Nhà văn Bùi Ngọc Phúc còn có bút danh quen thuộc là Penci Black được độc giả biết tới với những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống đời thường như: "Miếu thành hoàng", "Những hẻm phố Sài Gòn", "Hồn quê trong phố",... Ngoài mảng truyện ngắn, anh Bùi Ngọc Phúc còn là tác giả của nhiều bài viết rất hay và tâm huyết về lĩnh vực giáo dục. Cuốn sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" (xuất bản năm 2019) của anh và đồng tác giả Nguyễn Thị Thanh Hải từng được phụ huynh đón nhận nồng nhiệt.
Mới đây, tác giả Bùi Ngọc Phúc đã có những dòng chia sẻ vô cùng thiết thực về vấn đề đi du học, nhận nhiều phụ huynh đồng tình.
Hiện nay phong trào du học tăng cao, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn phát triển mạnh ở các tỉnh thành trong cả nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng đó, nhiều công ty tư vấn du học đã tổ chức các buổi hội thảo du học với sự tham gia của thành viên ban tuyển sinh đến từ các trường đại học Mỹ, Anh, Úc, Canada.
Đây là cơ hội để nhiều bạn trẻ thực hiện ước mơ của mình, cũng như đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình. Tuy nhiên ước mơ du học là quyền của mỗi học sinh, chạm được đến ước mơ đó, rồi biến nó thành hiện thức là cả một quá trình chuẩn bị của phụ huynh và học sinh. Con đường du học không phải lúc nào cũng bằng phẳng và toàn màu hồng, nếu không như vậy, tôi tin chắc lượng du học sinh Việt Nam xách valy đi du học sẽ đông vô cùng.
Bỏ qua những hình ảnh hào nhoáng thường thấy trên các tờ poster về du học sinh Việt Nam, phụ huynh và các con nên suy nghĩ kĩ về các tình huống sau:
Du học theo trào lưu:
Nhiều con với học lực không thật sự giỏi, nhưng thấy các bạn trong lớp rục rịch chuẩn bị hồ sơ apply du học, con cũng quyết đi du học dù chưa hình dung hết được những khó khăn trước mắt cũng như bản thân chưa trang bị đủ các kĩ năng mềm. Các con tích cực tham gia các buổi phỏng vấn, đôi khi do nỗ lực nên con đã được trao một gói học bổng nhỏ. Vậy là đã chạm tay được vào ước mơ du học, dù điều kiện tài chính của gia đình khá eo hẹp, nên không thể đáp ứng được nguyện vọng đó. Từ đây mâu thuẫn giữa con và gia đình bùng phát, có con đã bày tỏ sự bất mãn bằng việc buông lơi sự học hành, khiến phụ huynh thêm một lần đau đầu.
Không riêng gì các con, nhiều phụ huynh cũng muốn con mình đi du học, chỉ với một lí do rất đơn giản: Con của nhiều đồng nghiệp, con của bạn bè đi du học nên con mình không việc gì phải học trong nước.
Vấn đề tài chính:
Nhiều phụ huynh và con hiểu một cách đơn giản, đi du học sẽ kiếm được việc làm thêm, số tiền đó đủ trang trải cho cuộc sống, thậm chí còn có thể đi du lịch nhiều nơi. Đây chính là một trong những nguyên nhân số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc bỏ học đi làm thêm quá số giờ quy định, nên nhà trường phải cho thôi học.
Tình trạng bấp bênh về tài chính đối với du học sinh Việt Nam tại Úc hay Canada hay Anh quốc không hiếm. Hiện nay nhiều nước bắt đầu quản lý chặt việc cấp visa cho du học sinh đến từ Việt Nam, nguyên nhân bắt nguồn từ những sự việc nêu trên.
Vậy làm thế nào để phụ huynh chắp cánh ước mơ du học cho con, nhưng không quá bị gánh nặng về tài chính gây áp lực, xin được chia sẻ cũng phụ huynh một vài điều thiết yếu nhất.
Con phải có quyết tâm cao:
Du học không phải là ý thích nhất thời mang tính bột phát, nếu con có học lực khá giỏi và ước mơ du học. Ngay từ bậc THCS, phụ huynh hãy đồng hành cùng con, bên cạnh việc học tiếng Anh một cách bài bản, con cần được trang bị thêm các kỹ năng mềm phục vụ cho cuộc sống xa nhà sau này. Biết chơi một môn thê thao, chơi được một loại nhạc cụ, thậm chí nấu ăn ngon cũng góp phần làm con tự tin hơn nơi xứ người.
Các kỹ năng này sẽ dần hoàn thiện cùng với các hoạt động xã hội, cùng với đó việc các con bắt đầu tìm hiểu dần về các quốc gia nơi mình sẽ apply để du học là cần thiết. Chính những buổi tham dự hội thảo là cơ hội tốt, ở đó con được gặp gỡ các anh chị du học sinh, những thắc mắc của con sẽ được giải đáp chu đáo.
Việc gặp trực tiếp các nhà tuyển sinh, cũng là dịp để con hoàn thiện hồ sơ và có chiến lược săn học bổng tại các trường một cách có hiệu quả.
Phụ huynh phải nắm vững thông tin:
Con định học ngành gì, apply tại quốc gia nào, việc này để giúp con định hướng tốt hơn. Đôi khi apply một trường TOP giữa giành được học bổng cao, việc du học sẽ khả thi hơn là apply những trường TOP đầu không có học bổng hoặc được quá ít. Nguyên tắc không "bỏ trứng chung một giỏ" được áp dụng trong việc này. Phụ huynh nên khuyến khích con mình appy ở các quốc gia khác nhau. Khi có nhiều sự lựa chọn, phụ huynh cùng con sẽ tìm được một nơi phù hợp nhất với con cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.
Thông thường các trường sẽ có những mức học bổng hỗ trợ học phí ở các mức: 100%, 80%, 50% và 30%, tương ứng với các mức đó sẽ là các khoản chi phí cho sinh hoạt cùng nhiều khoản phát sinh khác. Kể cả con bạn được mức 100% học bổng hỗ trợ tài chính, việc phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ là điều đương nhiên, trong thuật ngữ đầu tư tài chính gọi là "vốn đối ứng".
Phụ huynh hãy xác định, nếu con có đi làm thêm khi du học, cũng chỉ là rèn luyện kỹ năng làm việc và giao tiếp với người bản xứ. Khoản thu nhập đó cũng chỉ giúp con trân trọng giá trị của đồng tiền, nhưng việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đôi khi việc lùi một bước cũng là cần thiết, nếu con bạn chưa giành được mức học bổng cao, hãy để con đăng kí học đại học trong nước. Hầu hết các trường đại học cũng có nhiều chương trình liên kết du học, nhiều con đã giành được học bổng cao đi du học khi là sinh viên năm thứ nhất.
Muốn con mình đạt kết quả tốt nhất trong học tập, trước khi con xách valy lên máy bay, bài toán về tài chính cho bốn năm du học phải được phụ huynh cùng con mình trao đổi và tìm được lời giải trước đã. Việc này không có ai tìm lời giải hộ được.
Thanh Hương