Ngọc Hoa, cô gái Hải Phòng giành 4 học bổng ĐH Mỹ khóa học 2016-2020.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng, khi là nữ sinh trường cấp 3 Chuyên Trần Phú, Ngọc Hoa đã chủ động tìm tòi các các chương trình du học từ anh chị, bạn bè đang học tập tại nước ngoài.

Câu chuyện phía sau sự thành lập UWC (United World College – hệ thống các trường liên kết thế giới) – môi trường giáo dục vì hòa bình, tạo “nguồn lực để đoàn kết con người, các dân tộc, văn hóa cho hòa bình và tương lai bền vững” đã truyền cho em nhiều sự tò mò, ấn tượng. Sau quá trình nộp đơn và được tuyển, giữa hai lựa chọn UWC tại Swaziland và Ấn Độ, cô gái Việt quyết định đến Ấn Độ theo học tại Mahindra UWC.

Ở đất nước còn nhiều bỡ ngỡ này, không chỉ những bài giảng, những hoạt động ngoại khóa mà ngay cả những hoạt động thường nhật cũng khiến Hoa rất trân trọng. Môi trường hội tụ các học sinh từ nhiều quốc gia, sắc tộc trên thế giới lại luôn sẵn sàng chia sẻ, đặt câu hỏi bất kì lúc nào giúp Hoa luôn háo hức khám phá điều mới lạ. Những cuộc nói chuyện này có thể xảy ra bất kì đâu: trên xe jeep đi làm hoạt động ngoại khóa, trước cửa thư viện, trên bàn ăn hay trong góc phòng của mỗi người…

“Đó là những cơ hội để em được lắng nghe, chia sẻ, học hỏi, mở mang điều mới và hiểu thêm về một người, về thế giới. Mỗi người đều có những điều thật hay. Nếu nói rằng mỗi điều xảy ra là một dấu chấm, tạo nên một chuỗi liên kết trong cuộc sống của một người, thì em muốn, yêu thích đi ngược lại quan sát những dấu chấm ấy đã tạo nên người xung quanh mình như thế nào”, Hoa chia sẻ.

Hoa (áo xanh) trong chương trình “Nụ cười trang sách”.

Tới thời điểm hiện tại, cô gái Việt được 4 đại học Mỹ chào đón, gồm: Bentley University, Clark University, University of Rochester và Lehigh University. Trị giá học bổng và hỗ trợ tài chính các trường cấp dao động từ 30.000 - 40.000 USD/ năm. Ngọc Hoa dự định sẽ theo đuổi ngành Khoa học máy tính và Kinh doanh tại ĐH Lehigh.

Trong tương lai, cô gái trẻ muốn học hỏi kiến thức, kĩ năng về lĩnh vực em yêu thích cũng như tận dụng các cơ hội, thử thách phù hợp với mình để nâng cao kĩ năng; đồng thời dành nhiều thời gian hơn để tiếp tục chơi nhạc cụ, tập vẽ hoặc học múa Đương đại.

Nhìn lại quá trình đăng ký vào các ĐH Mỹ, nữ sinh Việt cho rằng, đó là một chặng đường khiến học sinh phải đặt câu hỏi và chọn ra điều mình muốn miêu tả ở trong bài luận.

“Ban đầu, điều này khiến cho em đau đầu vì tự hỏi sao bức tranh một người lại có thể bộc lộ hết được trong một bài luận nhỉ? Dần dần thì em cũng phải làm quen và chấp nhận rằng bài luận nhỏ bé này chỉ có thể chứa được một hay vài điều thôi.

Điều em muốn ghi nhớ nhất sau quá trình này chính là: Việc một người đi học ở đâu cho bậc đại học chắc chắn không phản ảnh được sự thú vị, phẩm chất hay toàn bộ năng lực của người đó”, Ngọc Hoa tâm sự.

Vì vậy, cô gái đất Cảng luôn muốn nhắc mình rằng không dựa vào thông tin về trường đại học của bất kì ai để bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu bức tranh về con người phía sau họ, dù rằng chúng ta hay có thói quen “xử lí thông tin nhanh” trong một thế giới có rất nhiều thông tin này.

Ngọc Hoa trong chuyến đi xuyên Việt cùng IM Venture tháng 7/2015.

Theo Dân trí