Những ngày qua, cộng đồng du học ở Việt Nam xôn xao thông tin ít nhất 8 cơ sở giáo dục ĐH tại Úc, gồm ĐH Tây Úc, Macquarie, Wollongong, Latrobe, Deakin, Central Queensland, Edith Cowan và Trường Kinh doanh Kaplan (KBS), rút thư mời nhập học (Confirmation of Enrolment) hay yêu cầu công ty tư vấn du học hoặc du học sinh tự rút đơn nhập học vì tin rằng ứng viên khó có khả năng đậu thị thực.
|
|
Sinh viên quốc tế theo học tại Trường Kinh doanh Kaplan (KBS), một trong những đơn vị đang vướng tin đồn không chính xác về việc rút thư mời nhập học của người Việt |
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ đậu thị thực du học Úc giảm kỷ lục trong nửa cuối năm 2023, ở mức 81,2% và thấp nhất trong 15 năm qua, theo dữ liệu do Bộ Nội vụ Úc công bố hôm 24.1. Và nếu càng nhiều sinh viên quốc tế trượt thị thực sau khi đã được cấp thư mời nhập học, đánh giá rủi ro của trường trong hệ thống đơn giản hóa thị thực du học (SSVF, ra mắt từ năm 2016) càng có nguy cơ bị xếp hạng thấp.
Vì thế, nguyên nhân các ĐH Úc quyết định rút thư mời nhập học được cho là nhằm giữ thứ hạng tốt, giúp tăng lợi thế cạnh tranh tuyển sinh nhờ các hỗ trợ đặc biệt như ưu tiên xét duyệt thị thực du học hay miễn chứng minh trình độ tiếng Anh cho ứng viên nếu trường nằm ở nhóm rủi ro thấp (mức độ 1).
Tuy nhiên, điều này cũng gây hoang mang cho nhiều phụ huynh, học sinh Việt Nam đang có ý định du học Úc trong thời điểm hiện tại. Nhiều người thắc mắc, liệu động thái rút thư mời nhập học của các trường có ảnh hưởng đến du học sinh Việt Nam hay không?
Đại diện 2 trong số 8 cơ sở giáo dục nêu trên là KBS và ĐH Edith Cowan đã xác nhận thông tin với Báo Thanh Niên về vấn đề này.
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, chị Vanessa Chrysostomou, Giám đốc tuyển sinh KBS khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, nói rằng việc rút thư mời nhập học là có thật, nhưng chỉ áp dụng tại Pakistan, Nigeria là những thị trường có tỷ lệ đậu thị thực du học giảm sâu. Chẳng hạn, theo dữ liệu từ một công ty tư vấn du học đa quốc gia, tỷ lệ đậu thị thực du học của sinh viên Pakistan giảm từ 64% xuống 30%, Nigeria từ 71% xuống 29%.
"Việt Nam là thị trường có rủi ro thấp và KBS không có kế hoạch rút lại thư mời nhập học đã xuất cho sinh viên Việt Nam trong thời điểm này", chị Vanessa khẳng định và cho biết thêm KBS vẫn đang nhận hồ sơ vào chương trình tiếng Anh, cử nhân và thạc sĩ trong năm 2024 từ du học sinh Việt và những ai có thành tích học tập, lịch sử di trú tốt vẫn có khả năng đậu thị thực du học rất cao.
|
|
Đi cùng các quy định siết thị thực du học từ chính phủ, một số ĐH Úc cũng dự kiến thắt chặt quy định tuyển sinh trong thời gian tới |
Cũng theo chị Vanessa, KBS sẽ xem xét thắt chặt quy định tuyển sinh với thị trường Việt Nam để nâng tỷ lệ đậu thị thực du học, dự kiến vào đầu tháng 3.2024. Một số thắt chặt bao gồm hạn chế nhận du học sinh Việt từ các tỉnh thành rủi ro; có thời gian dài không học tập và làm việc; có trình độ tiếng Anh IELTS thấp hơn 5,0; hoặc từng bị các nước lớn từ chối thị thực. "Bên cạnh đó, trường cũng có chính sách ưu tiên cho những hồ sơ đẹp. Tôi tin các trường khác cũng có động thái tương tự", chị Vanessa nhận định.
Bà Hayley Nguyen, Giám đốc tuyển sinh ĐH Edith Cowan tại Việt Nam và Campuchia, cũng nhận định vào thời điểm này, du học sinh Việt có thể yên tâm nộp đơn ứng tuyển và nhận thư mời nhập học như bình thường nếu đáp ứng các tiêu chí tuyển sinh. "Nhà trường đang cập nhật và hỗ trợ sát sao cho sinh viên quốc tế trong những vấn đề liên quan đến thư mời nhập học", bà Hayley thông tin.
Cũng theo bà Hayley, kết quả thị thực năm 2024 "có hơi chậm" so với mọi khi. Do đó, trường đồng ý cho du học sinh Việt nhập học muộn (late arrival), trước ngày 1.3. "Sau ngày này, trường sẽ khuyến khích các bạn dời sang học kỳ tiếp theo. Khi đó, trường sẽ rút lại thư mời nhập học cho kỳ hiện tại theo các chính sách liên quan đến việc nhập học và thị thực", đại diện tuyển sinh ĐH Edith Cowan lý giải.
Bà Hayley cho biết thêm, trường đang dành học bổng 20% học phí không giới hạn số lượng cho sinh viên nhập học bậc cử nhân trong năm 2024, áp dụng cho toàn khóa học. Cũng với đối tượng tân sinh viên ở chương trình thạc sĩ, học bổng 20% học phí sẽ áp dụng cho 12 tháng đầu.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, có 768.113 sinh viên quốc tế theo học các khóa tại Úc tính đến tháng 10.2023. Trong đó, Việt Nam có hơn 31.000 du học sinh, xếp thứ 6 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines. Để sinh sống tại Úc trong thời điểm hiện tại, Bộ Nội vụ Úc khuyên sinh viên quốc tế đảm bảo tài chính ở mức khoảng 25.000 USD (600 triệu đồng) mỗi năm.
Theo Thanh niên