Diễn giả Vũ Đức Giang (Phó chủ tịch Hội cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp &
Mạng lưới Khởi nghiệp Cựu du học sinh Việt tại Pháp.

Quản lý và kinh tế là ngành học hấp dẫn cho các du học sinh Việt chọn điểm đến là Pháp. Vậy ngành này có những chương trình học như thế nào? Kinh nghiệm chọn trường ra sao? Và phương pháp học nào sẽ đạt hiệu quả cao nhất? Tất cả những điều đó đã được các diễn giả giàu kinh nghiệm chia sẻ trong hội thảo Du học Pháp chuyên ngành kinh tế và quản lý diễn tại Hà Nội mới đây.

Kinh nghiệm chọn trường

Pháp có rất nhiều các trường đại học đào tạo ngành kinh tế và quản lý, gồm cả các trường công lập và dân lập được phân bố rộng khắp trên tất cả các tỉnh thành. Không những thế, Pháp được xếp là một trong những nước có có mức chi phí thấp nhất trên thế giới bởi Chính phủ đầu tư rất nhiều vào nền giáo dục.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kinh tế để theo học tại một trường dân lập, trong khi đó các trường đại học công lập ở Pháp thì điều kiện vào lại không hề dễ dàng.

Nếu ghi danh vào một trường công lập thì thường sinh viên sẽ được chính phủ hỗ trợ 14.000 euros/năm. Do đó, học phí sẽ vào khoảng 150 – 400 euros/năm. Còn nếu theo học đào tạo tại các trường tư thì học phí sẽ vào khoảng 6.000 – 25.000 euros/năm phụ thuộc từng trường và từng ngành khác nhau.

Như vậy, việc sinh viên lựa chọn một trường ngành kinh tế và quản lý tại Pháp thì đầu tiên cần phải tìm hiểu kỹ về những chính sách hỗ trợ, các thông tin về học phí để có thể lựa chọn được trường phù hợp nhất với điều kiện của mình.

Những bạn trẻ đang có dự định theo học các chương trình đào tạo tại Pháp hẳn không khỏi băn khoăn giữa việc lựa chọn trường ở thành phố hay ở tỉnh. Với kinh nghiệm của một du học sinh đã từng học ở cả hai nơi, anh Đức Giang chia sẻ: “Các chương trình đào tạo của Pháp là đồng đều và học ở thành phố hay ở tình thì mỗi nơi đều có những ưu điểm riêng.

Ở các thành phố, trường học có thể danh tiếng hơn, sinh viên cũng có nhiều cơ hội hơn và có cuộc sống năng động hơn nhưng cũng sẽ vất vả hơn và vô cùng áp lực. Còn với các trường học ở tỉnh, sẽ có ít cơ hội việc làm hơn ở thành phố nhưng bên cạnh đó cuộc sống ở đây sẽ là điều kiện lý tưởng cho việc nghiên cứu và học tập. Tuy nhiên, học ở đâu còn phụ thuộc vào sở thích và mục đích của mỗi người”.

Để giúp các bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất, Anh Giang đã chia sẻ thêm một lưu ý nhỏ trong việc chọn trường đó là: “Chúng ta phải tìm hiểu thông tin về ngành học của mình ở trường đó như thế nào. Tìm hiểu thêm thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng các trường đào tạo của Pháp hoặc có thể tham khảo ý kiến của những người đi trước để xem ngôi trường mà mình định theo học có thực sự uy tín hay không”.

Chương trình học ở bậc cử nhân và cao học

Pháp có hai hệ đào tạo chính theo lộ trình ngắn hạn và dài hạn. Hệ đào tạo ngắn hạn thường chỉ kéo dài trong 2 năm gồm có BTS và DUT. Trong đó, BTS là chương trình đào tạo trung cấp kỹ thuật; DUT là chương trình đào tạo cao đẳng kỹ thuật.

Đối với hệ đào tạo dài hạn, Pháp có hai hệ thống đào tạo là trường đại học và trường chuyên ngành ("trường lớn"). Ở “đất nước hình lục lăng”, các chuyên ngành đào tạo được chia làm 3 cấp độ: bằng cử nhân học theo chương trình đào tạo Licence trong 3 năm, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.

Các trường chuyên ngành (chương trình đào tạo Grandes Ecoles) được tuyển chọn rất khắt khe qua các kì thi và kéo dài trong 5 năm (bao gồm 2 năm học dự bị và 3 năm học trong các trường lớn). Tuy nhiên hệ thống giáo dục của Pháp rất linh hoạt và trong quá trình học tập sinh viên có thể chuyển đổi để lựa chọn lộ trình cho phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Theo nữ diễn giả Mỹ Linh (Tốt nghiệp Đại học Montpellier, Pháp), chương trình ở bậc cử nhân kéo dài trong 3 năm.

“Hai năm đầu, sinh viên sẽ được tiếp cận với những kiến thức chung về kinh tế hay còn gọi là các môn cơ sở ngành, các môn học đại cương. Hầu hết các chương trình đại học sẽ không có sự khác biệt nhiều trong 2 năm này và kiến thức toán học trong 2 năm đầu cũng chưa quá khó đối với sinh viên Việt Nam. Sang đến năm thứ 3, sinh viên sẽ được lựa chọn học các môn chuyên ngành sâu hơn về lĩnh vực mà mình mong muốn như kế toán, tài chính, quản lý,…”

Đối với chương trình học ở bậc cao học (master) sẽ kéo dài trong 2 năm gồm Master 1 và Master 2. Diễn giả Vũ Đức Giang – cựu du học sinh bậc thạc sĩ tại Pháp và hiện là cố vấn thương mại & đầu tư tại Đại sứ quán Cộng hòa Haiti chia sẻ: “Master 1 hầu hết là những môn cơ sở và sinh viên có thể tự do lựa chọn môn học mà mình ưa thích. Sang đến năm thứ hai, các môn học sẽ đi sâu vào chuyên ngành hơn, số lượng môn rất ít nên sinh viên sẽ chỉ nên chọn những môn tập trung vào chuyên ngành chính của mình”.

Bên cạnh đó, Pháp có khoảng hơn 1300 chương trình dạy bằng tiếng Anh. Trong đó có một số chương trình được nhà nước tài trợ học phí nhưng chủ yếu là ở bậc thạc sĩ. Còn các chương trình dạy bằng tiếng Anh ở bậc cử nhân thì chưa được nhà nước hỗ trợ nên học phí khá cao.

Ghi chép từ khóa quan trọng thay vì ghi âm bài giảng

Trong buổi hội thảo, các anh chị cựu du học sinh đã đưa ra một số phương pháp học tập hiệu quả cho sinh viên du học đối với ngành kinh tế, quản lý nói riêng và với tất cả các ngành khác nói chung bằng chính kinh nghiệm của mình.

Đối với những du học sinh mới, rào cản lớn nhất chính là ngôn ngữ dẫn đến việc nghe giảng không hiểu. Với kinh nghiệm của một sinh viên từng đối mặt với “cú sốc” đó, bạn Mỹ Linh đã chia sẻ: “Chúng ta nên ghi chép lại những từ khóa quan trọng mà chúng ta nghe được thay vì ghi âm. Bởi khi nghe lại đoạn ghi âm đó cũng sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian như thế mà hiệu quả lại không đem lại được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, mỗi bài học sẽ có một khối lượng kiến thức rất nhiều. Do đó, để ghi nhớ và nắm chắc, chúng ta nên tổng kết lại những ý chính quan trọng sau mỗi bài theo một cách logic nhất”.

Trong các chương trình học tại Pháp cả ở bậc cử nhân hay thạc sĩ, các lớp học hầu hết đều không có trợ giảng. Vậy phải làm sao khi gặp khó khăn với bài tập? “Cách tốt nhất là phải chủ động hỏi, có thể hỏi các anh chị khóa trên, bạn bè cùng lớp và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy mình. Giảng viên bên Pháp luôn luôn cởi mở và nhiệt tình với sinh viên, giúp đỡ các bạn giải đáp các vấn đề chưa tỏ và không hề có sự phân biệt…

Hơn nữa kiến thức là vô tận, chính vì thế chỉ học tập trên trường thôi là chưa đủ, cần phải linh hoạt hơn, năng động hơn để trau dồi những kiến thức tổng hợp, những kỹ năng mềm cần thiết cho bản thân”, chị Bá Linh (phụ trách mạng lưới cựu du học sinh tại Đại sứ quán Pháp) đưa ra lời khuyên.

Như vậy, năm học đầu tiên luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với du học sinh khi vừa phải làm quen với cuộc sống ở một đất nước lạ lại vừa phải đối mặt với sự hạn chế về ngôn ngữ và chương trình học mới. Tuy nhiên, mọi khó khăn đều có thể vượt qua chỉ cần chúng ta có lòng quyết tâm và luôn kiên định với mục tiêu của mình.

Theo Dân trí