Từ trải nghiệm của một số du học sinh làm thêm ở nước ngoài, có thể thấy rất nhiều điều cần chú ý bên cạnh những lợi ích của việc làm thêm. Sinh viên mải mê làm việc dễ bỏ bê học hành, hoặc làm những việc nặng nhọc nguy hại đến sức khỏe, thậm chí bị... gạ tình.

Sinh viên làm thêm khi học tập tại nước ngoài. Ảnh minh họa.

Tìm hiểu kỹ, chọn việc phù hợp

Từng trải qua 8 công việc khác nhau tại Pháp, Võ Túc Ngân (Đại học Paris X) cho rằng, làm thêm là trải nghiệm rất thú vị của quãng đời du học sinh. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực khi mải mê làm việc đến mức quên học.

Cân bằng được học tập - làm thêm sẽ giúp bạn năng động hơn, xử lý được nhiều tình huống trong cuộc sống. Đó cũng là kỹ năng mềm mà sinh viên cần có. Kinh nghiệm của nữ sinh này là chọn những việc thực sự phù hợp sở thích và khả năng của bản thân.

"Chọn trông trẻ và dạy học nếu yêu trẻ con, làm nhân viên bán hàng khi thích giao tiếp với khách, tăng vốn từ vựng... Đặc biệt, bạn cần biết tổ chức thời gian, vì với sinh viên, học tập vẫn là mối quan tâm hàng đầu", Túc Ngân chia sẻ.

Cũng từng trải qua những rắc rối về chuyện tiền lương, nữ sinh cho rằng, đây là câu chuyện cần sòng phẳng. Cô luôn bình tĩnh nhưng cũng giải quyết đến cùng.

Với trường hợp bị ông chủ gạ tình hay quấy rối, Túc Ngân nêu quan điểm, sinh viên chỉ gặp phải chuyện đó nếu đồng ý làm việc với người mà họ cảm thấy có vấn đề. "Trước khi nhận việc, bạn phải tiếp xúc và cân nhắc kỹ về người làm cùng", nữ sinh khuyên.

Phan Hoàng Hà, sinh viên Đại học Goethe Frankfurt, Đức, cũng  từng trải qua nhiều việc làm thêm khi du học như bồi bàn, bán quần áo, làm việc tại hội chợ, mở phòng thu âm... Hoàng Hà lưu ý: "Các bạn trẻ nên chọn công việc phù hợp sở thích để giảm áp lực và gắn bó lâu dài".

Nam sinh chia việc làm thêm thành 2 loại, gồm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và làm việc trong im lặng. Công việc tiếp xúc khách hàng sẽ phù hợp với người có khả năng giao tiếp, biết nhiều ngoại ngữ và ngoại hình là một ưu thế. Công việc thường có là gia sư, phiên dịch, phục vụ quán ăn, làm ở hội chợ...

Việc làm trong im lặng thường vất vả và có phần chán hơn, vì chỉ làm theo chu trình có sẵn, không cần tương tác nhiều với ai. Công việc thường có là làm bếp, rửa chén, lau dọn, xếp quần áo...

Cân đối thời gian học và làm

Theo chia sẻ của du học sinh, một số nước quy định người có visa sinh viên không được làm quá 120 ngày (full time), và 240 ngày (part time). Trung bình một tuần, các bạn chỉ có thể làm tối đa 20 tiếng.

Du học sinh nên xếp lịch học của mình trước, rồi theo đó tìm việc làm thêm. Phan Hoàng Hà cho rằng, du học sinh không nên sáng học rồi chiều đi làm luôn, sẽ rất áp lực, nên làm vào cuối tuần.

Bạn trẻ nên xác định việc học là chủ yếu, đi làm cũng chỉ kiếm thêm tiền mua đồ ăn và sinh hoạt. Nên làm ít, khoảng 2 buổi một tuần, hoặc chọn gói làm việc bán thời gian dành cho sinh viên, với mức thu nhập thấp hơn nhưng bạn sẽ có nhiều thời gian học tập.

Đến kỳ nghỉ, sinh viên có thể làm full time hoặc làm 2 việc cùng lúc để bù cho khoảng thời gian "làm ít, học nhiều" trong năm học.

Nên chọn việc gắn với ngành học

Làm thêm là một trong những nhu cầu thiết thực của du học sinh, đặc biệt những bạn đi học tự túc. Thực tế là sinh viên sang đây phải tính toán sinh hoạt phí, ra khỏi nhà là mất tiền. Thậm chí, những thành phố họ sống được biết đến là "đắt đỏ nhất thế giới", do vậy, công việc làm thêm rất cần thiết.

Tuy nhiên, du học sinh cần cân nhắc giữa những lựa chọn. Có rất nhiều công việc không liên quan ngành học với mức lương hấp dẫn, nhưng tôi cho rằng, du học sinh nên chọn những công việc liên quan chuyên môn như trợ giảng hay trợ lý cho nhóm nghiên cứu, dù mức lương không cao. Bởi lẽ về lâu dài, mục tiêu của sinh viên vẫn là nắm vững chuyên môn ngành học.

Dĩ nhiên, không dễ để nhận được những công việc liên quan chuyên môn trong các trường đại học. Việc này đòi hỏi bạn phải có kiến thức và tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Lê Ngọc Sơn

Nghiên cứu sinh ngành Truyền thông

Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức.

Theo zing.vn