Hải Linh đang là sinh viên năm 2 ngành Khoa học máy tính tại ĐH Rice, Mỹ.

Cựu học sinh trường Ams này là một cô gái rất yêu nghệ thuật. Hầu hết các dự án mà Hải Linh đã tham gia đều thuộc mảng này: đi thi các cuộc thi hát, biểu diễn tại các quán cà phê, tổ chức các buổi hòa nhạc từ thiện, quay những video clip ca nhạc hay tổ chức các buổi nhạc kịch. Khả năng nghệ thuật, vẻ ngoài xinh xắn và sự tự tin đã giúp Hoàng Hải Linh đăng quang quán quân Ams’ Got Talent mùa 6 cùng Glee Ams.

Cô nàng Phó chủ tịch Câu lạc bộ âm nhạc Glee Ams từng là tổng đạo diễn và kịch bản dự án nhạc kịch G’lams 2014: Emily. Đây là vở nhạc kịch được tổ chức bởi Thôn nghệ thuật của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, bao gồm 4 CLB Glee Ams, Cheer Ams, Ams Photography Club và CLB thời trang Lamode. Vở nhạc kịch được công diễn vào tháng 8/2014 tại trung tâm văn hóa Pháp L’espace, nhận được nhiều lời tán thưởng.

Giành học bổng 226.000 USD cho 4 năm tại ĐH Rice nước Mỹ sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hải Linh chọn theo đuổi chuyên ngành Khoa học máy tính (top 3 ngành mạnh nhất của trường ĐH Rice).

Đối với em điểm đặc biệt nhất về mô hình giáo dục ở Mỹ là việc học hoàn toàn không hề khó, nhưng cần một sự chuyên cần vô cùng.

Linh lý giải: “Các môn học ở Mỹ không đánh đố người học, nhưng rất cần một sự tập trung và nghiêm túc trong việc học thì mới có thể được điểm cao, nên có thể nói càng học các lớp nâng cao thì việc học đối phó là hoàn toàn không thể xảy ra, bởi nếu không học thật, kiến thức thật thì khó lòng được điểm cao”.

Với Linh, du học Mỹ là “chuyển từ nơi mà mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ từ A đến Z, sang một môi trường mà không biết nhờ tới sự giúp đỡ từ ai cả. Tất cả đều phải tự lực...”.

Năm đầu đại học, nữ sinh Việt hơi lo ngại mình sẽ không thể quản lí thời gian tốt nên hạn chế chưa đăng kí tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều. Ngoài giờ học thì em có đi làm thêm và sinh hoạt cùng hội các sinh viên Việt Nam tại Rice, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa trong các ngày lễ, tết như Trung thu, Tết Nguyên Đán,...

Bí quyết để hòa nhập của Hải Linh là đừng đặt hi vọng quá cao cho bất kì việc gì hết. “Nhiều bạn sang Mỹ có vẽ một viễn cảnh rất hoàn hảo về cuộc sống của mình như là phải có thật nhiều bạn thân, phải tham gia thật nhiều hoạt động lí thú.

Tuy nhiên, việc chuyển tiếp tới một môi trường mới rất là khó khăn và nhiều khi không diễn ra theo tưởng tượng; càng kì vọng quá nhiều thì sẽ càng dễ thất vọng. Bởi vậy em đặt những mục tiêu nho nhỏ thôi, và phấn đấu dần dần cho những cái lớn hơn để không bị thất vọng.

Các bạn ở Mỹ rất thân thiện và vui vẻ nên em không gặp khó khăn gì lớn trong việc hòa đồng. Dù nhiều lúc em rất nhớ nhà nhưng cộng đồng các bạn Việt Nam ở Rice đã giúp đỡ em rất nhiều”, Hải Linh chia sẻ.

Cuộc sống tự lập khiến Linh phải lên kế hoạch giờ nào học, giờ nào chơi. Chuẩn bị bài tập và đi ngủ lúc mấy giờ để đảm bảo rằng ngày mai có thể tự dậy sớm được.

Hải Linh nhận mình là người có nhiều ước mơ, mà mỗi ước mơ đều không liên quan tới nhau lắm: “Đầu tiên là em ước mơ sau này có thể mang văn hóa nhạc kịch về với đất nước Việt Nam.

Nhưng vì em đang theo học ngành Computer Science, em cũng có một ước mơ là sau này có thể làm việc cho một công ty game và sáng tạo ra một trò chơi được yêu thích và hâm mộ rộng rãi”.

Vừa trở thành sinh viên năm 2, trước mắt Linh dự định cố gắng hoàn thành thật tốt việc học trước khi chuẩn bị những bước tiếp theo của cuộc đời mình.

Theo Linh, các môn học ở Mỹ không đánh đố người học, nhưng rất cần một sự tập trung và nghiêm túc trong việc học thì mới có thể được điểm cao.

Sau một năm học ở Mỹ, Linh nhận ra mỗi việc mình làm sẽ phải tự chịu hậu quả của nó và một ngày tồi tệ hay tốt đẹp đều do chính bản thân tạo ra.

Theo Dân trí