Đến ngày 22/3, Đức ghi nhận 22.364 ca nhiễm nCoV, 84 người chết. Chính phủ đang xem xét phong tỏa đất nước do số ca nhiễm tăng nhanh. Các trường học đóng cửa từ ngày 16/3 đến 19/4 nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc, làm chậm quá trình virus lây lan, tránh sự quá tải của hệ thống y tế. Tùy diễn biến của dịch bệnh, thời gian đóng cửa trường học có thể kéo dài thêm.
Học sinh, sinh viên ở nhà nhưng vẫn tiếp tục chương trình học do giáo viên soạn thảo. Việc trao đổi bài vở, nội dung học được thực hiện qua email, tin nhắn hay hệ thống online của trường và các ứng dụng điện tử khác nhằm đảm bảo chương trình học không gián đoạn.
Du học sinh Việt Nam tại Đức cũng không phải ngoại lệ, nghĩa là các em vẫn tiếp tục chương trình học do nhà trường yêu cầu. Những bạn ở ký túc xá nhận được hướng dẫn cụ thể từ nhà trường, ban quản lý, có thể truy cập thông tin hàng ngày về tình hình Covid-19 ở Đức. Những bạn ngoại trú có thể tìm thông tin trên trang web của trường và được khuyến cáo tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng Đức để phòng tránh dịch.
|
Trang web của Viện nghiên cứu Robert Koch của Đức. |
Diễn biến Covid-19 được cập nhật hàng ngày trên trang của Viện nghiên cứu Robert Koch, bằng tiếng Đức và tiếng Anh (rki.de). Mọi thông tin như đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh ở Đức, làm thế nào bảo vệ mình, các triệu chứng bệnh, khi nào phải tự cách ly tại nhà, đối tượng nào được ưu tiên xét nghiệm, nếu nghi nhiễm thì liên hệ với ai... đều có thể tìm thấy trên trang này.
Ngoài ra, trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng cung cấp thông tin cần thiết về tình hình dịch bệnh (vietnambotschaft.org). Trang chính thức của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đức cập nhật thông tin, trao đổi, thắc mắc liên quan đến Covid-19. Trường hợp cần thiết, bạn có thể liên hệ với Ban quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Đức để được trợ giúp.
Với du học sinh nói riêng và tất cả người đang sinh sống tại Đức nói chung, việc cần làm nhất lúc này là:
- Tránh tiếp xúc với nhóm người có nguy cơ (người già, người bị bệnh nền, người trên 50-60 tuổi...) để bảo vệ họ. Hạn chế tiếp xúc xã hội tối đa có thể. Không tụ tập đông người. Trường hợp bất khả kháng phải đi ra ngoài như mua đồ hay có việc gì đó thực sự quan trọng, bạn phải giữ khoảng cách với người đối diện ít nhất 2 m.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng tránh như rửa tay với xà phòng ít nhất 20 giây trước khi xả sạch với nước, không chạm tay lên miệng, mặt. Ho, hắt hơi đúng cách vào khuỷu tay.
- Khi xuất hiện triệu chứng, hãy liên lạc với dịch vụ y tế khẩn cấp theo số điện thoại 116117 để được hướng dẫn.
- Số điện thoại tư vấn bệnh nhân độc lập: 0800 011 77 22
- Số điện thoại của Bộ Y tế liên bang: 030 346 465 100
- Số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức: 0049 162 539 1500.
- Số điện thoại Ban quản lý lưu học sinh Việt Nam tại Đức: 015227013332
Điều không kém quan trọng lúc này là bạn cần giữ bình tĩnh, tranh thủ thời gian làm những việc hữu ích như đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục tại nhà, tìm hiểu thông tin ăn uống giữ gìn sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể. Bạn cần tránh đọc thông tin không được kiểm chứng về tình hình dịch bệnh.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là Mỹ 29.000, kế đó là Canada 21.000, Australia và New Zealand 30.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Anh 12.000, Italy và Trung Quốc mỗi nước khoảng 11.000, Đức 7.500, Pháp 6.500.
Từ khi châu Âu và Mỹ trở thành tâm dịch, hàng nghìn du học sinh Việt Nam đã về nước. Ngày 19/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo du học sinh theo dõi chặt chẽ kế hoạch học tập, lưu ý thủ tục liên quan đến việc nhập học lại và những rủi ro trong quá trình di chuyển nếu quay về Việt Nam, "hết sức cân nhắc việc về Việt nam trong bối cảnh đi lại khó khăn như hiện nay".
Trường hợp thực sự cần thiết phải trở về Việt Nam, du học sinh phải trung thực khai báo y tế, cách ly theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của Việt Nam. Nếu có dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở, du học sinh cần chủ động tự cách ly và liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. |
Theo vnexpress