Board game là các trò chơi sử dụng các thành phần như lá bài, biểu tượng, quân cờ và dàn xếp trên một mặt phẳng.

Mỗi trò chơi có luật chơi khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Để chiến thắng, người chơi cần sử dụng kỹ năng phân tích tình huống, lập chiến lược, phán đoán và cả may mắn.

Mỗi bộ board game sẽ có một luật chơi, số lượng người chơi, và thời gian chơi khác nhau.

Vì đây là trò chơi đòi hỏi giao tiếp và tương tác giữa những người chơi, nên ngoài yếu tố giải trí, nó còn giúp các bạn du học sinh hòa nhập dễ dàng hơn với môi trường mới, cũng như giúp kết nối các mối quan hệ trong thời đại mới.

Board game giúp du học sinh cải thiện kỹ năng giao tiếp và mở rộng mối quan hệ

Bạn Ngọc Chinh (20 tuổi, du học sinh ở Nga) tâm sự: "Hồi đầu mới ra nước ngoài, mình cảm thấy rất bỡ ngỡ vì thay đổi môi trường sống, thói quen, giờ giấc sinh hoạt hàng ngày. Cộng thêm trước đó mình học quân sự ở Việt Nam gần một năm không được ra ngoài.

Về ngôn ngữ thì lúc mới sang gần như họ nói mình không hiểu gì. Thời gian đầu mình phải nhờ sự trợ giúp của google dịch. Nhưng lên lớp nghe thầy cô giảng vẫn không nghe kịp. Nên khi về phòng, mình phải mượn vở của các bạn và đọc sách trước mỗi buổi học.

Rất may là hồi đó, mình tình cờ tìm thấy một hội nhóm chơi yu-gioh (một dạng trò chơi thẻ bài) trên Vkontakte (mạng xã hội của Nga) nên chủ động tham gia để chơi. Mình hỏi chủ hội để biết thời gian và địa điểm rồi đi đến đó.

Du học sinh hòa nhập với cuộc sống mới dễ dàng nhờ board game - 1

Ngọc Chinh cho rằng nhờ có trò chơi này mà kỹ năng giao tiếp của anh tốt lên khá nhiều và có cơ hội được giao lưu với những người bạn mới (Ảnh: NVCC).

Mình vẫn nhớ buổi đầu tiên đến chơi, lúc ấy tiếng Nga mình còn kém, mình nói tiếng Anh nên cũng khó để hòa nhập, với cả mình cũng chưa quen ai nên chủ yếu chỉ ngồi nhìn mọi người chơi.

Sau đó, dần dần mình cũng quen biết và hòa nhập được với mọi người, mình cảm thấy nhờ có trò chơi này mà kỹ năng giao tiếp của mình tốt lên nhiều và giúp mình có cơ hội được giao lưu với những người bạn mới.

Ngoài ra, nó còn giúp mình giải trí sau những giờ học căng thẳng trên trường. Nên cứ mỗi cuối tuần mình lại đến câu lạc bộ để chơi với mọi người, coi như là phần thưởng cho bản thân sau một tuần học tập năng suất".

Board game trở thành công cụ để kết nối mọi người

Bạn Hải Đăng (29 tuổi, du học sinh Mỹ) cho rằng: "Một trong những việc cần thiết khi ra nước ngoài hay tới một môi trường mới là tìm và kết nối với bạn mới, cũng như ở một môi trường an toàn mà ít (hoặc không) bị đánh giá.

Ở bên Mỹ, ai cũng có những bộ board game kết nối với bạn bè đơn giản như: Taboo, Apple to Apple... Với những board game đơn giản, luật chơi không quá phức tạp thì yếu tố con người quan trọng hơn.

Với mình, game giống như chất xúc tác, là công cụ, là cầu nối để mọi người thoải mái giao tiếp với nhau. Khi chơi, ngoài việc giao tiếp nhờ giải thích luật, mọi người còn nói chuyện và tương tác với nhau trên bàn chơi.

Một cái mà mình thấy khá hay là bên Mỹ có rất nhiều giọng điệu khác nhau của mỗi thành phố, mỗi bang, mỗi vùng. Nhờ có trò chơi mà mình làm quen được với những giọng điệu khác nhau đó".

Du học sinh hòa nhập với cuộc sống mới dễ dàng nhờ board game - 2

Với Hải Đăng, board game giống như chất xúc tác, là công cụ, là cầu nối để mọi người thoải mái giao tiếp với nhau (Ảnh: NVCC).

Hải Đăng tâm sự: "Hồi mình là sinh viên năm thứ ba, lúc đó chỉ tập trung đi làm và đi học nên không có nhiều thời gian để kết nối. Thời điểm đó nhờ có những tựa game như dead of winter mà mình tìm được bạn bè nhiều hơn. Tính ra thời điểm đó mình được biết nhiều văn hóa đại chúng thú vị.

Một trong những cách mà mình thấy board game giúp nhiều nhất là việc game trở thành công cụ để kết nối mọi người. Có nhiều lần mình tới những buổi social events (các sự kiện xã hội), mọi người dùng game để làm quen nhanh hơn.

Có lần mình tới nhà bạn bè ăn tối, đến đó cũng không quen biết ai, thế là mọi người chơi game. Các bạn có hướng dẫn mình trò 7 wonders. Vì trò chơi đó phải lên kế hoạch với hai người xung quanh, nên có thể vừa chơi vừa trò chuyện. Tự nhiên cuối game lại quen được hai người bạn mới.

Rồi mọi người bắt đổi vị trí để chơi ván sau, những ai không thích có thể đổi qua chơi trò khác, nên tối hôm đó mình cũng chơi được nhiều trò và quen được nhiều bạn bè.

Hay một lần khác mình qua nhà bạn ăn lễ phục sinh. Gia đình bạn ấy là người Đài Loan, nên bố mẹ nói tiếng Anh không được tốt lắm. Thành ra chơi mấy trò như ticket to ride, telestrations mà kết thân được với gia đình, tự nhiên mình có được một kỳ nghỉ lễ khá ấm cúng.

Ngoài việc cải thiện kỹ năng giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ, Hải Đăng còn sử dụng board game để gây quỹ từ thiện. "Một năm mình gây quỹ từ thiện 1-2 lần. Mình học rất nhiều game, sau đó lên cộng đồng thông báo là ngày mình sẽ gây quỹ.

Cứ mỗi người tham gia sẽ đóng góp 10 USD, những tựa game mới và game hay sẽ được nhiều người tham gia. Càng nhiều người tham gia mình đóng góp càng nhiều và càng có cơ hội để mọi người đóng góp thêm", Đăng nói.

Du học sinh về nước hàn gắn lại mối quan hệ nhờ board game

Không chỉ với du học sinh nơi xa xứ, du học sinh mới về nước cũng bị lạc lõng và mất kết nối với rất nhiều người. "Mình từng là du học sinh Singapore, hồi mới về nước bị mất kết nối nhiều lắm.

Vì có nhiều thứ phải làm ở xứ người, mình đi du học cũng ít nói chuyện với bạn bè trong nước hay bạn bè cũ", bạn Ngô Đĩnh (23 tuổi, du học sinh Singapore) chia sẻ.

"Mình về nước đúng thời bệnh dịch nên mọi người hầu như toàn ở trong nhà, không ra đường được. Mình cũng ở nhà kiếm cái để chơi, nên có tìm tòi về board game. Mình nhắn tin rủ bạn bè chơi cùng, vừa để trò chuyện tâm sự, vừa để giải trí.

Du học sinh hòa nhập với cuộc sống mới dễ dàng nhờ board game - 3

Ngô Đĩnh từng là du học sinh Singapore(Ảnh: NVCC).

Cũng nhờ board game mà mình mở rộng mối quan hệ từ trong công ty cho tới ngoài công ty, từ hàn gắn tình cảm với bạn bè cũ đến làm quen được với những người bạn mới.

Đối với mình, board game là một công cụ giúp tạo dựng mối quan hệ mới hoặc kết nối với bạn cũ dễ hơn", Ngô Đĩnh nói.

Theo Ngô Đĩnh, board game còn giúp cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề. "Vì trong game mình sẽ cần đưa ra những lựa chọn dựa trên tình hình thế trận như thế nào, nên phải tính toán sao cho hiệu quả nhất.

Hơn nữa, để tối ưu chiến thuật cần phải đưa ra các lựa chọn, cân nhắc giữa các lựa chọn đó, tính toán rào trước đón sau hay đưa ra một số dự đoán để có khả năng giành chiến thắng nhiều hơn".

Theo dantri.com.vn