Các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi học tập là hình thức giúp học sinh, sinh viên có cơ hội sống và học tập ở nước ngoài trong một khoảng thời gian để trải nghiệm văn hóa mới, mở rộng mạng lưới quan hệ quốc tế và cải thiện khả năng ngoại ngữ. Đây được coi là dạng du học ngắn hạn, đang ngày càng phát triển dưới nhiều hình thức và được triển khai bởi các chính phủ, tổ chức hoặc các trường có liên quan.
Các chương trình du học ngắn hạn này đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, nên tính cạnh tranh tương đối cao. Để đăng ký, các bạn cũng phải chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu, trong đó có nhiều thứ tương tự khi nộp hồ sơ xét tuyển du học các bậc học, như bảng điểm, chứng chỉ ngoại ngữ, bài luận, thư giới thiệu của thầy cô...
Để tìm kiếm thông tin về các chương trình này, nguồn đầu tiên bạn cần tra cứu là website của trường. Các đại học có rất nhiều trường đối tác trong và ngoài khu vực. Các chương trình trao đổi sinh viên để học tập và văn hóa cũng sẽ được đăng tải công khai để sinh viên theo dõi và đăng ký.
Một nguồn thông tin hữu hiệu khác là từ các anh chị khóa trên hoặc bạn bè. Hãy quan sát các anh chị năm trước có những cơ hội gì, bạn bè mình đã tham gia những gì để hỏi ý kiến tham khảo khi cần thiết.
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội ngày này cũng là nơi để bạn tìm kiếm các chương trình du học ngắn hạn. Hãy theo dõi trang và tham gia các hội nhóm liên quan đến các chương trình để xem thông tin cập nhật cho sinh viên và thanh niên Việt Nam. Từ đó, bạn có thể chọn lựa những chương trình phù hợp nhất với bản thân.
Ngoài trải nghiệm học tập và sinh sống ở nước ngoài, các chương trình giao lưu văn hóa, trao đổi học tập còn giúp CV của bạn trở nên hấp dẫn hơn với nhà tuyển dụng.
Một số chương trình du học trao đổi toàn phần, rất nổi tiếng và uy tín mà sinh viên 18 đến 25 tuổi có thể tham khảo như:
- Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI): chương trình quan trọng của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm thúc đẩy những mục tiêu chiến lược, thu hẹp các rào cản đối với thế hệ trẻ ở khu vực Đông Nam Á và kết nối họ với Mỹ.
- Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP): chương trình hợp tác giữa chính phủ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và chính phủ Nhật Bản nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu, hữu nghị giữa thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản.
- Chương trình JENESYS (Japan-East Asia Network of Exchange for Students and Youths): chương trình trao đổi học sinh, sinh viên được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản. Hàng năm, chính phủ Nhật sẽ mời hơn 2.000 học sinh nước ngoài (trong đó có Việt Nam) sang Nhật để tham quan và học tập trong khoảng 10 ngày.
- Erasmus+: chương trình của EU nhằm hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và thể thao cho giới trẻ ở châu Âu. Để du học với Erasmus +, bạn phải được nhập học chương trình cấp bằng đại học được công nhận tại một trường đại học có tham gia Chương trình Erasmus+. Chương trình ở trường đối tác phải phù hợp với nhu cầu học tập và phát triển cá nhân liên quan đến bằng cấp của bạn và là một phần của chương trình học mà bạn đang theo.
Mình cũng đã tham gia một số chương trình du học trao đổi văn hóa, như chương trình trao đổi ba tuần tại Đại học Gadjah Mada, Indonesia khi còn là sinh viên Đại học Lâm nghiệp. Những trải nghiệm ấy giúp mình mở rộng hơn các mối quan hệ xã hội, trải nghiệm nhiều hơn môi trường sinh sống và học tập ở nước ngoài. Và hơn hết, nó giúp mình cởi mở, hòa đồng và dễ thích nghi khi bước vào hành trình du học bậc thạc sĩ ở Đức và Đan Mạch.
Những người bạn của mình cũng đã thay đổi rất nhiều sau các chương trình giao lưu. Trở về nước sau thời gian ở Mỹ theo chương trình YSEALI, một người bạn của mình hoạt ngôn, tự tin hơn trong trình bày và diễn đạt bằng tiếng Anh. Cậu cũng sôi nổi và rất tích cực trong việc tạo ra các hoạt động giúp kết nối các thành viên trong lớp. Đặc biệt, chuyến đi Mỹ đó cũng giúp cậu làm quen một giáo sư, người đã viết thư giới thiệu cậu cho một chương trình học bổng thạc sĩ ở Canada.
Theo vnexpress