Gần 7 tháng qua, Nguyễn Hoàng Trường Giang, sinh viên năm cuối ngành Khoa học Vật liệu, Đại học Công nghệ Nanyang, quay cuồng với đồ án cuối kỳ và lo cho Linh.AI, công ty về trí tuệ nhân tạo ra đời hồi tháng 3. Ở tuổi 22, chàng trai Hà Nội đã thực hiện được ước mơ có start-up khi vẫn chưa tốt nghiệp đại học.

Giang từng học chuyên Hóa, THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm lớp 11, em đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Hóa và được tuyển thẳng vào Đại học Dược, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên. Từ những năm phổ thông, Giang đam mê start-up với những ý tưởng sáng tạo và muốn sang Singapore, nơi có môi trường khởi nghiệp sôi động.

Giang hiện vừa học năm cuối Đại học Công nghệ Nanyang, vừa điều hành công ty AI tại Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giang hiện vừa học năm cuối Đại học Công nghệ Nanyang, vừa điều hành công ty AI tại Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giang học ở Đại học Khoa học Tự nhiên một năm, sau đó "gap year". Hè 2018 đó, Giang thực tập tại phòng trí tuệ nhân tạo của FPT, sau đó thi Singapore-India Hackthon, làm về một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nhận biết vấn đề tâm lý học sinh. Cậu cũng tham gia các dự án freelance về phần mềm và AI. Lúc đó, Giang đã ấp ủ mở một công ty trí tuệ nhân tạo.

Cùng năm, Giang sang Singapore du học với hỗ trợ tài chính của chính phủ nước này. Năm nhất đại học, nam sinh đặt ra thử thách cho bản thân khi tự học thêm ngành Khoa học Máy tính. Vừa học hai ngành, Giang vừa cố gắng giữ vững điểm số học tập tốt.

Năm thứ hai, cậu là một trong hai sinh viên được IBM nhận vào ở vị trí lập trình viên. Trong thời gian thực tập ở một công ty sản xuất xe tự động lái, Giang phát hiện ra nhiều vấn đề phần mềm. Nam sinh nhận thấy công ty công nghệ cao như vậy nhưng vẫn mất nhiều thời gian để xây dựng các phần mềm ứng dụng AI thì công ty nhỏ sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

Cậu muốn tập hợp đội ngũ tài năng để tạo ra sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng AI nhanh hơn. Trình bày ý tưởng với giám đốc công ty, Giang nhận được sự ủng hộ.

Cuối năm thứ ba, Giang và các bạn thi Ideasinc 2020, cuộc thi do một công ty con trong trường Đại học Công nghệ Nanyang tổ chức cho các start-up ở Đông Nam Á. Các công ty tham gia đều đã có doanh thu 500-1 triệu USD, trong khi đội của Giang mới chỉ có ý tưởng.

Giang (áo đen) thực tập tại Công ty Công Nghệ Singapore (ST Engineering: Singapore Technologies Engineering). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giang (áo đen) thực tập tại Công ty Công nghệ Singapore (ST Engineering: Singapore Technologies Engineering). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để được đi tiếp vào vòng trong, Giang phải viết cam kết sẽ mở công ty. Ý tưởng xây dựng nền tảng công cụ phát triển trí tuệ nhân tạo bằng cách tối ưu hoá dữ liệu của đội Giang lọt vào vòng cuối gồm 10 start-up và được trường đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp cùng cơ sở vật chất.

Cậu nhờ hai mentor (cố vấn) là những người khởi nghiệp lâu đời ở Singapore giúp làm giám đốc, do sinh viên chưa được phép thành lập doanh nghiệp.

Sau Ideasinc 2020, Giang tiếp tục đưa ý tưởng đó đi thi và đều giành giải. Nhóm của cậu thắng cuộc thi ý tưởng và được nhận vào Chương trình Doanh nhân Sinh viên (Student Entrepreneurship Program) của trường Khoa học Kỹ thuật Máy tính. Ở đây, Giang có thêm các mentor là giáo sư đầu ngành về trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính, được hỗ trợ sử dụng hệ thống máy tính của trường.

Đoạt giải trong cuộc thi "Người sáng tạo" (Innovator Track) của trường Kỹ thuật Điện Điện tử, Giang được kết nối với những doanh nhân và các quỹ đầu tư để học hỏi cách phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, cậu cũng được giới thiệu đến các mentor trong lĩnh vực như marketing, sales sau khi chiến thắng chương trình Ươm mầm khởi nghiệp của Cao đẳng Cộng hòa (Republic Polytechnic).

Giang cho hay, khó khăn nhất khi khởi nghiệp là xây dựng được đội ngũ có kỹ năng cao. Công ty của Giang gồm 8 thành viên là sinh viên Việt Nam và Malaysia, lấy tên Linh.AI theo tên hai bạn nữ tên Linh trong nhóm.

Giang (thứ ba từ phải sang) cùng đội lập trình tại thành phố Chennai, Ấn Độ, năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giang (thứ ba từ phải sang) cùng đội lập trình tại thành phố Chennai, Ấn Độ, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Start-up ảnh hưởng nhiều tới việc học của Giang. Cậu khó cân đối giữa việc lên lớp và tìm ra phương hướng phát triển công ty. Là trường top đầu thế giới, chương trình học ở Nanyang nặng, cơ chế chấm điểm khó. Trong khi đó, ngành Khoa học Vật liệu của Giang trở nên cạnh tranh hơn sau khi năm ngoái là top 1 thế giới.

"Em đã phải vật lộn tìm cách sống sót ở trường. Không phải lúc nào lịch ở trường cũng phù hợp với mình, trong khi công ty lại luôn có vấn đề, cần phải gặp các mentor để nhờ cố vấn. Em đã rất căng thẳng", Giang kể.

Thời gian đầu, cậu chỉ ngủ 3 tiếng mỗi ngày, thậm chí không ngủ. "Nhưng em may mắn gặp được các mentor giỏi, có công ty niêm yết trên sàn chứng khoán ở cả Mỹ và Singapore giúp, nên quyết tâm làm", nam sinh năm cuối chia sẻ.

Linh.AI hiện có hai sản phầm: Xử lý dữ liệu và Đánh giá chất lượng của trí tuệ nhân tạo, đã có khách hàng là trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu cùng hai công ty xe tự động lái ở Singapore. Sản phẩm đầu đã gửi khách hàng chạy thử để nhận phản hồi, trong khi sản phẩm thứ hai đang trong giai đoạn xây dựng.

Tháng 7 năm sau, Giang sẽ tốt nghiệp. Cậu dự định phát triển thêm đội ngũ nhân lực ở Việt Nam.

"Em mong muốn start-up không phải để trở thành tỷ phú mà vì quan tâm tới giá trị tạo ra. Em vui vì con đường mình chọn và sản phẩm làm ra giá trị với mọi người", Giang cho hay.

Đội Linh.AI tại văn phòng trước khi Singapore siết chặt quy định giãn cách. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đội Linh.AI tại văn phòng trước khi Singapore siết chặt quy định giãn cách. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Bo An, Phó giáo sư, tiến sĩ trường Khoa học và Kỹ thuật máy tính, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo của Đại học Công nghệ Nanyang, đánh giá cao start-up của du học sinh Việt. Ông cho biết đội của Giang là một đội đầy triển vọng, tràn đầy năng lượng và thực tế của Chương trình Doanh nhân Sinh viên. Các thành viên đều đam mê và quyết tâm trong những gì mình làm.

"Là một công ty khởi nghiệp, các em hiểu những thách thức và giải quyết chúng với tư duy cởi mở. Tôi rất vui khi sinh viên trong SEP ưu tiên giải quyết các vấn đề thật bằng giải pháp thực tế hơn là sử dụng giải pháp công nghệ cao đang thịnh hành nhưng ít hữu ích hơn", Phó giáo sư, tiến sĩ Bo An nhận xét.

Ông Sebastian Yee, Giám đốc Giải pháp Kỹ thuật cao tại tập đoàn ST Engineering, ấn tượng Giang là một thanh niên tài năng và có năng lực. Trong quá trình thực tập ở công ty, Giang đã thể hiện những sáng kiến và tinh thần kinh doanh. Nam sinh cũng có sự độc đáo và kỹ năng đặc biệt trong cách trình bày các ý tưởng.

"Cậu ấy có đam mê lớn trong việc xác định các thách thức và cung cấp giải pháp hiệu quả. Tôi rất thích được cố vấn cho Giang. Tôi tin Giang có tiềm năng lớn để tập hợp và lãnh đạo các tài năng trong nhiều lĩnh vực vì một mục đích tốt đẹp", ông Yee nói.

Theo vnexpress