sự phục hồi của giáo dục quốc tế.
Một vấn đề khác có thể cản trở sinh viên du học là lạm phát gây khủng hoảng chi phí sinh hoạt và năng lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nền kinh tế lớn. Chi tiêu cho du học vì thế cũng gặp nhiều rủi ro nên chi phí sinh hoạt đang là mối quan tâm lớn nhất của sinh viên hiện nay. Mối quan tâm tiếp theo là cơ hội làm việc sau khi tốt nghiệp (80%).
Nhìn chung, hiện nay dù du học đang phục hồi trở lại, sinh viên quốc tế không sẵn sàng hoặc không có khả năng trả học phí cao so với trước khi đại dịch bùng phát.
Về phía cơ quan tuyển dụng, để giải quyết vấn đề này, họ đã tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính như học bổng, cho vay... nhằm hỗ trợ khách hàng. Việc cung cấp thêm nhiều lựa chọn tài chính cho sinh viên có thể mở ra nhiều thị trường tiềm năng ngoài châu Á như châu Âu và châu Phi.
Còn chính phủ các nước đã thay đổi quy định cho phép cử nhân quốc tế ở lại làm việc, từ đó tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đơn cử, theo quy định của Canada, cử nhân quốc tế được phép ở lại và làm việc tại nước này trong 8 tháng đến 3 năm, tùy thuộc vào chương trình học.
Tại Australia, sinh viên quốc tế được làm việc và học tập tại Australia 2 – 4 năm, tùy thuộc vào trình độ. Cử nhân quốc tế trong một số lĩnh vực nhất định được phép ở lại và làm việc thêm 2 năm. Đây là một trong những quy định hào phóng trong số các điểm đến du học nói tiếng Anh, giúp Australia vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh khi thu hút nhân tài quốc tế.
Các bài kiểm tra chuẩn hóa, vốn không phải là vấn đề lớn với sinh viên có ý định du học trước dịch Covid-19, cũng có thể là mối lo hiện nay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hai năm qua, nhiều trường đại học đã miễn các bài kiểm tra chuẩn hóa như GRE, GMAT, ACT hay SAT...
Tuy nhiên, với quy trình tuyển sinh truyền thống được khôi phục, năm 2023 có thể chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các kỳ thi chuẩn hóa. Ngay lúc này, sinh viên có ý định du học cần gấp rút chuẩn bị các điều kiện về điểm số, chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ.
Dịch chuyển thị trường nguồn
|
Sinh viên thích du học để trải nghiệm môi trường học tập và các nền văn hóa mới.
|
Tiếp tục đánh giá về xu hướng du học năm 2023, thị trường nguồn cung sinh viên quốc tế cũng là vấn đề được quan tâm. Bất kỳ cuộc thảo luận nào về chủ đề này cũng bắt đầu với Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia sở hữu số lượng sinh viên đã, đang và sẽ du học đông đảo nhất. Tuy nhiên, bức tranh trong năm 2023 có nhiều sự thay đổi.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu Ấn Độ sẽ tạo điều kiện cho sinh viên nước này học tập tại nước ngoài trong nhiều năm tới. Do đó, Ấn Độ vẫn là quốc gia có nhiều sinh viên chọn du học.
Ngược lại, dân số thanh niên từ 18 - 23 tuổi tại Trung Quốc đã giảm gần 50 triệu người từ 2010 - 2020 và dự kiến giảm thêm 35 triệu người vào năm 2050.
Chính phủ Trung Quốc cũng tích cực xây dựng giáo dục quốc tế, mang thị phần quan trọng này về trong nước. Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên bản địa, Trung Quốc đang thu hút sinh viên nước ngoài đến du học, nhất là sau khi nước này giảm các chính sách phòng chống Covid-19.
Những thay đổi này có tác động đáng kể lên dòng sinh viên đến các thị trường du học nói tiếng Anh hàng đầu thế giới. Ở Anh hay Mỹ, tình trạng sinh viên Ấn Độ xin cấp thị thực vượt sinh viên Trung Quốc đang diễn ra. Điều này cũng phù hợp với xu hướng châu Á trở thành một khu vực du học mới nổi.
Trong khi du học sinh Trung Quốc có thể giảm qua các năm, thế giới sẽ chào đón khối lượng sinh viên quốc tế dồi dào đến từ Nigeria, Pakistan, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia... Chúng ta sẽ phải làm quen với sự dịch chuyển nguồn cung sinh viên quốc tế trong thời gian tới.
Ngoài ra, phương pháp giảng dạy hay lĩnh vực đào tạo đang được quan tâm hiện nay.
Theo khảo sát của tổ chức giáo dục QS vào đầu năm 2022 trên toàn cầu, cứ 5 sinh viên thì chỉ có một người quan tâm đến việc du học trực tuyến hay từ xa. Điều này nhìn chung phù hợp với nhận định rằng đại dịch không thể mở rộng khả năng tồn tại lâu dài của mô hình học tập trực tuyến hoàn toàn. Lý do là sinh viên không được trải nghiệm học tập trong khuôn viên trường, không được gặp gỡ bạn bè hay trải nghiệm các nền văn hóa trong thời gian học.
Tuy nhiên, phương pháp học tập trực tuyến kết hợp trực tiếp được 65% người quan tâm, ủng hộ với lý do thuận tiện cho việc học tập từ bất kỳ địa điểm nào. Phương pháp này cũng tạo điều kiện cho sinh viên vừa học vừa làm. Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học có thể cân nhắc tăng cường đầu tư cho phương pháp giảng dạy kết hợp để thu hút sinh viên quốc tế.
Bên cạnh đó, theo ông Ankur Dhawan, Chủ tịch tổ chức giáo dục quốc tế UpGrad Abroad, trụ sở tại Ấn Độ, nhu cầu du học STEM sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 bất chấp sự kiện cắt giảm nhân sự CNTT vào cuối năm 2022.
Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng chỉ ra đến năm 2025, thị trường lao động toàn cầu sẽ có 97 triệu công việc mới cho cử nhân công nghệ và STEM trong các ngành công nghiệp và nền kinh tế lớn.
Ông Ankur phân tích, khả năng việc làm và nhập cư cao là hai lý do quan trọng khiến nhiều sinh viên quốc tế chọn các chương trình học STEM. Họ hiểu tiềm năng của các khóa học này và tác động của chúng đối với thế giới. Đây là thời điểm tốt nhất để theo đuổi các lĩnh vực này và chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường việc làm khi thị trường phục hồi sau một hoặc hai năm tới.
Theo GD&TĐ