Năm 2022, các thị trường du học lớn cam kết đầu tư hơn 33,5 tỉ USD để xây dựng nhà ở cho sinh viên (purpose-built student accommodation), trong đó có Anh (7 tỉ USD), Mỹ (6 tỉ USD) và Úc (3 tỉ USD). Tuy nhiên, báo cáo gần đây cho thấy 53% số du học sinh trên toàn cầu đã phải chọn các phòng trọ, nhà cho thuê của tư nhân vì tình trạng khan hiếm phòng trong ký túc xá và nhà ở cho sinh viên, theo trang ICEF Monitor.
Canada: "Bão giá" nhà ở và rủi ro lừa đảo
Theo đài CBS, trong bối cảnh du học sinh phải ráo riết tìm nhà ở tại Canada, nhiều người đã đối mặt với rủi ro bị lừa đảo. Chiêu thức của các đối tượng khá đa dạng, như yêu cầu đặt cọc mới được xem nhà, buộc đóng phí đăng ký không hoàn lại lên đến 200 USD (4,8 triệu đồng) nhưng thực chất không còn chỗ, cho thuê cùng lúc nhiều người hay cung cấp nhà ở có giá "trên trời" nhưng chất lượng kém hơn quảng cáo.
Trước tình trạng trên, chính phủ Canada khuyến cáo sinh viên quốc tế là nạn nhân của lừa đảo liên hệ với Trung tâm Chống lừa đảo Canada hoặc cảnh sát địa phương để trình báo sự việc và nhận hỗ trợ. Để giảm áp lực lên thị trường nhà ở, ông Sean Fraser, Bộ trưởng Nhà ở, cơ sở hạ tầng và cộng đồng Canada, hồi tháng 8 cũng đề xuất hạn chế số du học sinh đến nước này. Ước tính đến năm 2026, Canada sẽ thiếu hụt 120.000 chỗ ở và nước này dự kiến đón 900.000 sinh viên quốc tế vào cuối năm nay.
Mặt khác, dù bắt đầu tìm chỗ ở từ sớm nhưng du học sinh vẫn sẽ khó "an cư" trước khi lên đường du học, vì thống kê hiện nay cho thấy thời gian tìm kiếm chỗ ở trung bình kéo dài đến 3 tháng. Chi phí trung bình được đưa ra là 600 USD/tháng (14,6 triệu đồng), thậm chí đến 700 USD (17 triệu đồng) dù phải ở ghép nhiều người trong căn hộ có 1-2 phòng ngủ.
Ước tính đến năm 2026, Canada sẽ thiếu hụt 120.000 chỗ ở và nước này dự kiến đón 900.000 sinh viên quốc tế vào cuối năm nay
PEXELS
Hơn nữa, tại các thành phố lớn, giá căn hộ một phòng ngủ đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 2.095 USD/tháng (51 triệu đồng). Chưa kể, thủ tục thuê nhà tư nhân hoặc qua đại lý khá rườm rà vì quy định yêu cầu du học sinh cần có người bảo lãnh, mà trong khi chờ hoàn thiện thủ tục thì có khi chỗ ở lại bị người khác thuê.
Úc: 70% chỗ ở mới cũng được cung cấp cho du học sinh
Trong năm 2023, dự kiến sinh viên quốc tế sẽ dùng hết 55% nguồn cung mới về chỗ ở tại Úc. Điều này dấy lên nhiều lo ngại, bởi dữ liệu năm 2022 cho thấy 70% chỗ ở mới cũng được cung cấp cho du học sinh, trong khi người dân Úc liên tục gặp khó trong việc thuê chỗ do lạm phát, lãi suất lẫn giá thuê đều tăng cao.
Nguồn cung nhà ở trong các năm qua tại Úc cũng sụt giảm đáng kể, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ước tính chỉ còn 127.500 chỗ ở vào năm 2025, so với 200.000 chỗ ở trước đại dịch. Và chỉ có khoảng 4.979 chỗ ở mới được đưa vào sử dụng trong năm 2023, theo trang The PIE News.
Giá thuê nhà ở Úc đang ở mức cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"
CHỤP MÀN HÌNH
Chưa kể, chi phí sinh hoạt, nhất là giá thuê nhà tại Úc đã tăng đến 10-20% và chính thức cán mốc 595 USD/tuần (14 triệu đồng) hồi tháng 7.2023, theo đài ABC News. Ngoài ra, chỉ 10% du học sinh tại Úc có suất trong các ký túc xá của trường, còn lại đều phải thuê ngoài. Điều này gây không ít áp lực cho thị trường nhà ở, khiến nước này có nguy cơ thiếu 252.800 chỗ ở vào năm 2028.
Anh: 91% du học sinh lo sinh hoạt phí tăng
Tương tự Úc và Canada, ước tính Anh sẽ thiếu 620.000 nhà ở cho sinh viên vào năm 2026. Theo trang Times Higher Education, gần 75% nhà ở dành cho sinh viên tại một số trường ĐH hàng đầu ở Anh đã kín chỗ cho năm 2023-2024. Báo cáo của Savills cũng cho thấy quỹ nhà ở cho sinh viên còn khoảng 91.351 chỗ, hoàn toàn không thể đáp ứng nhu cầu của 344.065 sinh viên đang theo học tại các trường tại thủ đô London.
Nhiều người bị buộc thuê nhà cách trường rất xa, chẳng hạn sinh viên ĐH Bristol phải thuê ở Newport cách 50 km, hay sinh viên ĐH Manchester phải ở Liverpool cách 56 km, đài STV News cho hay. Việc di chuyển đường dài bằng phương tiện giao thông công cộng khá tốn kém, và đôi khi sinh viên không kịp giờ học. Thực trạng này khiến nhiều sinh viên quốc tế phải tạm dừng việc học hoặc cân nhắc kế hoạch học tập khác.
Sinh viên quốc tế đang theo học tại Anh gặp khó vì nhà ở còn trống cách trường rất xa
UNIVERSITY OF SOUTHAMPTON
Giá thuê nhà ở cho sinh viên cũng tăng trung bình 30% so với năm 2022, ở mức khoảng 592 bảng Anh/tháng (17,3 triệu đồng). Tại London, chi phí lên đến khoảng 840 bảng Anh (24,6 triệu đồng). Giá thuê nhà tăng gấp nhiều lần so với mức lạm phát khiến áp lực chi trả tiền thuê là không nhỏ với sinh viên, vì các khoản vay chưa thể đáp ứng nhu cầu. Do đó, các chủ hộ cho thuê tư nhân có xu hướng ưu tiên đối tượng người đã đi làm, hoặc cho thuê ngắn hạn hơn là cho sinh viên thuê.
Trước thực trạng này, các trường ĐH Anh đang gấp rút tăng số phòng ký túc xá, nhưng lại gặp khó về ngân sách và nguồn lực. Một số biện pháp tạm thời là hỗ trợ tài chính về nhà ở cho sinh viên nào đáp ứng đủ điều kiện, cải tạo ký túc xá thành phòng hai giường, cung cấp lựa chọn thuê ở ngắn hạn... Tuy nhiên, dù có nỗ lực, các trường cũng chỉ có thể cải thiện phần nào việc cung cấp nơi ở cho sinh viên, thay vì mang đến một trải nghiệm lưu trú đúng nghĩa.
Châu Âu: Khan hiếm nhà ở là tình trạng chung
Không chỉ Anh, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang "vật lộn" với tình cảnh thiếu nhà ở. Chẳng hạn, Hà Lan vừa công bố kế hoạch hành động quốc gia về mở rộng nguồn cung nhà ở cho sinh viên, lên 60.000 chỗ ở mới đến năm 2030, nhằm giải quyết sự thiếu hụt. Năm 2022, Hà Lan thiếu 27.000 nhà ở cho sinh viên, và con số này có thể tăng đến 45.000 vào năm 2030.
Sinh viên quốc tế tại Hà Lan bắt buộc phải có nhà ở để giữ giấy phép cư trú
UNIVERSITY OF AMSTERDAM
Trước đó, chính quyền TP.Amsterdam (Hà Lan) phải kêu gọi các chủ nhà có phòng trống ưu tiên cho sinh viên thuê vì nguồn cung eo hẹp. Đồng thời, thành phố này đang cân nhắc hạn chế tốc độ tăng trưởng du học sinh để giải quyết tình trạng trên. Trường ĐH Amsterdam hàng đầu Hà Lan còn khuyến cáo sinh viên không nên đến học tại đây trừ khi đã tìm được chỗ ở phù hợp.
Chỗ ở đặc biệt quan trọng với sinh viên quốc tế không thuộc khối Liên minh châu Âu tại Hà Lan, do quy định bắt buộc người học phải đăng ký nơi ở với chính quyền thành phố để giữ giấy phép cư trú. Và thực tế là rất nhiều trường ĐH Hà Lan không có ký túc xá nên sẽ không thể hỗ trợ nhà ở cho tất cả du học sinh.
Tại Ireland, tình trạng khan hiếm nhà ở cho sinh viên khiến chính phủ phải vào cuộc với các gói hỗ trợ xây dựng nguồn cung mới. Du học sinh tại Pháp thì có xu hướng chuyển ra sống ở vùng ngoại ô, thay vì tranh giành các căn hộ nhỏ nhưng đắt đỏ trong thành phố. Cụ thể, nhà ở nông trại sẽ được cải tạo lại, chứa tối đa 6 sinh viên, với giá thuê rẻ hơn từ 20-30% so với trong thị trấn hay thành phố lớn.
Theo Thanh niên