Một toà nhà có kiến trúc độc đáo của Đại học Công nghệ Sydney. Ảnh: Sydney Festival

Từ năm 2020, Đại học Công nghệ Sydney (Australia) cộng thêm 10 điểm khi xét tuyển nữ sinh vào ngành Kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Quản lý xây dựng.

Số điểm này được cộng thêm vào thang điểm ATAR - thước đo thứ hạng giữa học sinh thi tốt nghiệp THPT tại Australia (CNN gọi là bài thi SAT phiên bản Australia). Thang điểm này mang tính quyết định liệu thí sinh có trúng tuyển vào đại học đã đăng ký hay không.

Các quản trị viên của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) cho biết chính sách ưu tiên đầu vào đối với nữ sinh nhằm giải quyết vấn đề mất cân đối giữa nam và nữ ở một số ngành vốn dĩ có nhiều nam giới theo học. Thực tế, ở Australia, nữ sinh chiếm 58% tổng sinh viên. Tuy nhiên, chỉ 28% sinh viên các ngành Kỹ thuật, Công nghệ thông tin là nữ. Ở ngành Xây dựng, tỷ lệ này chỉ là 11%.

Đại học Công nghệ Sydney khẳng định sự điều chỉnh này chỉ nhằm khuyến khích nữ sinh đăng ký vào một số ngành cụ thể chứ không có tác dụng làm giảm yêu cầu trong quá trình học. Tất cả sinh viên vẫn phải đáp ứng điều kiện giống nhau để được cấp bằng, như kết quả các bài thi, thực hành hay thực tập.

Dù vậy, chính sách này vẫn gây ra một cuộc tranh cãi. Jessica Massih, sinh viên năm thứ 5 ngành Kỹ thuật Xây dựng và Môi trường ủng hộ chính sách của trường. "Trúng tuyển chỉ là bước đầu. Một khi đã trở thành sinh viên, các bạn phải hoàn thành môn học, bài tập và làm việc chăm chỉ như nhau để đạt điểm cao và được trao nhiều cơ hội", Jessica nói.

Trong khi đó, một số người lại cho rằng điều chỉnh này cho thấy sự phân biệt đối xử trong trường học.

Đại học Công nghệ Sydney cho hay ý tưởng đã được Ủy ban chống phân biệt đối xử của tiểu bang New South Wales - nơi đặt trụ sở trường, thông qua vì giúp "giải quyết vấn đề mất cân bằng giới trong quá khứ và hiện tại".

Đại học Công nghệ Sydney không phải trường duy nhất ở Australia điều chỉnh điểm xếp hạng khi tuyển sinh nhằm đảm bảo sự cân đối trong thành phần sinh viên. Một số trường khác từng có chính sách tương tự nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan đến tôn giáo và đa dạng sắc tộc.

Theo vnexpress